Nhằm đưa tỉnh này lên thành phố trực thuộc Trung ương, huyện này muốn rút ngắn thời gian thành lập thị xã.
Ngày 30/8, UBND huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đã thông báo về lộ trình nâng cấp huyện này lên đô thị loại 4, nhằm trở thành thị xã. Hiện tại, huyện Bàu Bàng đã đạt 49/63 tiêu chuẩn cần thiết, với tổng số điểm đạt khoảng 63/75 điểm.
Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, ông Võ Thành Giàu cho biết, tỉnh đã trình UBND tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung xã Trừ Văn Thố đạt đô thị loại 5 và đô thị Bàu Bàng đạt đô thị loại 4 vào kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2026-2030.
Nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện Bàu Bàng đã kiến nghị Tỉnh ủy và UBND tỉnh chấp thuận chủ trương rút ngắn thời gian thành lập thị xã. Huyện cũng đề nghị các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ để đến năm 2027 có thể thành lập thị xã Bàu Bàng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, huyện Bàu Bàng hiện chưa đáp ứng được hai điều kiện tiên quyết về phân loại đô thị, đó là chưa đạt điểm tối thiểu cần thiết và tổng điểm của các tiêu chí còn thấp. Đặc biệt, mật độ dân số hiện tại là một trong những thách thức lớn. Dân số toàn huyện chỉ đạt khoảng 117.370 người, với mật độ dân số đô thị là 344 người/km2, chỉ bằng 1/4 so với mốc tối thiểu theo quy định.
Để đáp ứng tiêu chí về mật độ dân số, đến năm 2025, huyện Bàu Bàng cần thêm khoảng 300.000 dân, nâng tổng số dân lên ít nhất 408.024 người, tăng gấp 4 lần so với năm 2022. Huyện đã đưa ra các giải pháp như xây dựng ba khu đô thị mới: Lai Hưng, Long Nguyên, Trừ Văn Thố, và nâng cấp đô thị hiện hữu là thị trấn Lai Uyên. Đồng thời, Bàu Bàng cũng đang gấp rút xây dựng các cơ sở hạ tầng cấp đô thị loại 4 như y tế, giáo dục.
Huyện Bàu Đàng, Bình Dương
Hiện tại, tỉnh Bình Dương có 5 thành phố trực thuộc tỉnh gồm Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên và Bến Cát, cùng với 4 huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên. Nếu huyện Bàu Bàng trở thành thị xã, Bình Dương sẽ có năm thành phố, 1 thị xã và 3 huyện.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện Bàu Bàng đạt 12.761 tỷ đồng, tăng 17,60% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.668,358 tỷ đồng, tăng 19,40%. Huyện hiện có 1.495 dự án đầu tư, trong đó có 1.216 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 32.535,114 tỷ đồng và 279 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 4,6 tỷ USD.
Bàu Bàng có 4 khu công nghiệp và đang xây dựng một khu công nghiệp khoa học công nghệ cao rộng khoảng 1.000ha. Địa phương này có hai tuyến đường huyết mạch là Quốc lộ 13 và Mỹ Phước Tân Vạn, cùng với hai dự án đường kết nối đang xây dựng là đường Hồ Chí Minh và đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Bàu Bàng – Phú Giáo.
Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển của tỉnh là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 và xây dựng Bình Dương thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, có tầm quốc tế vào năm 2050.