(ĐTCK) Thị giá nhóm cổ phiếu dầu khí đồng loạt đi xuống cùng với giá dầu thô, sau đó lại bật mạnh phiên cuối tuần qua. Tuy nhiên, trên thực tế, tác động của giá dầu giảm tới các doanh nghiệp trong ngành có sự phân hóa.
Lao dốc theo giá dầu
Theo dự báo của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đưa ra thời điểm giữa năm, giá dầu Brent năm 2024 trung bình khoảng 85 USD/thùng. Tuy nhiên, mới đến giữa quý III, giá dầu hiện đã trượt khỏi mốc 80 USD/thùng, có thời điểm thủng ngưỡng tâm lý về 69 USD/thùng (vào ngày 10/9/2024) và ghi nhận lần đầu tiên rơi về mức này kể từ tháng 12/2021.
Giá dầu chịu sức ép khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) điều chỉnh về nhu cầu dầu thế giới có thể chỉ tăng 2,03 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm 0,08 triệu thùng so với dự báo trước đó do nhu cầu yếu. Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới đang cho thấy sự hồi phục thấp hơn kỳ vọng.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, trong tháng 8, tổng lượng nhập khẩu dầu thô của nước này chỉ đạt 49,1 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước do mức tiêu thụ nhiên liệu thấp, tăng trưởng sản lượng công nghiệp ở mức thấp nhất trong vòng 5 tháng, trong khi doanh số bán lẻ tăng chậm lại và giá nhà mới tiếp tục giảm.
Theo công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects, nhu cầu dầu thấp cũng khiến các nhà máy lọc dầu châu Á cắt giảm công suất 400.000 – 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 đến nay và dự báo còn tiếp diễn tới cuối năm.
Cùng với đà giảm của giá dầu, nhóm cổ phiếu dầu khí nhanh chóng phản ứng cùng chiều, hầu như các cổ phiếu trong cả chuỗi giá trị đều bị ảnh hưởng.
Ở nhóm thượng nguồn, tính đến cuối phiên giao dịch 19/9, thị giá PVD mất khoảng 8% so với cuối tháng 8. Cùng thời gian, thị giá PVC mất gần 6%, chỉ có PVS là đi ngang trong vùng giá 40.000 đồng/cổ phiếu do trước đó đã có đợt giảm hơn 12%.
Ở nhóm trung nguồn, thị giá PVB và GAS lần lượt giảm 3% và 5%, PTV giảm xấp xỉ 6%. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhóm hạ nguồn, thị giá BSR mất khoảng 5%, trong khi giá cổ phiếu của hai “ông lớn” thuộc lĩnh vực phân phối xăng dầu là PLX và OIL ghi nhận mức giảm lần lượt là 9% và 13%.
Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích và nghiên cứu, Khối Khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, giá cổ phiếu dầu khí giảm xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, do ảnh hưởng tâm lý từ giá dầu thế giới đang yếu; thứ hai, giá cổ phiếu dầu khí đã tăng nhiều trong giai đoạn nửa đầu năm nay, hiện tại đã phản ánh xong kỳ vọng và ngành này không còn câu chuyện mới nên thị trường không còn mặn mà.
Tác động giá dầu đến doanh nghiệp khác nhau
Trước những diễn biến không mấy tích cực của thị trường dầu mỏ, nhiều tổ chức quốc tế đã điều chỉnh dự báo giá dầu theo các dữ liệu kinh tế mới.
Trong đó, Ngân hàng Morgan Stanley đã hạ dự báo giá dầu Brent trong quý IV/2024 xuống còn 75 USD/thùng, thay vì mức 80 USD/thùng được đưa ra vào tháng trước do nhận thấy các thách thức về nhu cầu ngày càng gia tăng trong khi nguồn cung vẫn dồi dào.
Xa hơn, Citigroup lo ngại thị trường năng lượng có thể sẽ dư cung và giá dầu có thể ở mức trung bình 60 USD/thùng vào năm 2025 nếu OPEC+ không cắt giảm sản lượng sâu hơn.
Dù những lo ngại của thị trường về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu đã tăng lên, nhưng Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) hy vọng rằng trữ lượng dầu toàn cầu sẽ bắt đầu giảm khi việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ dẫn đến tiêu thụ dầu toàn cầu vượt quá sản lượng dầu toàn cầu.
Ở nhóm hạ nguồn, với đơn vị lọc dầu như BSR, giá dầu thô đầu vào thấp sẽ giúp giá vốn doanh nghiệp giảm, nhưng cũng làm cho crack spread giữa giá đầu vào với giá đầu ra của các sản phẩm sụt giảm và ngược lại, crack spread sẽ tăng khi giá dầu tăng cao.
Với các doanh nghiệp phân phối như PLX hay OIL, thông thường việc giá dầu tăng cao sẽ mang lại lợi ích ngắn hạn cho các doanh nghiệp khi dự trữ hàng tồn kho mua tại vùng giá thấp.
Tuy nhiên, với giá dầu giảm như hiện tại, PLX và OIL có thể bị ảnh hưởng do độ trễ giữa giá bán điều chỉnh 10 ngày và tồn kho 20 ngày ở vùng giá cao.
Thực tế, OPEC vừa đồng ý trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng 180.000 thùng/ngày đến hết tháng 11 để phản ứng với việc giá dầu thô sụt giảm, nhưng hiệu quả đem lại chưa như kỳ vọng. Đến hiện tại, dù giá dầu có dấu hiệu hồi phục khoảng 6% từ vùng đáy lên 73,5 USD/thùng vào phiên ngày 19/9/2024, nhưng để dự báo về triển vọng giá dầu thời gian tới bằng những dữ liệu kinh tế hiện tại, ông Trương Quang Bình cho rằng là điều rất mông lung.
Đối với các doanh nghiệp thượng nguồn ngành dầu khí, nhìn chung, hoạt động kinh doanh ít bị tác động bởi diễn biến giá dầu trong ngắn hạn. Hiện các doanh nghiệp đã đảm bảo lượng công việc trong 2 năm tới nên kết quả kinh doanh năm nay và năm sau của các doanh nghiệp này sẽ vẫn tốt.
Xuyên suốt năm 2024 và kéo sang năm 2025, các giàn khoan của PVD chủ yếu phục vụ tại thị trường nước ngoài (tập trung tại Malaysia và Indonesia).
Kết thúc quý I/2024, giá cho thuê giàn khoan tự nâng trung bình của PVD tăng tới 25% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 94.000 USD/ngày. Tỷ lệ sử dụng giàn khoan được duy trì ở mức cao, trên 99,5%.
Trong khi đó, hai gói thầu EPC#1 và EPCI#2 dự án Lô B Ô Môn, với sự tham gia của PVS dù chưa có quyết định đầu tư cuối cùng (FID), nhưng với sự quyết tâm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì các phần công việc dự kiến vẫn sẽ được triển khai.
Theo chuyên gia phân tích Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam, đến nay, các gói thầu xây lắp và hoạt động giải phóng mặt bằng trên cả các khâu thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn của dự án đã và đang được triển khai để theo kịp tiến độ đề ra. Dự án kỳ vọng sẽ nhận được FID trong nửa cuối năm 2024, chậm nhất nửa đầu năm 2025 để đảm bảo tiến độ dự án theo kế hoạch và các cam kết liên quan.
Cập nhật mới nhất từ PVN cho thấy hầu hết các vướng mắc liên quan đến dự án đã được tháo gỡ, dự kiến năm 2026 sẽ đón dòng khí đầu tiên từ Lô B và 3 nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, III và IV sẽ vận hành đóng điện vào giai đoạn 2026 – 2028.
Tuy nhiên, ở nhóm doanh nghiệp trung nguồn như dịch vụ vận chuyển, cung cấp đường ống và lưu trữ, khi giá dầu giảm, các công ty thượng nguồn có thể cắt giảm sản xuất, dẫn đến nhu cầu về vận chuyển và lưu trữ dầu giảm.
Ở nhóm hạ nguồn, với đơn vị lọc dầu như BSR, giá dầu thô đầu vào thấp sẽ giúp giá vốn doanh nghiệp giảm, nhưng cũng làm cho crack spread giữa giá đầu vào với giá đầu ra của các sản phẩm sụt giảm và ngược lại, crack spread sẽ tăng khi giá dầu tăng cao.
Với các doanh nghiệp phân phối như PLX hay OIL, thông thường việc giá dầu tăng cao sẽ mang lại lợi ích ngắn hạn cho các doanh nghiệp khi dự trữ hàng tồn kho mua tại vùng giá thấp. Tuy nhiên, với giá dầu giảm như hiện tại, PLX và OIL có thể bị ảnh hưởng do độ trễ giữa giá bán điều chỉnh 10 ngày và tồn kho 20 ngày ở vùng giá cao.
Về cơ bản, ông Bình vẫn duy trì quan điểm ngành dầu khí trong nước vẫn đang chờ chất xúc tác trong ngắn hạn của Lô B – Ô Môn. Nhà đầu tư kỳ vọng vào dầu khí có thể canh thời điểm công bố quyết định FID cho dự án để đón sóng.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-dau-khi-bien-thien-theo-gia-dau-post354314.html