Thế Giới Di Động giảm gần 5.000 nhân viên trong ba tháng đầu năm, ông Nguyễn Đức Tài giải thích do họ tự xin nghỉ, tỷ lệ sa thải rất thấp.
Trong cuộc họp mới đây, một nhà đầu tư đặt câu hỏi về việc Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) báo số lượng nhân viên giảm 4.853 người trong ba tháng đầu năm. Người này lo ngại việc cắt giảm lao động sẽ ảnh hưởng đến vận hành và chất lượng phục vụ của công ty.
Trả lời thắc mắc trên, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG, nói hạ số lượng lao động nằm trong nỗ lực “giảm lượng, tăng chất” của công ty. Bên cạnh việc thu hẹp số lượng cửa hàng, MWG cũng thực hiện chiến lược tập trung vào hiệu suất của người lao động.
“Việc này cơ bản đến từ tự nhiên khi một số nhân viên cảm thấy thu nhập không còn hấp dẫn hoặc vì những lý do khác mà họ xin rút. Tỷ lệ bị nghỉ việc không phải tự nguyện rất thấp”, ông khẳng định.
Lãnh đạo Thế Giới Di Động nói sự sụt giảm nhân sự diễn ra trên quy mô toàn tập đoàn từ vị trí thấp đến các cấp trung bình cao và diễn ra ở mọi nơi MWG có hoạt động. Ông nhấn mạnh doanh nghiệp này sẽ hướng tới cắt giảm mọi thứ kém hiệu quả.
Theo báo cáo tài chính quý I, MWG ghi nhận có hơn 60.500 lao động tính đến cuối tháng 3, thấp nhất kể từ năm 2020. Đây là một trong những đợt sụt giảm nhân sự nặng nề nhất lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Số người mất việc trong kỳ này tương đương 56% của cả năm 2023. Năm ngoái, họ cắt giảm 8.594 việc làm. Nếu tính từ lúc bắt đầu tái cấu trúc từ quý IV/2023, MWG hiện đã giảm bớt 7.813 vị trí việc làm.
Liên quan vấn đề này, một nhà đầu tư khác nêu câu hỏi vì sao chi phí cho các cấp quản lý tăng, còn chi phí nhân viên giảm. Bà Lê Thị Thu Trang – Giám đốc Đầu tư và Quan hệ cổ đông, giải thích rằng chi phí nhân viên giảm do số lượng lao động sụt đi.
Đối với cấp quản lý, trong năm 2023, tình hình kinh doanh gặp khó nên công ty có chính sách yêu cầu những vị trí cấp trung đến cấp cao chia sẻ thông qua việc giảm một phần hoặc không nhận hoàn toàn lương thưởng. Việc này nhằm mục đích ít ảnh hưởng đến thu nhập của các nhân viên cấp dưới. Sau khi tình hình kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc, MWG dừng chính sách này và bắt đầu trả lương thưởng như bình thường.
Tuy nhiên, ba thành viên trong Hội đồng quản trị tiếp tục không nhận lương trong quý I gồm ông Nguyễn Đức Tài, ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, ông Trần Huy Thanh Tùng – CEO MWG. Trước đó, ba lãnh đạo này đã không nhận lương trong quý III/2023. Sang quý cuối năm ngoái, cả ba nhận cùng mức lương chưa tới 4 triệu đồng cho ba tháng.
Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư hồi tháng 3, ông Tài nói lương không phải mục tiêu của các lãnh đạo cấp cao. Nếu MWG thành công, họ sẽ nhận về phần chia sẻ tương xứng, trong đó có ESOP.
“Đế chế” bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài bắt đầu tái cấu trúc từ quý cuối năm trước, hướng mọi hoạt động đến sự tinh gọn, hiệu quả, củng cố sức mạnh nội tại. Đến nay, tình hình kinh doanh của công ty này bắt đầu hồi phục. Doanh thu quý I đạt khoảng 31.486 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 903 tỷ đồng, gấp 43 lần cùng kỳ 2023 và cao nhất kể từ quý III/2022.
Năm nay, MWG đặt mục tiêu doanh thu chỉ tăng 5% lên 125.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận gấp hơn 14 lần, dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng. Sau quý đầu năm, họ hoàn thành khoảng 25% chỉ tiêu doanh thu và 37,6% kế hoạch lợi nhuận.
Động lực chính của công ty tiếp tục đến từ Bách Hóa Xanh khi doanh thu tăng 44% lên hơn 9.100 tỷ đồng. Chuỗi này vẫn duy trì được điểm hòa vốn sau mọi chi phí tương ứng với thực tế vận hành hiện tại. Trong khi đó, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, chỉ ghi nhận doanh thu tăng 7%. Hai chuỗi này đang tái cấu trúc, rà soát mọi hoạt động vận hành theo hướng tinh gọn.
Tất Đạt
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ong-nguyen-duc-tai-so-nhan-vien-bi-giam-chu-yeu-do-tu-xin-nghi-4745473.html