Chi tiết

Dệt may kín đơn hàng tới cuối năm

Nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến cuối năm và bắt đầu đàm phán cho giai đoạn đầu 2025, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).

Theo Hiệp hội, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều tăng, riêng EU còn yếu. Tháng 7, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 3,72 tỷ USD, tăng 17,6% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, nhóm hàng này đạt gần 20,3 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ 2024, theo Tổng cục Hải quan.

Nửa năm qua, một số doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh cải thiện và đơn hàng tích cực. Sản xuất cho các thương hiệu lớn như Decathlon, Asmara, Columbia… Dệt may TNG ghi nhận doanh thu 2.174 tỷ đồng và lãi sau thuế 86 tỷ, tăng lần lượt 8,8% và 57,1% trong quý II so với cùng kỳ.

Hai quý gần đây, TNG chứng kiến đơn hàng đột biến nhờ nhu cầu Olympic Paris 2024. Đến nay, họ đã kín đơn năm 2024 và đang đàm phán các đơn hàng cho năm sau, theo Chứng khoán SSI. Chứng khoán Dầu khí (PSI) ghi nhận doanh nghiệp FDI như Eclat Textile (Đài Loan) cũng kín đơn hàng đến đầu quý IV.

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Dệt may 29/3, Đà Năng, tháng 6/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Dệt may 29/3, Đà Năng, tháng 6/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Hay như May Sông Hồng dự định đưa nhà máy Xuân Trường 2 đi vào hoạt động từ cuối năm nay, cho thấy sự tự tin về trở lại của các đơn hàng. Quý trước, May Sông Hồng có doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng, thấp hơn 14% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng cải thiện 7%, lên gần 92 tỷ.

Vitas dự báo xuất khẩu dệt may tiếp tục khả quan thời gian tới, bởi yếu tố chu kỳ nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. PSI kỳ vọng đơn hàng sẽ hồi phục rõ rệt kể từ quý IV, thời điểm các nhãn hàng bắt đầu chuẩn bị cho vụ xuân hè 2025.

Tại thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ, tồn kho quần áo nửa đầu năm nay đạt 2.172 tỷ USD, giảm nhẹ 2,4% so với cùng kỳ và duy trì mức thấp hơn so với nửa đầu 2022, 2023. Trong khi, doanh số bán lẻ mặt hàng này tăng 1,2% cùng giai đoạn, nối tiếp xu hướng phục hồi từ tháng 10 năm ngoái. 7 tháng qua, Mỹ chi 8,93 tỷ USD nhập quần áo “made in Vietnam”, tăng 5,5%.

Ngoài ra, Chứng khoán SSI cho rằng bất ổn ở Bangladesh khiến một số nhà máy tại đây đóng cửa. Do đó, khách hàng sẽ cân nhắc chuyển các đơn đặt hàng sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Dù tín hiệu chung phục hồi nhưng sức khỏe của các doanh nghiệp trong ngành không đồng đều. Trong hơn 30 doanh nghiệp dệt may niêm yết trên hai sàn chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý II, chỉ hơn một nửa là tăng lãi hoặc có lãi trở lại, còn lại giảm lãi hoặc tiếp tục lỗ. Ví dụ, Sợi Thế Kỷ báo lỗ kỷ lục 55,5 tỷ đồng hay Dệt may Hà Nội, Dệt may Nam Định lỗ lần lượt 47 tỷ và 19 tỷ đồng.

Đơn hàng quay lại nhưng biên lợi nhuận gộp cũng khó cải thiện do chi phí nhân công tăng khi lương tối thiểu tăng 6% kể từ tháng 7. Chi phí nhân công thường chiếm 30-50% tổng chi phí sản xuất trong ngành này, theo PSI.

Dỹ Tùng


Nguồn tin: https://vnexpress.net/det-may-kin-don-hang-toi-cuoi-nam-4788241.html