Tỷ giá USD/VND gần đây “hạ nhiệt”, thu hẹp mức tăng so với cuối năm 2023 xuống khoảng 3,5%
(ĐTCK) Diễn biến điều chỉnh của đồng USD trong một tháng gần đây cùng với triển vọng tỷ giá cũng như các yếu tố vĩ mô ổn định hơn được nhận định sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng.
Ba yếu tố giúp tỷ giá hạ nhiệt
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam cho biết, đồng USD giảm giá so với VND trong 1 tháng gần đây đến từ 3 yếu tố chính.
Thứ nhất, lạm phát tại Mỹ giảm xuống còn 3% vào cuối tháng 6/2024 và dự báo tiếp tục suy giảm trong quý III/2024. Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ có dấu hiệu yếu hơn thông qua tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3% và có thể tiếp tục tăng cao, dẫn tới khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra quyết định hạ lãi suất vào tháng 9/2024, tạo ra áp lực điều chỉnh đối với đồng USD.
Thứ hai, trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu ròng của Việt Nam đạt 14,08 tỷ USD và vốn FDI liên tục lập kỷ lục, với 12,55 tỷ USD đã được giải ngân. Ngoài ra, kiều hối về Việt Nam tiếp tục tăng (riêng TP.HCM, lượng kiều hối chuyển về đạt gần 5,2 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái), góp phần giúp giảm tình trạng căng thẳng thanh khoản USD trên thị trường, khiến USD điều chỉnh.
Thứ ba, thị trường vàng dần ổn định và việc xử lý nghiêm các vụ nhập lậu vàng khiến nhu cầu USD trên thị trường tự do nhằm phục vụ hoạt động nhập lậu vàng giảm mạnh, giúp giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND.
“AzFin dự báo, các yếu tố trên sẽ được duy trì trong nửa cuối năm 2024, giúp tỷ giá USD/VND trở nên ổn định hơn”, ông Phục nói.
Kỳ vọng khối ngoại sớm quay lại
Ông Đặng Trần Phục cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 70.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán kể từ đầu năm 2024 đến nay, một con số rất lớn. VND mất giá so với USD là một trong những nguyên nhân chính, bên cạnh tình hình địa chính trị thế giới bất ổn, kinh tế toàn cầu khó khăn, khiến khối ngoại có nhu cầu rút một phần vốn đầu tư ra khỏi các thị trường mới nổi. Đối với Việt Nam, không ít nhà đầu tư nước ngoài có tâm lý chán nản và rút vốn khi giảm kỳ vọng vào triển vọng thị trường chứng khoán sẽ sớm được nâng hạng.
“Chúng tôi cho rằng, khối ngoại sẽ quay trở lại mua ròng khi thị trường chứng khoán có những cải thiện và chuyển biến lớn để nâng hạng, đồng thời kinh tế – chính trị thế giới ổn định hơn”, ông Phục nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho hay, trước đây, khối ngoại bán ròng, rút bớt vốn từ thị trường chứng khoán Việt Nam chuyển sang các thị trường phát triển hơn như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…, vì lo ngại biến động tỷ giá có thể cao hơn. Hiện nay, đồng Yên của Nhật Bản, đồng Bath của Thái Lan có biến động lớn, trong khi VND có giá hơn, tạo cơ hội cho thị trường Việt Nam.
“Dòng vốn sẽ dần dịch chuyển khỏi các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và tìm kiếm các thị trường khác có cơ hội tăng trưởng tốt hơn, trong đó có Việt Nam với các lợi thế về ổn định tỷ giá, định giá cổ phiếu còn thấp… Khối ngoại trở lại mua ròng sẽ có tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nước và thị trường”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, câu chuyện tỷ giá hạ nhiệt còn tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp bị lỗ tỷ giá thời gian qua khi đòn bẩy tài chính bằng đồng USD cao có cơ hội “hoàn trả” khoản lỗ quý II/2024, kết quả kinh doanh 2 quý cuối năm sẽ tích cực hơn, đặc biệt với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Riêng doanh nghiệp xuất khẩu còn có lợi thế cạnh tranh về giá bán. Tỷ giá ổn định cũng giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI, FII tốt hơn.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Thành Công phân tích, từ cuối tháng 7/2024 đến nay, đồng VND mạnh lên khiến nhà đầu tư nước ngoài có tâm lý “thoải mái” hơn khi đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong quá khứ, đồng USD suy yếu ảnh hưởng đến vấn đề dịch chuyển dòng vốn toàn cầu, nhà đầu tư có xu hướng chuyển dòng vốn từ thị trường phát triển sang các thị trường cận biên, mới nổi.
“Thời gian tới, chúng ta có thể chứng kiến dòng vốn chuyển từ thị trường Mỹ tới khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Thực tế, khối ngoại đã mua ròng trở lại trong một số phiên gần đây. Xu hướng này sẽ tác động tích cực đến tâm lý thị trường”, ông Trung nói.
Mở rộng cơ hội đầu tư chứng khoán
Một số nhóm ngành được khuyến nghị đầu tư là ngân hàng, vận tải, hoá chất, sản xuất, thực phẩm, bán lẻ, công nghệ, dịch vụ dầu khí, tiện ích, tiêu dùng thiết yếu, dược phẩm, xuất khẩu…
Có nhiều yếu tố vĩ mô được dự báo sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm nay, giúp mở rộng cơ hội đầu tư.
Ông Đặng Trần Phục cho rằng, GDP năm 2024 dự báo tăng trên 6,5% sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, lợi nhuận nửa cuối năm có thể tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt giúp tâm lý nhà đầu tư nước ngoài ổn định hơn. Lãi suất có thể tăng, nhưng dự kiến không nhiều, duy trì ở mức hợp lý, tiếp tục hỗ trợ kinh tế phát triển. Thị trường bất động sản dần hồi phục…
Liên quan đến lãi suất, ông Nguyễn Thế Minh đánh giá, tỷ giá ổn định sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước giảm bớt áp lực điều hành lãi suất.
“Trước đây, chúng tôi nhận định, lãi suất điều hành có thể tăng trong nửa cuối năm 2024, nhưng hiện nay tỷ giá đã hạ nhiệt, không có lý do gì để Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản. Cơ quan này có thể sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong nửa cuối năm nay và duy trì đà tăng trưởng tín dụng. Lãi suất thấp sẽ có lợi cho doanh nghiệp sản xuất, thúc đẩy mở rộng tăng trưởng”, ông Minh nói.
Ông Nguyễn Thành Trung nhận định, dư địa tăng trưởng của nhóm ngân hàng vẫn còn khi từ đầu năm 2024 đến nay, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp (tính đến cuối tháng 7, tín dụng tăng khoảng 6%, trong khi mục tiêu cả năm là 15%), nợ xấu giảm, lợi nhuận khả quan, định giá cổ phiếu hấp dẫn.
Tương tự, ông Đặng Trần Phục đánh giá cao nhóm ngân hàng, với kỳ vọng nợ xấu giảm, lợi nhuận năm 2024 tăng 20% so với năm 2023, định giá rẻ khi P/E khoảng 8,2 lần và P/B khoảng 1,3 lần (định giá toàn thị trường chứng khoán là P/E 13 lần và P/B 1,6 lần.
“Cổ phiếu ngân hàng với mệnh danh cổ phiếu vua nổi lên là nhóm triển vọng tích cực bởi biên lãi ròng cải thiện, tín dụng tăng, trong khi định giá nhiều cổ phiếu rất hấp dẫn”, ông Nguyễn Thế Minh nói và cho rằng, ngoài nhóm ngân hàng, nhóm vận tải, hoá chất, sản xuất thực phẩm, bán lẻ… là những nhóm hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế cũng đáng quan tâm. Bên cạnh đó, công nghệ, dịch vụ dầu khí là nhóm có câu chuyện đầu tư cho tăng trưởng dài hạn.
Với nhà đầu tư ưa thích tính an toàn, ông Nguyễn Thành Trung gợi ý lựa chọn nhóm cổ phiếu tiện ích, tiêu dùng thiết yếu, là những nhóm chia cổ tức 10 – 15%, khá hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp.
“Kinh tế Việt Nam đang phục hồi, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở nhóm bán lẻ, sản xuất là các nhóm có tính chu kỳ cao”, ông Trung khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Đặng Trần Phục đánh giá cao nhóm cổ phiếu dược, nhờ các yếu tố như tiêu thụ dược dự báo tăng trưởng 8 – 10/năm trong 5 năm tới; các nhà máy dược Việt Nam đang ngày càng đạt tiêu chuẩn EU-GMP và Japan-GMP, từ đó đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và đấu thầu thuốc vào kênh ETC (kênh bệnh viện); nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính mạnh, giúp trả cổ tức tiền mặt cao hơn lãi suất gửi ngân hàng; lĩnh vực hoạt động có tính chất phòng thủ vững chắc nếu kinh tế thế giới khó khăn.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/usd-ha-nhiet-lam-tang-co-hoi-dau-tu-post351832.html