TP HCM nên chuyển đổi kép ngành công nghiệp, tích hợp hai xu hướng xanh và số trong bối cảnh quỹ đất hạn hẹp và đắt đỏ, theo chuyên gia.
Nhận định được Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS) nêu trong báo cáo về tầm quan trọng của chuyển đổi công nghiệp thành phố tại họp báo Diễn đàn Kinh tế TP HCM (HEF 2024) lần thứ 5, sáng 12/9.
Theo HIDS, chuyển đổi công nghiệp là quá trình thay đổi nền tảng các ngành công nghiệp. Ở cấp độ thành phố, đó là sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng từ bỏ hoặc nâng cấp một số ngành truyền thống, phát triển các ngành mới giá trị gia tăng cao và bền vững.
Với TP HCM, nhóm chuyên gia từ HIDS cho rằng việc chuyển đổi kép trong công nghiệp, tức vừa xanh hóa vừa số hóa sẽ khai thác được lợi ích cộng sinh của cả hai xu hướng.
“Thành phố cần chuyển đổi kép công nghiệp, nâng cấp chuỗi giá trị, phát triển các ngành cốt lõi để tìm động lực tăng trưởng mới”, theo Phó viện trưởng Phạm Bình An.
Cách làm này đã được nhiều quốc gia thực hiện và là xu hướng tất yếu. Tại châu Âu, Đức có chiến lược “Industrie 4.0” thúc đẩy tự động hóa và sản xuất thông minh. Đồng thời, nước này khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất năng lượng và giảm thiểu carbon trong sản xuất.
Tương tự, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có kế hoạch “Made in China 2025”, thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và robot trong sản xuất. Nước này còn đầu tư chuỗi cung ứng sản xuất năng lượng tái tạo, xe điện để thực hiện cam kết đạt đỉnh phát thải vào 2030 và trung hòa carbon vào 2060.
Cùng với xanh và số, HIDS cho rằng công nghiệp TP HCM nên chuyển đổi sang công nghệ cao, nhà máy thông minh, dùng ít lao động. Các ngành truyền thống như thực phẩm, dệt may, cao su nhựa thì nâng cấp chuỗi giá trị thông qua ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng cao. Đồng thời, tiếp tục phát triển dịch vụ hỗ trợ công nghiệp.
Năm 2022, công nghiệp chiếm 19% GRDP địa phương (trung bình cả nước là 32%). Đến nửa đầu 2024, tỷ lệ này còn 17,8%. Theo HIDS, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp giảm dần là một trong các lý do khiến vị thế và vai trò trung tâm kinh tế của TP HCM với cả nước chưa tương xứng và có xu hướng đi xuống.
Chưa kể, những năm qua kinh tế thành phố phát triển theo chiều rộng nên động lực tăng trưởng cạn dần. Hạ tầng công nghiệp hạn chế, không thể đáp ứng phát triển theo chiều rộng. Bởi lẽ, diện tích đất công nghiệp trên địa bàn là 5.921 ha, chỉ chiếm 2,81% so cả nước, với giá đất ngày càng đắt đỏ.
Tại HEF 2024 diễn ra từ vào 24 – 27/9 tới với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP HCM”, địa phương sẽ thu thập thêm thông tin, khuyến nghị của các chuyên gia trong và ngoài nước về xu thế chuyển đổi công nghiệp toàn cầu. Việc này nhằm làm rõ thêm chiến lược chuyển đổi ngành công nghiệp cho đầu tàu kinh tế.
Viễn Thông
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tp-hcm-can-chuyen-doi-kep-cong-nghiep-de-tim-dong-luc-tang-truong-moi-4792261.html