Chi tiết

Chủ tịch MB: Cần có thêm giải pháp khơi thông dòng vốn TPDN, giảm áp lực vốn tín dụng trung – dài hạn

Chủ tịch MB: Cần có thêm giải pháp khơi thông dòng vốn TPDN, giảm áp lực vốn tín dụng trung – dài hạn

Chủ tịch HĐQT MB kiến nghị cần có thêm các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để giảm áp lực vốn tín dụng trung, dài hạn vào hệ thống ngân hàng. Tăng cường thông tin truyền thông kịp thời để giữ vững tâm lý thị trường, nhà đầu tư trái phiếu.

Chiều 21/09, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hội nghị nhằm tiếp tục đánh giá chính sách tiền tệ, nhất là trong ưu tiên cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến đánh giá chính xác, công bằng về chính sách tiền tệ, điều hành vĩ mô của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó có các vấn đề liên quan thanh khoản, lãi suất, tỷ giá, room tín dụng, tăng trưởng tín dụng và lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp về chính sách tiền tệ thời gian tới.


Ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT MB tham luận tại hội nghị

Tại hội nghị, ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT MB cho biết thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ, NHNN, đến hết 8 tháng năm 2024, MB tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững.

Dư nợ tín dụng đạt gần 685 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 11.15% so với năm 2023; so với bình quân toàn ngành gần 7.15%). Dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm gần 65%, giải ngân mới gần 74 nghìn tỷ đồng cho SME.

Dư nợ tăng mới tập trung 19% (13 nghìn tỷ đồng) cho các doanh nghiệp: (1) Các ngành sản xuất & kinh doanh thiết bị điện tử, điện lạnh và phương tiện vận tải và (2) Công nghiệp chế biến, chế tạo, các lĩnh vực phụ trợ.

Tỷ lệ 6% (4 nghìn tỷ đồng) cho lĩnh vực sản xuất và phân phối điện năng lượng, khí đốt và Vận tải kho bãi công nghệ cao – theo định hướng ưu tiên chuyển dịch tín dụng xanh, tín dụng bền vững theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Tập trung 47% (32.7 nghìn tỷ đồng) cho phân khúc bán lẻ, cho vay sản xuất kinh doanh (tăng trưởng gần 20% so với năm trước). MB đã bước đầu thực hiện triển khai cấp tín dụng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung (tổng  hạn mức tín dụng gần 1 nghìn tỷ đồng).

Điều hành lãi suất theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay, đồng hành tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay từ 0.5-1.45% so với năm 2023 (MB cho vay sản xuất kinh doanh lãi suất gần 6.94% – so với 2023 là 7.88%). Trong quý 4/2024, MB sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi với các khách hàng sản xuất kinh doanh có xếp hạng tín dụng tốt, phương án kinh doanh khả thi để hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chú trọng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, quản trị thanh khoản.

Chủ tịch Lưu Trung Thái cũng chỉ ra các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế phát sinh, đặc biệt là đối với việc tăng trưởng tín dụng an toàn, lành mạnh. Đồng thời, Chủ tịch MB đưa ra kiến nghị, đề xuất của MB đối với Chính phủ, NHNN, bao gồm:

(1) Kiên định với các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất cho vay, thực thi chính sách tiền tệ chủ động; Điều hành linh hoạt, thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ngân hàng để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển kinh tế bền vững. 

+ Cần có thêm các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường TPDN để giảm áp lực vốn tín dụng trung, dài hạn vào hệ thống ngân hàng. Tăng cường thông tin truyền thông kịp thời để giữ vững tâm lý thị trường, nhà đầu tư trái phiếu.

+ Các cơ quan/Bộ ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh/quy hoạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản.

(2) Tiếp tục thúc đẩy phát triển tài chính xanh, kinh tế xanh để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, cải thiện hiệu quả hoạt động cho ngành Ngân hàng và các doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh thống nhất cơ chế giá điện – đặc biệt là các dự án chuyển tiếp – các dự án mới, chỉ đạo EVN ưu tiên và đảm bảo tiến độ thanh toán cho các doanh nghiệp điện xanh, năng lượng tái tạo.

(3) Thúc đẩy và tạo điều kiện hơn nữa cho ngành Ngân hàng tăng cường kết nối, tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển công nghệ, thanh toán đảm bảo an toàn, bảo mật cho khách hàng.

Hàn Đông

FILI



Source link