Chi tiết

Gucci, Louis Vuitton, Chanel – hào quang mờ dần trước làn sóng thắt chặt hầu bao

Kinh tế vĩ mô biến động đã đặt ra nhiều thách thức cho các thương hiệu lớn.

Việt Nam được xem là thị trường đầy tiềm năng cho ngành hàng xa xỉ, khi số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu và giới siêu giàu ngày càng tăng mạnh.

Theo ước tính từ World Data Lab, Việt Nam (với 4 triệu người) đứng thứ 5 trong danh sách 9 quốc gia châu Á được dự báo có số lượng người gia nhập tầng lớp trung lưu lớn nhất vào năm 2024. Tầng lớp này hiện chiếm khoảng 17% dân số Việt Nam và dự kiến sẽ tăng lên 26% vào năm 2026.

Theo báo cáo của Knight Frank, đến cuối năm 2022, Việt Nam đã có 1.059 người sở hữu tài sản ròng trên 30 triệu USD, và con số này dự báo sẽ đạt 1.300 người vào năm 2027. Ngoài ra, số người có tài sản trên 1 triệu USD cũng được dự báo sẽ tăng 173% trong giai đoạn 2017-2027.

Những con số ấn tượng này phần nào giải thích cho làn sóng “đổ bộ” của các thương hiệu xa xỉ quốc tế vào Việt Nam. Từ năm 2023, nhiều tên tuổi lớn như Mont Blanc và Balmain Paris đã mở cửa hàng đầu tiên tại Tràng Tiền Plaza. Trong khi Devialet cũng đánh dấu sự hiện diện tại con phố này.

Những thương hiệu lớn khác như Victoria’s Secret, Foot Locker, Maison Margiela Paris, Coach, Marimekko, Karl Lagerfeld, Come Home… cũng lần đầu xuất hiện tại Lotte Mall West Lake Hanoi.

Bước sang năm 2024, các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng như Cartier, Rene Caovilla, và The Hour Glass Opera đã nhanh chóng mở rộng ngay từ đầu năm, tiếp tục thúc đẩy làn sóng đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, bất chấp tiềm năng đầy hứa hẹn, báo cáo mới đây của Vietdata cho thấy các thương hiệu xa xỉ đã có một năm đầy thách thức tại Việt Nam, với mức sụt giảm hai con số về cả doanh thu và lợi nhuận. Nguyên nhân chính là do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn.

Gucci, Louis Vuitton, Chanel - hào quang mờ dần trước làn sóng thắt chặt hầu bao
Các thương hiệu xa xỉ đã có một năm kinh doanh ảm đạm tại Việt Nam

Cụ thể, sau hai năm thống trị thị trường xa xỉ Việt Nam (2021-2022), Louis Vuitton phải nhường vị trí dẫn đầu cho Chanel trong năm 2023, với mức giảm doanh thu 22,5%, chỉ còn khoảng 1.800 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Louis Vuitton cũng giảm 38%.

Dù bứt phá lên vị trí dẫn đầu ngành công nghiệp hàng hóa xa xỉ năm 2023 với doanh thu đạt gần 1.900 tỷ đồng, Chanel vẫn ghi nhận sự suy giảm 13,6% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu cũng giảm mạnh 51%.

Trong khi đó, Christian Dior là thương hiệu ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn so với các doanh nghiệp phân phối độc quyền khác. Doanh thu của hãng này đạt 1.500 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 9,5% so với năm trước đó. Nhờ nỗ lực kiểm soát chi phí và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, Dior ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao nhất trong phân khúc phân phối độc quyền, nhưng vẫn giảm 30% so với cùng kỳ.

Gucci, với quy mô doanh thu nhỏ hơn, cũng ghi nhận mức giảm mạnh 30% trong năm 2023, còn khoảng 750 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị này cũng chứng kiến mức sụt giảm lợi nhuận mạnh nhất trên thị trường xa xỉ, lên đến 77%.

Sự sụt giảm sức mua trên thị trường hàng hoá xa xỉ được kỳ vọng chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Theo Savills, thị trường này đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhờ sự quay trở lại của du lịch quốc tế và xu hướng lạm phát giảm dần.



Nguồn tin