Chi tiết

Mỹ vượt Trung Quốc thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức 8 năm liên tiếp, nhưng đã phải nhường lại vị trí này cho Mỹ trong quý I.

Tính toán của Reuters dựa trên số liệu chính thức của Văn phòng Thống kê Đức cho thấy trong quý I, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Đức với Mỹ là 63 tỷ euro (68 tỷ USD). Trong khi đó, số liệu này với Trung Quốc chỉ là hơn 60 tỷ euro. Như vậy, Mỹ đã vượt Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức.

Năm 2023, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Đức năm thứ 8 liên tiếp, với kim ngạch song phương đạt 253 tỷ euro. Tuy nhiên, con số này chỉ cao hơn Mỹ vài trăm triệu euro.

“Xuất khẩu của Đức sang Mỹ đang tăng lên, nhờ kinh tế Mỹ sôi động. Trong khi đó, cả xuất khẩu và nhập khẩu với Trung Quốc lại giảm sút”, Vincent Stamer – nhà kinh tế học tại Commerzbank giải thích về sự thay đổi của quý I.

Tàu container của Cosco (Trung Quốc) tại cảng Hamburg (Đức) tháng 10/2022. Ảnh: Reuters

Tàu container của Cosco (Trung Quốc) tại cảng Hamburg (Đức) tháng 10/2022. Ảnh: Reuters

Sự chuyển dịch về cấu trúc cũng là một nguyên nhân. “Trung Quốc đang tiến lên trong chuỗi giá trị và ngày càng tự sản xuất các sản phẩm phức tạp mà họ từng nhập khẩu từ Đức. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Đức cũng đang ngày càng sản xuất để phục vụ trong nước, thay vì bán sang Trung Quốc”, ông cho biết thêm.

Năm ngoái, Đức tuyên bố muốn giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, do sự khác biệt về chính trị và các động thái của Trung Quốc mà nước này cáo buộc là “cạnh tranh không công bằng”. Dù vậy, Berlin chưa đưa ra nhiều chính sách rõ ràng để giảm phụ thuộc.

Trong quý I, hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Đức giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, hàng Đức xuất sang Trung Quốc chỉ giảm 1%, Juergen Matthes tại viện nghiên cứu kinh tế IW (Đức) cho biết trên Reuters.

“Kinh tế Trung Quốc đang diễn biến tệ hơn dự báo. Trong khi đó, kinh tế Mỹ lại tốt hơn. Thực tế đó phần nào dẫn đến điều này”, Matthes cho biết.

Khoảng 10% hàng xuất khẩu của Đức là sang Mỹ. Trong khi đó, chỉ khoảng 6% là sang Trung Quốc.

“Với việc mô hình kinh tế Đức hiện gặp nhiều thách thức trên toàn cầu, việc tái định hướng dường như đang diễn ra. Họ dần giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường quan hệ với Mỹ”, Matthes nói.

Dù vậy, xu hướng này chưa chắc kéo dài. “Nếu Nhà Trắng đổi chủ sau cuộc bầu cử Tổng thống cuối năm nay, và tăng cường bảo hộ thương mại, quá trình dịch chuyển mô hình kinh tế của Đức sẽ chững lại”, Dirk Jandura – Chủ tịch BGA (tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp ngoại thương, bán buôn của Đức) cảnh báo.

Hà Thu (theo Reuters)


Nguồn tin: https://vnexpress.net/my-vuot-trung-quoc-thanh-doi-tac-thuong-mai-lon-nhat-cua-duc-4744833.html