Tại Hội thảo “Hiện thực hoá nhà ở xã hội xanh” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức sáng 22-8, các diễn giả đưa ra nhiều vấn đề cho thấy đầu tư nhà ở xã hội (NƠXH) xanh không phải tốn thêm chi phí mà người dân tiết kiệm chi phí và lợi cho sức khỏe.
Việc phát triển NƠXH xanh tại Việt Nam đang được quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết. Để thúc đẩy quá trình này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, ngân hàng, doanh nghiệp và người dân.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, đánh giá tiến độ phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) của cả nước trong giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chính là do các quy định về đầu tư, đất đai, bất động sản còn chồng chéo, gây khó khăn cho việc triển khai dự án; việc dành quỹ đất để phát triển NƠXH chưa đáp ứng đủ nhu cầu; các thủ tục đầu tư còn rườm rà, phức tạp… Tuy nhiên, các luật liên quan đã thông qua, thời gian tới có nhiều thuận lợi, thúc đẩy phát triển NƠXH, ưu đãi cho người mua nhà và nhà đầu tư đã được cải thiện; đồng thời đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH đã được mở rộng.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh TP HCM, cho rằng mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ, việc phát triển NƠXH vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện Ngân hàng Chính sách Xã hội đã cho vay với lãi suất thấp (4,8%), thời gian vay dài (20-25 năm) nhưng dư nợ hiện tại còn thấp. Đến nay, tổng dư nợ cho vay mới đạt 108,8 tỷ đồng, cho 290 khách hàng. Còn 4 ngân hàng thương mại thì thực hiện theo Nghị định 100 với lãi suất thấp, thời gian dài nhưng chưa giải ngân hết. còn gói 120.000 tỉ đồng thì chỉ có 6 dự án tham gia, trong đó 3 dự án NƠXH đang vay vốn.
Ông Trần Đăng Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Kim Oanh, cho biết Kim Oanh đã mời đơn vị thiết kế nhà ở tiêu chuẩn Singapore vào Việt Nam để thực hiện 8 dự án NƠXH đang triển khai. Theo ông Toàn, NƠXH xanh cần được xây dựng theo mô hình khép kín, tối ưu hóa không gian, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Dù thủ tục hành chính đã được cải thiện và đơn giản hóa, nhưng việc triển khai các dự án NƠXH vẫn còn gặp nhiều vướng mắc như lãi suất cho vay nhà ở xã hội tăng từ 4,8% lên 6,6% đã gây khó khăn cho người mua nhà. Hiện công ty có 81 hồ sơ không giải ngân được dù dự án đã hoàn thành, gây ảnh hưởng đến tiến độ.
Theo ông Vũ Linh Quang, Thành viên Ban Giám đốc Hội đồng Công trình xanh, việc duy trì chất lượng của các dự án NƠXH xanh sau khi bàn giao vẫn còn nhiều khó khăn do các vấn đề như nứt, thấm, xuống cấp… Theo ông Quang, chi phí luôn là giải pháp đau đầu cho công trình xanh, tuy nhiên, theo nghiên cứu của ông thì cho thấy sử dụng công trình xanh không tăng chi phí mà người dân giảm 20% cho tiêu thụ năng lượng, nước… Đặc biệt công trình căn hộ, chưng cư hay NƠXH xanh rất tốt cho sức khỏe con người nhưng không phải người dân nào cũng hiểu.
Theo ông Nguyễn Công Bảo – Giám đốc điều hành xi măng Fico-YTL, xây dựng NƠXH xanh hoàn toàn khả thi và không làm tăng chi phí. Thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam đã có sẵn nhiều sản phẩm như bê tông từ nguyên liệu tái chế, thép luyện lò sỉ cao, kính cản nhiệt… Để thúc đẩy quá trình này, cần tăng cường các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xanh và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu rõ về lợi ích của việc sử dụng vật liệu xanh và các sản phẩm xanh.