Chi tiết

Giá vàng giữ đà tăng trước thềm báo cáo CPI Mỹ

Giá vàng thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (10/9), trong bối cảnh nhà đầu tư chờ Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày thứ Tư. Tuy mốc chủ chốt 2.500 USD/oz được duy trì, giới phân tích cho rằng giá vàng đang cần tới một chất xúc tác mới để thực sự bứt phá.

Lúc đóng cửa phiên New York, giá vàng giao ngay tăng 9,1 USD/oz so với mức chốt của phiên ngày hôm trước, tương đương tăng 0,36%, đạt 2.517 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.

Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 1 USD/oz so với giá đóng cửa phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.518 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 75,3 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.

“Giá vàng đang giằng co trong một phạm vi rất hẹp, chờ chất xúc tác tiếp theo xuất hiện. Chất xúc tác đó có thể là cuộc tranh luận của hai ứng viên tổng thống Mỹ vào đêm nay, tiếp đó là báo cáo lạm phát vào ngày mai”, chiến lược gia Daniel Ghali của công ty TD Securities nhận định.

Ông Donald Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, và bà Kamala Harris, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên sóng truyền hình vào tối ngày thứ Ba theo giờ Mỹ, tức sáng nay (11/9) theo giờ Việt Nam. Giới phân tích kỳ vọng cuộc tranh luận sẽ cho thấy rõ hơn điểm mạnh, điểm yếu và các chính sách quan trọng của mỗi ứng cử viên.

Tiếp đó, Bộ Lao động Mỹ sẽ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 vào ngày thứ Tư và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Năm. Các dữ liệu này được cho sẽ là căn cứ quan trọng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xác định mức cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 100% Fed hạ lãi suất vào ngày thứ Tư tới. Trong đó, khả năng Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm là 71% và khả năng Fed chọn mức giảm 0,5 điểm phần trăm là 29%.

Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy các nhà kinh tế học dự báo CPI tháng 8 tăng 0,2% so với tháng trước, không thay đổi so với mức tăng của tháng 7. Nếu dữ liệu được đưa ra có sự chênh lệch so với dự báo, kỳ vọng lãi suất có thể sẽ biến động, kéo theo biến động giá tài sản, trong đó có vàng.

“Giá vàng giao ngay vẫn đang được hỗ trợ trên ngưỡng tâm lý chủ chốt 2.500 USD/oz. Nếu giá vàng giảm dưới mốc này sau báo cáo CPI Mỹ, các nhà đầu cơ giá lên sẽ xem đó là cơ hội để mua. Họ đã liên tục bắt đáy như vậy kể từ giữa tháng 8 đến nay”, trưởng phân tích Han Tan của công ty Exinity Group nhận định với hãng tin CNBC.

Năm nay, giá vàng thế giới đã tăng 21%. Kỷ lục gần đây nhất của giá vàng giao ngay được thiết lập vào hôm 20/8, ở mức 2.531,6 USD/oz.

Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm qua. Đơn vị: USD/oz – Nguồn: Trading Economics.

Dù giá vàng đang ở gần mức kỷ lục, nhà quản lý quỹ Eric Strand của công ty AuAg Funds cho rằng giá kim loại quý này vẫn còn tiềm năng để tăng.

“Giá vàng có thể biến động, nhưng tôi cho rằng mức giá vàng dười 4.000 USD/oz là còn rẻ. Nhìn về dài hạn, còn lâu vàng mới được định giá cao hơn giá trị thực”, ông Strand nói.

Giải thích về điều này, ông Strand nói rằng khối nợ công khổng lồ và ngày càng lớn của Mỹ sẽ khuyến khích nhà đầu tư trên toàn cầu tìm đến những tài sản an toàn và có khả năng bảo toàn giá trị như vàng. Ông cho rằng lần duy nhất giá vàng được định giá cao hơn một chú so với giá trị thực là vào năm 2011, khi nợ công của Mỹ còn tương đối nằm trong tầm kiểm soát.

Năm 2011, tỷ lệ nợ công so với GDP của Mỹ là khoảng 95,5%. Năm ngoái, tỷ lệ này là 122,3%. Hiện tại, khối nợ của Chính phủ liên bang Mỹ đã vượt 35 nghìn tỷ USD.

Sau khi lập kỷ lục mọi thời đại trên mốc 1.900 USD/oz, giá vàng đã có 6 năm chật vật trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market). Tuy nhiên, ông Strand không cho rằng giá vàng sẽ lại rơi vào một thời kỳ ảm đạm như vậy. Ông nhấn mạnh rằng ở Mỹ không có ý chí chính trị để thay đổi thói quen chi tiêu của Chính phủ, dù đảng nào cầm quyền đi chăng nữa.

“Trong những năm tới, các chính trị gia sẽ nhận thấy rằng nếu họ muốn đắc cử, họ cần làm hài lòng cử tri. Cử tri sẽ không vui nếu chính trị gia tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Chẳng có lợi ích chính trị nào cho họ trong việc dừng in tiền cả”, nhà quản lý quỹ nói.

Source link