Mới đây, Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp thu hút vốn phát triển cho ĐBSCL” do Viện Kinh tế, xã hội TP. Cần Thơ phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL (VCCI ĐBSCL) tổ chức.
Qua báo cáo của VCCI ĐBSCL cho thấy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2023 của ĐBSCL thấp nhất cả nước, trong khi các vùng vẫn giữ được xu hướng phục hồi. Trong đó, phân bổ vốn đầu tư khu vực nhà nước tại ĐBSCL gần như không thay đổi trong 10 năm qua khoảng 12,5%. Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ĐBSCL dù có tăng nhưng vẫn chiếm tỷ trọng không đáng kể. So với các vùng khác, ĐBSCL có tỷ lệ vốn FDI gần như thấp nhất cả nước, chỉ trên Tây Nguyên.
Những số liệu của VCCI ĐBSCL cho thấy, trung bình giai đoạn 2018-2023 có 4 địa phương có mức tăng trưởng vốn đầu tư thấp nhất toàn vùng gồm Bến Tre; An Giang; Cần Thơ và Hậu Giang. Trong khi đó, Long An và Tiền Giang là 2 địa phương có tổng vốn và tăng trưởng tốt nhất toàn vùng.
Trong giai đoạn 2018-2023, nguồn vốn đầu tư khu vực FDI vào ĐBSCL cũng cho thấy dấu hiệu sụt giảm kể từ năm 2021 đến nay. Xu hướng này trái ngược với hầu hết các vùng kinh tế và ĐBSCL không phải là lựa chọn của các nhà đầu tư khi chỉ chiếm trung bình 6% lượng vốn FDI vào Việt Nam, dù có những năm tăng đột biến nhưng chủ yếu nhờ vào các dự án năng lượng (2019-2021). Nguồn vốn FDI gần như không đầu tư vào ngành nông, lâm, thủy sản tại ĐBSCL khi số lượng và giá trị không có sự thay đổi đáng kể trong 10 năm qua.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI ĐBSCL cho biết, nguồn vốn, nguồn lực từ Trung ương đổ về cho vùng ĐBSCL giai đoạn hiện nay rất lớn, là cơ hội để vùng chuyển mình. Tuy nhiên, nguồn vốn từ đầu tư nước ngoài và nguồn vốn khu vực tư nhân vào vùng ĐBSCL đang giảm nhiều. Vì vậy, cần phải có lộ trình, cách tiếp cận để giải ngân phục vụ cho phát triển.
Theo ông Lam, trong giai đoạn ngắn hạn các địa phương vùng ĐBSCL cần ưu tiên giải ngân được vốn đầu tư công, đây là nguồn vốn quan trọng trong ngắn hạn. Về dài hạn cần phải khai thác và quan tâm đến nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và vốn đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, muốn thu hút được nguồn vốn này cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thể hiện được tính hiệu quả của các dự án đầu tư.
“Hiện nay, những phân tích thấy rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hay các doanh nghiệp ở các vùng miền khác để đầu tư vào ĐBSCL trong lĩnh vực chế biến nông thủy sản hay là sản xuất thì họ cần nhưng vấn đề về logistics. Như vậy, chúng ta giải quyết những câu chuyện này tính hấp dẫn của ĐBSCL sẽ rõ nét, tôi cho rằng, ĐBSCL vẫn đang còn hạn chế trong việc quảng bá hình ảnh và cách thức xúc tiến để làm sao tăng tính hấp dẫn của địa phương mình. So với các vùng miền khác, các địa phương khác thì tính mờ nhạt của thương hiệu ĐBSCL nói chung hay là từng địa phương nói riêng chưa rõ nét”, ông Nguyễn Phương Lam đánh giá.
Ông Trần Văn Tươi, Phó Giám đốc KH&ĐT tỉnh Long An cho biết, lợi thế về địa lý đã giúp cho Long An thu hút nhiều nhà đầu tư hơn các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Để thu hút các nhà đầu tư, Long An đã tập trung quy hoạch khu công nghiệp và hiện đang đứng thứ 3 cả nước sau Bình Dương, Đồng Nai. Trong giai đoạn từ nay đến 2050, Long An tập trung thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp với diện tích hơn 16.000 ha và tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký đầu tư đã hơn 6.000 ha.
Theo ông Tươi, hiện nay, hai tỉnh có diện tích lớn về khu công nghiệp là Bình Dương và Đồng Nai đã gần lấp đầy và xu thế quay trở lại các địa phương trong vùng là rất lớn, để thu hút các nhà đầu tư, Long An đang tập trung triển khai quỹ đất sạch, kết nối hạ tầng giao thông để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Điều quan trọng đầu tiên là đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội, giao thông, đó là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ là chúng ta phải làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, chăm sóc các doanh nghiệp, đó là hai yếu tố cộng hưởng trở lại để cho nhà đầu tư họ đến đầu tư. Chính vì nâng chỉ số PCI, chỉ nhìn vào PCI thì các nhà đầu tư cho rằng đó là chúng ta làm rất tốt việc chăm sóc khách hàng gồm các các chỉ số tiếp cận đất đai, làm tốt quy hoạch, rồi các vấn đề khác, chẳng hạn như tính năng động của lãnh đạo, đối thoại doanh nghiệp, tính pháp lý, những cái đó đã góp phần cho họ an tâm đến đầu tư”, ông Tươi cho biết.
Thách thức thu hút nguồn vốn đầu tư
Theo số liệu thống kê vùng ĐBSCL cho thấy, giai đoạn 2014-2023, chỉ có tỉnh Long An là địa phương có cơ hội tốt để thu hút các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách và nguồn vốn FDI, tiếp đến là tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang; còn các địa phương còn lại gặp nhiều hạn chế, tỷ lệ bình quân thu hút các nguồn vốn dưới 10%.
Từ phân tích trên cho thấy, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thu hút nguồn vốn đầu tư. Trong giai đoạn từ 2014-2023 thu hút đầu tư từ các nguồn vốn cho vùng ĐBSCL còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của vùng. Tổng số vốn bình quân đầu tư cho cả vùng trong vòng 10 năm đạt khoảng 202.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện kinh tế, xã hội TP. Cần Thơ cho biết, theo quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; trong đó, chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Ông Nguyễn Khánh Tùng cũng cho biết, báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL qua các năm đã nhận diện ra rằng, việc thiếu đầu tư và kém hiệu quả là một nguyên nhân then chốt làm cho ĐBSCL ngày chậm phát triển so các vùng khác. Ngoài ra, việc đầu tư về cơ sở hạ tầng cho ĐBSCL đã được quan tâm nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp, chưa đạt kế hoạch.
“Các lĩnh vực giúp cho ĐBSCL có động lực tăng trưởng mới, thứ nhất là hành lang pháp lý, các hỗ trợ về thủ tục hành chính cho việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực khu công nghiệp, linh vực logistics, lĩnh vực năng lượng sạch và lĩnh vực về kinh tế số, tôi nghĩ 4 lĩnh vực này sẽ mở ra triển vọng phát triển cho khu vực ĐBSCL”, ông Nguyễn Khánh Tùng nêu rõ.
Vùng ĐBSCL được xác định có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, nguồn vốn tư nhân và vốn đầu tư nhà nước vào các địa phương vùng ĐBSCL còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của vùng. Để tháo gỡ nút thắt và tạo động lực phát triển, các địa phương cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình, dự án liên kết vùng, xây dựng chiến lược trong thu hút đầu tư vào các thế mạnh vốn có của vùng.
(Theo VOV)