Số lượng việc làm mới được tạo ra ở Mỹ trong tháng 8 ít hơn so với dự báo, mở đường cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống có thể đồng nghĩa rằng Fed sẽ chọn mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm thay vì 0,5 điểm phần trăm.
Báo cáo ngày 6/9 từ Cục Thống kê lao động (BLS) thuộc Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có 142.000 công việc mới trong tháng trước và số liệu việc làm mới của tháng 7 được điều chỉnh giảm còn 89.000 công việc. Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các nhà kinh tế dự báo 160.000 công việc mới được tạo ra trong tháng 8 và con số sau điều chỉnh của tháng 7 là 114.000 công việc mới. Như vậy, số liệu thực tế của cả 2 tháng đều không đạt kỳ vọng.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của tháng 8 giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 7 đúng như dự báo, còn 4,2%.
Theo Reuters, giới phân tích cho rằng việc số lượng việc làm mới ít hơn so với dự báo trong tháng 8 chưa chắc đã phải là một tín hiệu cho thấy thị trường việc làm đang xấu đi nhanh chóng.
Thứ nhất, báo cáo việc làm tháng 8 hàng năm của Mỹ thường có khuynh hướng yếu hơn so với dự báo, nhưng sau đó lại được điều chỉnh tăng.
Hoạt động tuyển dụng trong tháng 8 ở nước này thường tăng mạnh ở lĩnh vực giáo dục, và điều này đã được lường trước bởi mô hình thống kê mà Chính phủ Mỹ sử dụng để loại bỏ các biến động mang tính chất mùa vụ khỏi số liệu thống kê. Tuy nhiên, hoạt động khai giảng năm học mới diễn ra không đồng nhất trên cả nước, dẫn tới yếu tố mùa vụ không còn ảnh hưởng đáng kể. Đây là lý do khiến số liệu việc làm tháng 8 đã được điều chỉnh tăng 10 lần trong vòng 13 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, số lượng lao động bị sa thải trong nền kinh tế vẫn đang ở mức thấp lịch sử.
Thứ hai, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm trở lại sau 4 tháng tăng liên tiếp. Trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này là 4,3%, gần cao nhất 3 năm. Số người tham gia lực lượng lao động tăng 120.000 người trong tháng 8 là nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống, dù tỷ lệ tham gia lực lượng lao động duy trì ở mức 62,7%.
Và thứ ba, tiền lương bình quân theo giờ tăng 0,4% trong tháng 8, sau khi tăng 0,2% trong tháng 7. So với cùng kỳ năm ngoái, tiền lương tháng 8 tăng 3,8%, so với mức tăng 3,6% của tháng 7. Tăng trưởng tiền lương vững vàng là yếu tố tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu.
Bản báo cáo được công bố trong bối cảnh thị trường băn khoăn về việc Fed sẽ giảm lãi suất bao nhiêu trong đợt giảm đầu tiên dự kiến diễn ra vào ngày 18/9. Trong chiến dịch tăng lãi suất lịch sử khởi động vào tháng 3/2022, Fed đã có 11 lần nâng liên tiếp, đưa lãi suất quỹ liên bang lên mức 5,25-5,5% trước khi duy trì mức lãi suất này từ tháng 7/2023 đến nay.
Bản báo cáo việc làm với những tín hiệu xung đột khiến cho việc lựa chọn mức cắt giảm lãi suất của Fed trở nên khó khăn hơn.
“Đối với Fed, quyết định về mức giảm lãi suất sẽ tùy thuộc vào việc họ xác định đâu là rủi ro lớn hơn: kích thích áp lực lạm phát nếu họ chọn mức giảm 0,5 điểm phần trăm hay đặt đẩy cao nguy cơ suy thoái kinh tế nếu họ chọn mức giảm 0,25 điểm phần trăm. Nhưng xét về tổng thể, với áp lực lạm phát đã giảm xuống, chẳng có lý do gì để Fed không giảm mạnh lãi suất”, chiến lược gia trưởng Seema Shah của công ty Principle Asset Management phát biểu.
Trong khi đó, sau khi báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ được công bố, thị trường lãi suất tương lai đặt cược khả năng 39% Fed chọn mức giảm 0,5 điểm phần trăm, thấp hơn mức đặt cược 41% của ngày hôm trước. Khả năng Fed chọn mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tăng lên mức 61% – theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.