Chi tiết

Quảng Trị muốn thúc đẩy kinh tế đêm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Hoàng Nam vừa chủ trì cuộc họp nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo nội dung dự thảo Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, giai đoạn 2026 – 2030.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các sở ngành, đơn vị, địa phương tại cuộc họp ngày 8/11/2023 và văn bản đề xuất danh mục dự án ưu tiên đầu tư theo từng giai đoạn và nguồn vốn của các địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện dự thảo Đề án.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của đề án trên, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ của tỉnh Quảng Trị đạt khoảng 7 – 7,5%/năm; thu hút 2.944 nghìn lượt khách du lịch, trong đó, có khoảng 22% lượt khách du lịch tham gia vào kinh tế ban đêm. Toàn tỉnh này có cơ sở lưu trú 6.500 buồng phục vụ khách du lịch lưu trú qua đêm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 11,7%/năm.

Theo đề án trên, Quảng Trị sẽ tập trung đầu tư và duy trì hoạt động thường xuyên, có hiệu quả từ 2 – 3 mô hình tuyến phố đi bộ tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế, ưu tiên các địa phương đã tổ chức các hoạt động kinh tế ban đêm như thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, huyện Hướng Hóa.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh này phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 8 – 8,5%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 14,3%. Đến năm 2030, thu hút 4.074 nghìn lượt khách du lịch, trong đó, có khoảng 35% lượt khách du lịch tham gia vào kinh tế ban đêm.

Toàn tỉnh Quảng Trị có cơ sở lưu trú 9.400 buồng phục vụ khách du lịch lưu trú qua đêm. Duy trì các mô hình tuyến phố đêm sẵn có; phấn đấu mỗi địa phương tổ chức triển khai khoảng 1 – 2 mô hình tuyến phố đi bộ, chợ đêm. Hình thành ít nhất 3 – 4 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm sôi động riêng biệt.

Tổng kinh phí dự kiến triển khai thực hiện Đề án khoảng hơn 14.700 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa; trong đó ngân sách nhà nước khoảng hơn 160 tỉ đồng; vốn xã hội hóa khoảng gần 14.600 tỉ đồng.

Dự thảo đề ra 9 nhóm giải pháp để thực hiện, cụ thể như nâng cao nhận thức về phát triểnkinh tế ban đêm; đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế ban đêm; giải pháp về quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế ban đêm; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, huy động vốn đầu tư; xúc tiến, quảng bá và truyền thông; phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế ban đêm; đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo an ninh trật tự, an ninh quốc phòng.

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, địa phương cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Đề án đã được bổ sung, chỉnh sửa, đồng thời thảo luận đề xuất một số nội dung liên quan như: cần cân nhắc điều chỉnh tiêu đề của Đề án để xác định rõ đối tượng từ đó có các giải pháp phù hợp; nghiên cứu đầu tư bài bản các dịch vụ liên quan đi kèm phù hợp theo từng giai đoạn…

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến, bổ sung hoàn thiện Đề án để khi được thông qua Đề án sẽ thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực; nghiên cứu lại các nội dung đề xuất, không triển khai làm đại trà, ồ ạt, theo phong trào.

Trong giai đoạn khởi động của dự án từ nay đến 2025, cần tổ chức đi học tập kinh nghiệm các mô hình đã triển khai hiệu quả trong và ngoài nước, từ đó tìm ra mô hình phù hợp cho địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị giao các sở, ngành liên quan tùy theo chức năng nhiệm vụ tham gia thêm về cơ chế, chính sách, phương án về thuế, đảm bảo an ninh trật tự… để Sở Kế hoạch và Đầu tư bổ sung hoàn thiện Đề án.

Nguồn