Lợi nhuận nhóm bất động sản khu công nghiệp đi lùi
Triển vọng vốn đầu tư FDI tăng trưởng ổn định trong các năm tới được dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp. Trong quý 2/2024, do sự đi lùi của một số ông lớn mà tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp mảng này giảm 4% so cùng kỳ, tuy nhiên vẫn tăng 38% so với quý liền trước.
Bên cạnh biến động địa chính trị và hợp tác thương mại, bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) tại Việt Nam vẫn đang hút dòng vốn FDI nhờ mức chi phí cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực, đến từ lực lượng lao động, giá thuê đất và chi phí điện.
Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đạt gần 15.2 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ và FDI giải ngân hơn 10.8 tỷ USD, tăng hơn 8%. Trong đó, FDI vào BĐS gần 2 tỷ USD, gấp 4.7 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký.
Về tình hình kinh doanh, thống kê từ 27 doanh nghiệp BĐS KCN trên sàn chứng khoán (HOSE, HNX, UPCoM) đã công bố BCTC quý 2/2024, tổng doanh thu đạt 9,602 tỷ đồng, lãi ròng hơn 2,364 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 4% so với cùng kỳ; tuy nhiên, so với quý liền trước (quý 1/2024), cả doanh thu và lãi ròng đều tăng 18% và 38%.
Biên lãi gộp của các doanh nghiệp mảng này tương đối cao, dao động từ 32-44% suốt 10 quý vừa qua (từ quý 1/2022), quý 2/2024 ghi nhận 40%.
Doanh nghiệp có doanh thu trên ngàn tỷ đồng
Quý 2/2024, chỉ có 4/27 doanh nghiệp đạt doanh thu trên ngàn tỷ đồng, cùng kỳ là 5 doanh nghiệp, do ông lớn Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) bị rớt lại phía sau khi chỉ mang về doanh thu gần 892 tỷ đồng, lãi ròng 237 tỷ đồng, lần lượt giảm 62% và 76%. Nửa đầu năm, KBC lãi hơn 151 tỷ đồng, giảm 92%, nguyên do hoạt động kinh doanh KCN giảm sút.
Tổng Công ty IDICO – CTCP (HNX: IDC) tiếp tục đứng đầu về doanh thu quý 2 khi đạt hơn 2,148 tỷ đồng, giảm 11%; lãi ròng gần 433 tỷ đồng, giảm 19%. IDC giải thích rằng, lợi nhuận giảm do doanh thu các hợp đồng cho thuê hạ tầng KCN đáp ứng điều kiện doanh thu một lần giảm so với cùng kỳ. 6 tháng, doanh thu gần 4,616 tỷ đồng và lãi ròng gần 1,128 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 65%. So với mục tiêu 2024, IDC thực hiện lần lượt 56% doanh thu và 69% lãi trước thuế.
Theo sau là CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (HOSE: SIP) đạt doanh thu 1,937 tỷ đồng, tăng 16%; lãi ròng gần 298 tỷ đồng, tăng 26%. Kết quả nhờ doanh thu từ cung cấp dịch vụ tiện ích KCN và lãi bán các khoản đầu tư trong quý 2 tăng so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, doanh thu hơn 3,763 tỷ đồng, tăng 23% và lãi ròng gần 544 tỷ đồng, tăng 29%. So với kế hoạch năm, SIP đi được 3/4 quãng đường doanh thu và lợi nhuận.
Doanh thu quý 2 của Tổng CTCP Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi, UPCoM: SNZ) tăng 15% đạt gần 1,565 tỷ đồng, lãi ròng tăng gần 60% lên 325 tỷ đồng. Còn ông lớn Becamex IDC (HOSE: BCM) doanh thu gần 1,162 tỷ đồng, giảm 10%; trong khi lãi ròng gần 381 tỷ đồng, gấp 2.7 lần cùng kỳ. Qua đó, lãi sau thuế 6 tháng BCM đạt hơn 513 tỷ đồng, gấp 10.5 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, với mục tiêu tham vọng lợi nhuận sau thuế 2024 ở mức 2,350 tỷ đồng, ông lớn KCN Bình Dương này mới thực hiện được 22% kế hoạch năm.
Nguồn: VietStockFinance
|
Gần 60% doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận
Quý 2, có 16/27 doanh nghiệp lãi tăng trưởng (chiếm 59%), 10 doanh nghiệp giảm lãi và 1 doanh nghiệp lỗ chuyển lãi. Trong đó, 4 doanh nghiệp lãi tăng bằng lần.
CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (UPCoM: VRG) có mức tăng trưởng lợi nhuận quý 2 cao nhất, đạt hơn 38 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ. Trong kỳ VRG ghi nhận 10% giá trị còn lại của hợp đồng năm 2023 theo phương pháp hạch toán doanh thu 1 lần và điều chỉnh giá vốn hạ tầng KCN đã hạch toán năm 2023 khiến lợi nhuận tăng.
Nhờ doanh thu tài chính, lãi ròng CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (HOSE: TIP) gấp 5 lần cùng kỳ, đạt 68 tỷ đồng.
CTCP Long Hậu (HOSE: LHG) lãi ròng gần 68 tỷ đồng, gấp 2.3 lần và là mức cao nhất từ quý 4/2022, nhờ phát sinh doanh thu từ cho thuê đất KCN đã phát triển cơ sở hạ tầng và xưởng xây sẵn theo yêu cầu (cùng kỳ không có khoản này).
Nguồn: VietstockFinance
|
Tuy không nằm trong nhóm có lãi tăng bằng lần, nhiều doanh nghiệp KCN khác cũng có mức tăng trưởng hai con số như CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) lãi ròng quý 2 gần 44 tỷ đồng, tăng 86%, nhờ khoản hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi và giảm lãi vay ngân hàng.
Cùng với anh cả SNZ, họ Sonadezi còn góp mặt 3 cái tên khác tăng trưởng là Sonadezi Long Thành (HOSE: SZL) lãi ròng gần 35 tỷ đồng, tăng 57%; Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) hơn 102 tỷ đồng, tăng 7% và Sonadezi Long Bình (HNX: SZB) hơn 42 tỷ đồng, tăng 2%.
Duy nhất 1 doanh nghiệp lỗ
Trong khi hầu hết nhóm Sonadezi đều có lãi, công ty con của ông lớn KCN Đồng Nai SNZ là CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HOSE: D2D) lại có quý thua lỗ nhiều nhất từ khi niêm yết HOSE (tháng 8/2009), lỗ hơn 6 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 1 tỷ đồng và là doanh nghiệp duy nhất mảng KCN lỗ trong quý 2/2024. Nguyên nhân chính từ việc hụt doanh thu tài chính gần 90%, trong khi chi phí quản lý lên 60%. Sau 6 tháng, D2D lỗ hơn 5 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 7 tỷ đồng.
Trái ngược với 4 mã họ Sonadezi đều tăng trưởng, lãi ròng Sonadezi Giang Điền (UPCoM: SZG) giảm 57%, còn 30 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu hơn 193 tỷ đồng, lãi ròng gần 67 tỷ đồng, lần lượt giảm 23% và 36%.
VRG có mức tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cao nhất nhóm khu công nghiệp, gần 34 tỷ đồng, gấp 24 lần cùng kỳ. VRG cho biết, do hạch toán thiếu phần chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Tuy nhiên, so với kế hoạch lãi sau thuế gần 83 tỷ đồng, VRG mới thực hiện được 41%.
TIP cũng có lãi ròng 6 tháng ấn tượng gần 95 tỷ đồng, gấp 3.7 lần cùng kỳ. So với kế hoạch lãi sau thuế 2024 hơn 165 tỷ đồng, TIP thực hiện được 58%.
Lãi ròng 6 tháng của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi (HOSE: CCI) đạt hơn 26 tỷ đồng, gấp 2.5 lần cùng kỳ, là mức cao kỷ lục (lợi nhuận 6 tháng) từ khi niêm yết vào năm 2010, do hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư chứng khoán dẫn đến chi phí tài chính giảm. So với kế hoạch 2024 lãi sau thuế 26.5 tỷ đồng, CCI đi được tới 98%.
Nguồn: VietstockFinance
|
* Doanh nghiệp nào còn quỹ đất khu công nghiệp cho thuê nhiều nhất?
* 5 lợi thế cạnh tranh khi đầu tư khu công nghiệp tại Việt Nam