Vietcombank (VCB) là ngân hàng cho Hòa Phát vay nhiều nhất, với số tiền lên tới 18.902 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, tính đến ngày 30/6, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ghi nhận tổng dư nợ vay lên đến 72.990 tỷ đồng, chiếm 35% trong 206.609 tỷ đồng tổng nguồn vốn. Con số nợ vay này tăng 11,6% so với cuối năm 2023, nhưng đã giảm hơn 4.500 tỷ đồng so với mức kỷ lục cuối quý I. Đáng chú ý, phần lớn nợ vay tập trung vào các khoản vay ngắn hạn, chiếm tới 73% tổng dư nợ.
Vốn chủ sở hữu của Hòa Phát đạt 108,6 nghìn tỷ đồng, hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu tăng nhẹ từ 0,64 lần cuối năm 2023 lên 0,67 lần vào giữa năm 2024. Việc tăng nợ vay chủ yếu xuất phát từ nhu cầu huy động vốn để đầu tư vào dự án Dung Quất 2, một trong những dự án trọng điểm của tập đoàn.
Nguồn: Báo cáo tài chính soát xét bán niên Hòa Phát |
Cụ thể, dư nợ vay ngắn hạn của Hòa Phát đạt 53.315 tỷ đồng, trong đó bao gồm 48.506 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và 4.808 tỷ đồng là nợ dài hạn đã đến hạn thanh toán. Theo thuyết minh, các khoản vay ngắn hạn của Hòa Phát bao gồm cả VND và USD với giá trị tương ứng là 47.084 tỷ đồng và 1.423 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2024 các con số này lần lượt là 37.781 tỷ đồng và 9.525 tỷ đồng).
Mức lãi suất cho các khoản vay bằng VND dao động từ 2,2% đến 4,3%/năm, giảm nhẹ so với đầu năm (2,1% – 5%/năm). Đối với các khoản vay bằng USD, lãi suất giảm xuống còn 3% đến 4,9%/năm so với mức 2,85% – 6,87%/năm vào đầu năm 2024.
Nguồn: Báo cáo tài chính soát xét bán niên Hòa Phát |
Về nợ vay dài hạn, Hòa Phát ghi nhận dư nợ cuối kỳ ở mức 19.675 tỷ đồng, tăng mạnh 89% so với đầu năm và tăng 22% so với quý trước. Các khoản vay dài hạn này chủ yếu đáo hạn từ năm 2025 đến năm 2030 và hoàn toàn bằng VND với mức lãi suất từ 2,48% đến 7,5%, giảm sâu so với đầu năm (2,6% – 12%/năm).
Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank -VCB) – Chi nhánh Thành Công là đơn vị cho Hòa Phát vay nhiều nhất, với số tiền lên tới 18.902 tỷ đồng, tăng hơn 10.043 tỷ đồng so với đầu năm. Xếp sau là Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam với tổng khoản vay 3.165 tỷ đồng.
Các khoản vay của Hòa Phát được đảm bảo bằng nhiều tài sản như tiền gửi có kỳ hạn, các khoản phải thu ngắn hạn, tài sản cố định hữu hình và vô hình, bất động sản đầu tư, chi phí trả trước dài hạn, xây dựng cơ bản dở dang và tài sản hình thành trong tương lai thuộc một số dự án của tập đoàn.
Nguồn: Báo cáo tài chính soát xét bán niên Hòa Phát |
Với việc gánh khối nợ vay trên, trong nửa đầu năm 2024, chi phí lãi vay của Hòa Phát đạt 1.200 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2023.
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần đạt 70.407 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.188 tỷ đồng, tăng 237% so với nửa đầu năm 2023. Năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu tổng doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, như vậy tính đến hết quý II/2024, công ty đã hoàn thành 50% kế hoạch doanh thu và 61% kế hoạch lợi nhuận đề ra.