Đường sắt tốc độ cao là khát khao, mục tiêu phát triển của bất kỳ quốc gia nào.
Đường sắt tốc độ cao đã thay đổi diện mạo, cuộc sống của người dân và nền kinh tế của các quốc gia sở hữu nó. Việt Nam cũng đang nỗ lực với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam để hướng tới tương lai đầy hứa hẹn phía trước.
Tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên của Việt Nam có độ dài khoảng 1.541km với tốc độ vận chuyển lên tới 350km/h. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 65-70 tỷ USD.
Cả tuyến có 23 ga khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Trong đó, ga Ngọc Hồi (Hà Nội) là điểm khởi đầu của toàn tuyến và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Đây không chỉ là một bước đột phá về cơ sở hạ tầng mà còn là công trình vĩ đại của ngành giao thông vận tải, hứa hẹn sẽ mang đến một kỷ nguyên mới cho kết nối và phát triển của đất nước.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết Bộ đã thực hiện nhiều nghiên cứu với sự trợ giúp, hỗ trợ của các tổ chức, cùng sự tư vấn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, những quốc gia phát triển trên thế giới sở hữu hệ thống đường sắt cao tốc đạt chất lượng cũng đã để lại cho Việt Nam nhiều bài học đắt giá. Kinh nghiệm tích lũy và những đánh giá sâu sắc về điều kiện thực tế của đất nước mình đã trở thành hành trang vững chắc cho Việt Nam đặt những viên gạch đầu tiên cho siêu dự án này.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đưa ra ý kiến: “Tôi cho rằng, ở vị thế và tiềm lực của Việt Nam hiện nay, thời điểm đầu tư đường sắt tốc độ cao đã chín muồi. Có đường sắt tốc độ cao là khát khao chính đáng mà bất cứ quốc gia, người dân nào cũng mong muốn để hạ tầng giao thông vượt lên một tầm cao mới; hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu của người dân và nền kinh tế.”
Thứ trưởng cũng đề cập đến vấn đề cân đối nguồn lực để đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao. Ông cho biết, nguồn lực không còn là thách thức lớn đối với tiềm lực và quy mô của nền kinh tế chúng ta hiện nay. Vấn đề chỉ là sự quyết tâm để cùng chung tay xây dựng một công trình vĩ đại, trở thành động lực, tiền đề cho một nước đang phát triển cải thiện thu nhập của mình.
Với tầm nhìn chiến lược và sự quyết tâm mạnh mẽ, Bộ GTVT đưa ra đề xuất tập trung nguồn lực để khởi công dự án thành phần Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Nha Trang. Độ dài tổng cộng khoảng 642km và chính thực khởi công vào cuối năm 2027. Tiếp theo, đoạn Vinh – Nha Trang, dài khoảng hơn 899km sẽ được khởi công trước năm 2030, với mục tiêu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.
Ảnh minh họa – Nguồn: Internet |
Trước sự háo hức của người dân, các địa phương trên cả nước cũng đang mong chờ sự xuất hiện của tuyến đường sắt này. Tại buổi làm việc với các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung về quy hoạch vùng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng thể hiện sự mong chờ của mình bằng việc nêu đề xuất sớm đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao để tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại, phát triển kinh tế khu vực.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã chỉ ra rằng việc di chuyển trong các vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện đang gặp nhiều khó khăn, với hạn chế lớn về số lượng chuyến bay. Mặc dù hệ thống cao tốc đường bộ đã có, nhưng sự xuất hiện của tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ là cú huých mạnh mẽ, không chỉ thúc đẩy ngành du lịch mà còn thúc đẩy nhanh chóng quá trình phát triển kinh tế của khu vực. Tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ mở ra cơ hội mới, kết nối chặt chẽ hơn và góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương, mang lại những lợi ích vượt trội cho cộng đồng và nền kinh tế.
Các lãnh đạo địa phương khác cũng thể hiện quan điểm cần sớm đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao để tạo ra sự đột phá hạ tầng, tăng cường tính kết nối và tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội.
Nhìn rộng ra thế giới, đường sắt tốc độ cao đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của các quốc gia. So sánh thời điểm hiện tại của Việt Nam với thời điểm các quốc gia trên thế giới thực hiện triển khai dự án đường sắt tốc độ cao của họ cho thấy, Việt Nam đang đứng trước thời điểm thích hợp nhất để tiến hành thực hiện siêu dự án này.
Cụ thể, năm 1950, Nhật Bản quyết định đầu tư dự án đường sắt đầu tiên khi GDP tính theo đầu người chỉ đạt 250 USD. Năm 2005, Trung Quốc tham gia vào cuộc đua đường sắt với GDP đạt 1.753 USD và Indonesia có GDP đạt 3.322 USD vào năm 2015.
Trong khi đó, tại Việt Nam GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 4.282 USD và ước đạt khoảng 7.500 USD vào năm 2030. Những con số này thể hiện đây là thời điểm thích hợp, chín muồi để Việt Nam thực hiện xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao.