Bỏ ra 8-9 tỷ đồng mỗi năm để thuê mặt bằng ở những khu “đất vàng”, các ông lớn Starbucks, Phúc Long đều có những toan tính riêng.
Mới đây, chuyện Starbucks Việt Nam trả mặt bằng 11-13 Hàn Thuyên đắt đỏ sau 7 năm kinh doanh do không thể đàm phán gia hạn hợp đồng thuê đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Cửa hàng Starbucks tại địa chỉ 11-13 Hàn Thuyên là ngôi nhà một trệt, hai lầu với tổng diện tích 212,5 m2, mặt tiền dài 8,5m, gần Công viên 30/4 rợp bóng cây, được nhiều khách hàng yêu thích về vị trí.
Đây là cửa hàng Starbucks Reserve đầu tiên và duy nhất tại TP. Hồ Chí Minh cho đến thời điểm này.
Cửa hàng Starbucks tại địa chỉ 11-13 Hàn Thuyên, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Vietnamnet |
Trước khi rời đi, được biết Starbucks thuê mặt bằng đắc địa này với giá 700 triệu đồng mỗi tháng (8,4 tỷ đồng mỗi năm).
Được biết, đồ uống tại Starbucks Reserve được bán từ 65.000 đồng đến 200.000 đồng. Giả sử trung bình mỗi sản phẩm có giá 100.000 đồng và biên lợi nhuận gộp hợp lý của ngành là 50%, với mức giá thuê 700 triệu đồng/năm, tương đương cửa hàng mất hơn 23 triệu đồng mỗi ngày cho chi phí cố định.
Như vậy, thương hiệu này cần bán khoảng 460 cốc mỗi ngày mới đủ chi phí mặt bằng, chưa kể các chi phí như nhân viên, điện nước, khấu hao tài sản,…
Hiện, chủ nhà 11-13 Hàn Thuyên muốn nâng giá thuê lên 30.000 USD/tháng (khoảng 757 triệu đồng/tháng), tương đương 9 tỷ đồng/năm, tăng hơn 600 triệu đồng/năm so với giá thuê cũ.
Câu chuyện thuê nhà của Starbucks gợi nhớ lại trường hợp mặt bằng số 325 Lý Tự Trọng, tọa lạc tại Ngã sáu Phù Đổng – giao lộ của 6 con đường ở Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Trong gần một thập niên qua, cửa hàng tại địa chỉ này đã chứng kiến sự đến rồi đi của nhiều chuỗi F&B có tên tuổi như Phúc Long, Soya Garden, PhinDeli,… do giá thuê đắt đỏ.
Được biết, Phúc Long thuê mặt bằng này từ năm 2014, hợp đồng 5 năm, với giá 14.000 USD/tháng. Sau đó, chủ nhà lên giá 25.000 USD, Phúc Long bỏ cuộc. Cả Soya Garden và PhinDeli đều nhảy vào thuê với giá 25.000 USD. Sau khi PhinDeli rời đi, thì mặt bằng này lên giá nhẹ một chút là 26.000 USD (khoảng 700 triệu đồng) và thuộc về MIA- thương hiệu valy, túi xách.
Ông Lâm Bội Minh – “cha đẻ” Phúc Long từng thừa nhận trong một talkshow rằng, địa điểm Ngã sáu Phù Đổng không có chỗ đậu xe, giá thuê cao nhưng thời điểm đó ông bắt đầu làm F&B nên chọn điểm này để quảng cáo. Quả thật, thương hiệu Phúc Long sau đó từ vị trí đắc địa này trở nên nổi tiếng, được biết đến rộng rãi.
Mặt bằng Ngã sáu Phù Đổng. Ảnh: Internet |
Còn ông Trần Anh Tuấn – Founder/CEO của MIA trong bài phỏng vấn với truyền thông vào năm 2023, cho biết, trước khi PhinDeli đóng cửa, môi giới đã qua chào hàng với ông vì nhận định MIA là đối tượng khách hàng tiềm năng, thường thuê mặt bằng đẹp ở ngã tư và góc phố để làm cửa hàng.
Giá mặt bằng này nếu tính trên mét vuông thì rất cao, CEO Anh Tuấn nhận xét, nhưng trên diện tích chung chưa phải là cao nhất Ngã sáu Phù Đổng.
Ông Tuấn dẫn chứng cửa hàng Con Cưng Super Center ở đối diện góc, giá thuê gấp mấy lần. Vị CEO này cũng nói thêm, mặt bằng giá trên dưới 100 triệu đồng trong chuỗi MIA không hiếm.
Với giá thuê đắt đỏ, việc hòa vốn tất nhiên đặt ra thách thức không nhỏ cho MIA, tuy nhiên dụng ý làm thương hiệu rất rõ ràng. Đặt một phép tính, khi chia hết tiền làm thương hiệu cho hệ thống cửa hàng của MIA, tính ra mỗi cửa hàng gánh chi phí không quá nhiều.
Mặc dù từng có ý định thuê lâu dài, nhưng sau hơn một năm bám trụ, đến tháng 3 năm nay, MIA đã chuyển đi. Thế chân họ là DannyGreen, thương hiệu chuyên bán nông sản hữu cơ của Việt Nam, khai trương cửa hàng tại Ngã sáu Phù Đổng vào ngày 12/7.
Giá thuê của DannyGreen không được tiết lộ nhưng không thể thấp hơn giá thuê của MIA, một số nguồn thạo tin cho biết. Suốt nửa tháng sau khai trương, DannyGreen thường xuyên được nhắc đến như một “tay chơi mới”.
Việc đạt điểm hòa vốn cho mỗi cửa hàng là thách thức lớn, nhưng khi nhìn từ góc độ xây dựng thương hiệu, MIA hay DannyGreen đã có những bước đi đáng kể. Thành công nhất phải nhắc đến Phúc Long, từ một tên tuổi mới gia nhập, chỉ sau 5 năm đã vươn lên trở thành một “thế lực” trong làng F&B Việt Nam.
Quay lại câu chuyện của Starbucks, với chiến lược hiện tại thương hiệu này có lẽ đã không còn phụ thuộc vào những mặt bằng “quảng cáo”. Thay vào đó, thứ họ cần là những vị trí mang tính biểu tượng, phù hợp với tầm vóc của một cửa hàng Reserve, nơi một đồ uống có thể lên tới 200.000 đồng.
Sau 7 năm gắn bó, việc chi nhánh Hàn Thuyên đóng cửa có thể không phải điều mà Starbucks Việt Nam mong muốn. Tuy nhiên, như hãng đã chia sẻ, “một kết thúc cũng chính là khởi đầu mới”, Starbucks Reserve hứa hẹn sớm xuất hiện tại địa điểm khác.
Còn căn nhà tại số 11-13 Hàn Thuyên sẽ chào đón một “tay chơi” mới, không chỉ tìm kiếm một vị trí đẹp mà còn muốn tạo dấu ấn cho thương hiệu của mình.