Chi tiết

Tăng cường thúc đẩy thương mại, đầu tư, vận tải giữa TP. Hồ Chí Minh và Trùng Khánh

Hội nghị là sự kiện trong khuôn khổ hội nghị Đối thoại TP. Hồ Chí Minh 2024 diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/9. Tham dự hội nghị có ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh và ông Trịnh Hướng Đông, Phó Thị trưởng Trùng Khánh. 

HỢP TÁC KINH TẾ, PHÁT TRIỂN GIAO THƯƠNG

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh, quan hệ hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Trùng Khánh trong những năm gần đây đã có nhiều bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực kể từ khi thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị vào năm 2018. Trong đó, thương mại và logistics luôn là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác của hai bên.

Theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, hành lang thương mại quốc tế mới đường bộ – đường biển, với tuyến kết nối từ Trùng Khánh đến TP. Hồ Chí Mnh không chỉ là một dự án thương mại chiến lược mà còn là cầu nối quan trọng giữa hai địa phương. Đây là cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế, phát triển giao thương, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của cả hai bên trong việc mở rộng thị trường, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và các chuỗi cung ứng quốc tế ngày càng phức tạp.

 

“Việt Nam là một điểm quan trọng trong con đường thương mại quốc tế mới trên đất liền và biển. Ba mô hình tổ chức logistics của con đường này đều kết nối một cách hữu cơ với Việt Nam, cung cấp một nền tảng mới để thúc đẩy hợp tác cùng thắng giữa Việt Nam và phía Tây Trung Quốc và cả châu Âu. Đây là một con đường lớn kết nối Âu – Á, thuận tiện và hiệu quả.” 

Phó Thị trưởng TP. Trùng Khánh Trịnh Hướng Đông. 

TP. Hồ Chí Minh với vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hợp tác thương mại, logistics giữa hai địa phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Thành phố tin rằng, với cơ sở hạ tầng hiện đại, vị trí chiến lược và môi trường đầu tư thuận lợi, TP. Hồ Chí Minh sẽ là điểm đến lý tưởng để các doanh nghiệp Trùng Khánh và quốc tế mở rộng hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, việc hợp tác phát triển hành lang thương mại quốc tế này còn là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng. Sự hợp tác này không chỉ giúp giảm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả logistics mà còn mở ra nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực khác như công nghệ, tài chính và đầu tư. 

Phó Thị trưởng TP. Trùng Khánh Trịnh Hướng Đông cho biết, những năm gần đây, Trùng Khánh đã phát huy đầy đủ vai trò là trung tâm tổ chức vận tải và logistics, kết nối các tỉnh khu vực phía Tây Trung Quốc và các nước ASEAN, phía Bắc kết nối với thị trường lớn ở châu Âu thông qua chuyến tàu Trung – Âu; phía Nam mở rộng ra thị trường Đông Nam Á, thúc đẩy con đường trở thành một đại lộ quốc tế toàn diện phủ sóng phía Tây, phục vụ toàn quốc, kết nối với ASEAN và hòa nhập với toàn cầu.

Hiện nay, con đường đã hình thành ba mô hình tổ chức logistics chính: chuyến tàu liên vận đường sắt – đường biển, xe chuyến xuyên biên giới và chuyến tàu liên vận quốc tế, kết nối trong nội địa với 72 thành phố và 154 ga tàu tại 18 tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương) Trung Quốc, đồng thời, tiếp cận 538 cảng tại 125 quốc gia và khu vực trên toàn cầu, thành quả xây dựng đạt được đã vượt ngoài mong đợi, thu hút sự quan tâm rộng rãi từ cộng đồng quốc tế.

“Việt Nam là một điểm quan trọng trong con đường thương mại quốc tế mới trên đất liền và biển. Ba mô hình tổ chức logistics của con đường này đều kết nối một cách hữu cơ với Việt Nam, cung cấp một nền tảng mới để thúc đẩy hợp tác cùng thắng giữa Việt Nam và phía Tây Trung Quốc và cả châu Âu. Đây là một con đường lớn kết nối Âu – Á, thuận tiện và hiệu quả”, Phó Thị trưởng TP. Trùng Khánh Trịnh Hướng Đông khẳng định.

Con đường này kết nối “Một vành đai, một con đường”, giúp tăng cường đáng kể tính kịp thời trong trao đổi kinh tế và thương mại giữa phía Tây Trung Quốc và các nước ASEAN như Việt Nam, đồng thời, thông qua việc kết nối với các chuyến tàu Trung Âu, chia sẻ thị trường lớn Á-Âu. Đây còn là một con đường lớn mở rộng thương mại và khởi nghiệp phát triển kinh doanh.

Nhờ đó, các sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su tự nhiên và trái cây có thể được vận chuyển qua con đường đến Trùng Khánh, phân phối tới các khu vực nội địa của Trung Quốc và châu Âu. Đây là một con đường lớn mở cửa và chia sẻ, hợp tác cùng có lợi.

Hội nghị xúc tiến hợp tác đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ kinh tế giữa Trùng Khánh và TP. Hồ Chí Minh giúp giảm chi phí vận tải, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp.

LÃNH ĐẠO TP.HCM MỜI GỌI CƠ HỘI ĐẦU TƯ VÀO HẠ TẦNG LOGISTICS

Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được những thành tựu quan trọng, với kim ngạch xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023, theo thông tin từ Ban Tổ chức hội nghị. Trung Quốc tiếp tục là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và lớn thứ năm trên thế giới.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan chia sẻ, TP. Hồ Chí Minh và Trùng Khánh chính thức hợp sức để thúc đẩy thương mại và đầu tư trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh đang có kế hoạch xây dựng Đề án “Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển; đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành Trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực”.

Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh có cảng biển lớn nhất nước là cảng Cát Lái và nhiều cảng khác như Hiệp Phước, Tân Thuận, Rạch Chiếc nhưng hiện đang quá tải do khối lượng hàng hoá lớn. Do đó, Thành phố muốn xây dựng huyện Cần Giờ thành trung tâm logistics và xây dựng cảng biển Cần Giờ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Kế hoạch này nhằm thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực, triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, ông Võ Văn Hoan cho biết thêm, Thành phố quyết tâm đến năm 2035 xây dựng 180 km đường sắt đô thị và mời gọi Trùng Khánh tham gia đầu tư một trong những cấu phần của hệ thống này.

“Hành lang thương mại đường bộ, đường biển quốc tế mới Trùng Khánh với tuyến kết nối Trùng Khánh đến TP. Hồ Chí Minh không chỉ là dự án thương mại, chiến lược mà còn là cầu nối quan trọng giữa 2 địa phương. Đây là dự án lớn, nếu Trung ương đồng ý thì TP. Hồ Chí Minh sẽ kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia”, Phó chủ tịch UBND Võ Văn Hoan cho hay và kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp hai nước chia sẻ kinh nghiệm đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực logistics và đầu tư chuỗi cung ứng trong tương lai.

Ông Trịnh Hướng Đông, Phó thị trưởng TP. Trùng Khánh (Trung Quốc) nhìn nhận, Trùng Khánh và TP. Hồ Chí Minh là 2 Thành phố hữu nghị, thông qua hợp tác giao lưu có thể tạo được sự tin cậy lẫn nhau và đặt được nền móng cơ sở hợp tác sâu sắc hơn.

Việc đầu tư hệ thống đường sắt rất cần cho sự phát triển TP. Hồ Chí Minh và các ngành dịch vụ; logistics. Mục đích quan trọng là xây dựng tuyến đường sắt kết nối các tuyến đường biển, tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam – Trung Quốc ngày càng thuận lợi.

“Thông qua hợp tác hành lang thương mại đường bộ – đường biển quốc tế mới Trùng Khánh – TP. Hồ Chí Minh và đẩy mạnh các hoạt động đầu tư trong thời gian tới, những sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su tự nhiên và trái cây có thể được vận chuyển qua con đường đến Trùng Khánh, phân phối tới các khu vực nội địa của Trung Quốc và châu Âu”, ông Trịnh Hướng Đông chia sẻ.

Nguồn