Chi tiết

ĐHCĐ thành công sau 7 năm, Địa ốc Đà Lạt (DLR) thông qua HĐQT và ban kiểm soát mới

(ĐTCK) Sau 7 năm không thể tổ chức ĐHCĐ thường niên do tranh chấp cổ phiếu, ĐHCĐ thường niên 2024 vừa qua của Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt (DLR) đã tổ chức thành công và thông qua toàn bộ các tờ trình.

ĐHCĐ thường niên 2024 của DLR diễn ra ngày 18/9 tại Đà Lạt. Đại hội đã đạt được đồng thuận cao với sự tham gia đẩy đủ của các nhóm cổ đông, trong đó, nhóm cổ đông do ông Trịnh Ngọc Thanh đại diện và các nhóm tranh chấp trước đây đã thoái hoàn toàn vốn góp, không còn là cổ đông của Công ty.

Trước đó, khoảng tháng 7/2024, hàng loạt cổ đông lớn và cổ đông nội bộ DLR công bố bán ra toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ. Danh tính bên mua chưa được tiết lộ nhưng theo nguồn tin riêng, nhóm cổ đông mới có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm về phát triển bất động sản.

ĐHCĐ đã tiến hành bầu HĐQT, ban kiểm soát nhiệm kỳ 2024-2029.

Kết quả bầu cử HĐQT gồm 5 thành viên, là ông Đinh Thanh Tâm, ông Lê Đình Chí Linh, ông Nguyễn Hữu Quốc, ông Phạm Văn Dương, bà Lưu Thuỳ Dương.

Ban Kiểm soát gồm 3 thành viên, gồm bà Nguyễn Kim Cúc, giữ chức danh Trưởng ban Kiểm soát và ông Trần Văn Vinh, bà Đinh Thị Tường Vi.

Ngay sau ĐHCĐ, HĐQT DLR đã ra nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Đinh Thanh Tâm, thống nhất thông qua bầu ông Tâm là Chủ tịch HĐQT DLR. Đồng thời, bổ nhiệm ông Huỳnh Đức Hùng đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc DLR từ 18/9/2024.

Công ty đặt trọng tâm xây dựng lại bộ máy nhân sự, điều hành, cơ cấu lại danh mục đầu tư, xử lý các khó khăn và vướng mắc cũng như hạn chế trước đây.

Tiếp tục đầu tư dự án Khu Dân cư Đồi An Tôn, trả nợ vay

ĐHCĐ 2024 đã thông qua chủ trương tiếp tục triển khai thủ tục đầu tư Dự án Khu dân cư Đồi An Tôn. ĐHĐCĐ ủy quyền và giao cho Hội đồng quản trị Công ty quyết định các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện đầu tư Dự án.

Đồng thời, ĐHCĐ cũng thông qua giao dịch vay và hợp đồng vay, cụ thể, tổng khoản vay 205 tỷ đồng, vay từ Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; thời hạn vay 12 tháng; lãi suất cho vay 0%/tháng, được tính trên tổng khoản vay.

Phương án trả nợ vay, Công ty sẽ phát hành cổ phiếu DLR khi đáp ứng các quy định có liên quan theo quy định của pháp luật để hoán đổi nợ vay; phương án phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ vay HĐQT sẽ xin ý kiến cổ đông bằng văn bản để thực hiện trong quý I/2025;

Mục đích vay vốn là để công ty kịp thời đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính, tăng vốn chủ sở hữu của công ty theo các quy định có liên quan để đầu tư Dự án, trả nợ vay và cung ứng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.​​​​​​

Song song đó, ĐHCĐ thống nhất phương án trả nợ vay cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Vạn Thành Phát theo Nghị quyết số 01/NQ/HĐQT-DLR ngày 10/4/2024 của HĐQT CTCP Địa ốc Đà Lạt. Cụ thể, số tiền nợ tính từ ngày 30/11/2023 là 36,669 tỷ đồng; thời hạn trả hết toàn bộ số tiền nợ gốc này là trước ngày 30/10/2024; lãi là 12%/năm theo số nợ gốc; thời hạn trả hết toàn bộ số tiền lãi phát sinh này là trước ngày 30/11/2024.

ĐHCĐ sẽ uỷ quyền và giao HĐQT thực hiện. Nguồn vốn trả nợ vay trích trong khoản vay 205 tỷ đồng vay từ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Tại ĐHCĐ, cổ đông cũng đặt các câu hỏi cho ban chủ tọa về các giải pháp xử lý các khoản nợ khó đòi; về việc quản lý, khai thác lại Quỹ biệt thự, Quỹ nhà của doanh nghiệp một cách hiệu quả; tăng cường quản trị và kế hoạch cổ tức cho cổ đông thời gian tới.

Trả lời thắc mắc của cổ đông, Ban Lãnh đạo Công ty cho biết, thời gian qua, do các vấn đề nội bộ, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của Công ty. Ban Lãnh đạo mới cam kết cải thiện quản trị theo hướng tốt nhất, hướng đến là doanh nghiệp dẫn đầu tại tỉnh Lâm Đồng.

Với các khoản nợ khó đòi, Công ty sẽ thực hiện quy trình để xử lý; tăng cường quản lý nhà và sử dụng hiệu quả; đặt mục tiêu quản lý, khai thác lại Quỹ biệt thự, quỹ nhà hiệu quả, đảm bảo mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Về vấn đề cổ tức, doanh nghiệp cam kết có định hướng tốt nhất để có thể trả cổ tức cho cổ đông trong thời gian tới.

Theo báo cáo HĐQT DLR, trong nhiệm kỳ 2017-2024, do tranh chấp cổ phiếu của các cổ đông lớn cũng như sự không đồng thuận của một số thành viên HĐQT dẫn đến các hoạt động của HĐQT gặp rất nhiều khó khăn, các nghị quyết cấp bách xin ý kiến của các thành viên thông qua lấy ý kiến bằng văn bản theo Điều lệ, còn các cuộc họp trực tiếp không thể thực hiện được, dẫn đến các hoạt động của HĐQT diễn ra một cách cầm chừng và hoạt động của người đại diện của HĐQT là Chủ tịch HĐQT cũng như Ban điều hành gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc.

Năm 2017, HĐQT DLR ban hành nghị quyết 07/2017/NQ/HĐQT-DLR về việc hoãn tổ chức ĐHCĐ thường niên 2017 cho đến khi có phán quyết cuối cùng có hiệu lực pháp luật của Toà án để xác định quyền sở hữu đối với số cổ phiếu đang tranh chấp là hơn 1,32 triệu cổ phiếu, tương ứng 29,4% vốn điều lệ công ty đang bị phong toả và đang trong quá trình xét xử của Toà án nhân dân quận 1, TP.HCM, đồng thời HĐQT và cổ đông lớn chưa thống nhất được việc tổ chức ĐHCĐ hàng năm. Theo đó, ĐHCĐ hàng năm và ĐHĐCĐ nhiệm kỳ 2018-2022 không thể thực hiện được.

Số lượng cổ phiếu này đã được hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và được phép giao dịch trở lại. Nhóm cổ đông mới chia sẻ với người viết, đã nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phiếu trên từ nhóm cổ đông cũ.



Source link