Chi tiết

Bị ép thành con nợ khi tiền bỗng dưng đổ vào tài khoản ngân hàng

Bị ép thành con nợ khi tiền bỗng dưng đổ vào tài khoản ngân hàng

Sau khi bỗng dưng có 600.000 đồng vào tài khoản, chị Thu Hà nhận hàng chục cuộc gọi hăm dọa, “khủng bố” đòi nợ với số tiền phải trả gấp đôi, thanh toán qua app do chúng cung cấp.

Những tháng qua là quãng thời gian đầy ám ảnh với chị Thu Hà, ở Bắc Giang khi mỗi ngày có hàng chục người với các số điện thoại khác nhau liên tục gọi dọa nạt, bắt trả tiền nên chị “chặn không xuể”.

Sự việc của chị Hà bắt nguồn từ cuối tháng 4 khi bỗng nhận được 600.000 đồng chuyển qua số tài khoản ngân hàng cá nhân. Nội dung chuyển khoản là một mã vạch với nhiều chữ cái và số. Số tiền không lớn và nghĩ do công ty chuyển khoản nên chị không kiểm tra kỹ.

Khoảng một tuần sau có người lạ kết bạn qua Zalo, gửi tin nhắn thông báo chị có hợp đồng ghi nợ 1,2 triệu đồng trên app có tên tiếng Anh, “cần thanh toán gấp”. Rà lại các lịch sử giao dịch gần đây, chị thấy không có khoản nợ nào nên yêu cầu cung cấp chứng từ vay mượn.

Lập tức, họ gửi ảnh ảnh căn cước công dân, hình cá nhân kèm thông tin đã chuyển tiền trước đó vào số tài khoản cá nhân của chị. Thông tin giải ngân khớp với biến động số dư mà một tuần trước chị nhận được. Kèm theo đó, kẻ lạ mặt liên tục đe dọa, chửi bởi nói không thanh toán sẽ gửi thông báo đến cơ quan nơi chị làm việc.

Không muốn vướng vào các rắc rối, chị đành ngậm ngùi thanh toán “cho xong chuyện”. Thế nhưng chỉ hai ngày sau, tài khoản ngân hàng của chị tiếp tục nhận được 2,5 triệu đồng, nội dung chuyển tiền là dãy các chữ số.

5 ngày sau, một tài khoản Zalo khác kết bạn, nhắn tin thông báo chị đang có khoản nợ 5,2 triệu đồng và đề nghị tải một trong các app có tên miracash, apple, chery, để thanh toán.

Không đồng tình với “khoản nợ trên trời rơi xuống” này, chị từ chối thanh toán nên bị chửi bới, đe dọa, khủng bố tinh thần. Có ngày chị phải nhận đến 30 cuộc gọi, tin nhắn “nhắc nợ” từ nhiều số “rác” khác nhau. “Còn tiếp tục trốn sẽ có nhiều thứ đáng sợ hơn đến với người thân của mày”, chúng dọa.

Cùng lúc, tài khoản thanh toán điện tử Myviettel của chị nhận được thông báo đang được kiểm tra. Những ngày sau đó, các bên đòi nợ gửi một danh sách số điện thoại của bạn bè, người thân chị để “uy hiếp”. Lo sợ ảnh hưởng đến người thân và uy tín nên chị đành tải app theo hướng dẫn để thanh toán khoản “nợ” này.

Vẫn không yên tâm bởi thủ đoạn ngày một tinh vi của kẻ xấu, chị Hà tìm đến một “hacker chuyên chặn app” thuê cắt đứt thông tin “khủng bố”. Chị chấp nhận bỏ ra 12 triệu đồng để “hacker” ngăn chặn việc nhắn tin, gọi điện đến các số liên lạc trong danh bạ

Theo hướng dẫn của “hacker”, chị nhắn tin thông báo đến người thân, bạn bè về sự cố này và vứt bỏ sim điện thoại dùng hơn 10 năm nay để thay bằng số điện thoại mới. Sự việc cũng được chị trình báo đến công an sở tại.

Mọi việc tưởng chừng đã êm xuôi song giữa tháng 9, một số đồng nghiệp, người thân của chị lại bị kẻ xấu nhắn tin “nhờ nhắc nhở Thu Hà trả nợ”.


Sếp chị Thủy và đồng nghiệp bị kẻ xấu nhắn tin “khủng bố”. Ảnh: Chụp màn hình

Chửi rủa, lăng mạ, uy hiếp, thậm chí dọa giết, là hình thức khủng bố tinh thần mà các “kẻ lạ mặt” đang sử dụng dưới mác đòi nợ. Song hầu hết nạn nhân không vay tiền, không phải là con nợ.

Đầu tháng 8, chị Thanh Thủy, ở Hà Nội, nhận được hàng chục cuộc gọi, nhắn tin từ số lạ thông báo “thanh toán gấp khoản nợ 3,8 triệu đồng mà chồng vay”. Hỏi kỹ từ chồng và kiểm tra các thông tin, chị khẳng định gia đình không nợ ai kiểu như vậy nên quyết không thanh toán, yêu cầu cung cấp chứng từ.

Bên kia từ chối, liên tục mỗi ngày gọi điện, nhắn tin hàng chục cuộc, chửi bới. Nhận thấy kịch bản 1 bất thành, kẻ xấu chuyển sang gán ghép cho chị Thủy thành “con nợ”. Hàng ngày, chúng thay nhau nhắn tin đến email tuyển dụng, gọi điện đến số hotline công ty và giám đốc nơi Thủy làm việc để “nhắc nợ”.

“Chúng dùng sim rác gọi điện, nhắn tin nói rằng mình và chị giám đốc ăn chơi, hút chích, bài bạc trên mạng nên vay tiền. Giờ đã quá hạn song không trả nên đề nghị mọi người nhắn giúp. Ngày nào cũng là các tin nhắn xúc phạm, dọa nạt như vậy”, Thủy kể và đoán rằng thông tin cá nhân của mình đã bị kẻ xấu thu thập từ lâu.

Đây không phải là lần đầu tiên Thủy rơi vào tình cảnh này khi một năm trước chị cũng bỗng dưng bị gán nợ 4,4 triệu đồng. Hàng ngày, kẻ xấu không chỉ gọi đe dọa chị mà còn nhắn tin, gọi điện đến công ty chị quấy rối, khủng bố để “yêu cầu nhắc nợ”.

Thủy khẳng định không nợ nhưng công ty bị kẻ lạ mặt khủng bố ngày này qua ngày khác, ảnh hưởng đến uy tín, công việc chung. “Tôi rất mệt mỏi, bị sếp gọi lên làm giải trình. Để êm xuôi mọi việc và tránh làm ảnh hưởng đến công ty nên tôi đành chuyển khoản 4,4 triệu đồng cho chúng qua số tài khoản cá nhân. Mọi việc tạm lắng xuống”, Thủy nói.

Không chỉ chị Hà, Thủy, chị Thanh Mai ở Hà Nội cũng bị gán ghép là “người thân của con nợ rồi đột nhiên thành con nợ”.

Chị Mai kể, hai tháng trước, nhận được cuộc gọi từ số máy lạ đề nghị chị nhắc nhở “cậu nhân viên ham cờ bạc” nhanh thanh toán khoản nợ hơn 5 triệu đồng. Chúng sau đó kết bạn Zalo nhắn tin kể “xấu” nhân viên chị và thông báo về khoản nợ. Sau hơn 10 tin nhắn qua lại, chị Mai phát hiện tài khoản của mình bị mất quyền kiểm soát.

Sững người khi biết bị lừa đảo, chị vội thông báo đến toàn thể công ty về sự cố. Những ngày sau, chị trở thành “con nợ” của chúng, bị gọi điện khủng bố đòi thanh toán. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp của chị cũng bị kéo vào rắc rối theo.

Theo Bộ Công an, những sự việc như trên bắt nguồn từ nguyên nhân như người thân, bạn bè của bạn đã vay tiền qua app và không trả tiền đúng hạn nên bị bên cho vay dùng danh bạ điện thoại để nhắn tin, gọi điện đòi nợ. Người bị “khủng bố” không liên quan các khoản vay đó. Có trường hợp, thông tin cá nhân của người dùng bị kẻ xấu đánh cắp sau đó tự gán ghép.

Công an khuyến cáo, nếu bị gọi điện, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ dù không vay tiền, trước hết cần bình tĩnh, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ chúng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình. Nếu được, nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn làm bằng chứng.

Tiếp đến, nạn nhân cần sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của kẻ xấu; với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ.

Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân hãy đến công an nơi gần nhất trình báo để có biện pháp xử lý kịp thời. Công an đề nghị mọi người tuyệt đối không cung cấp thông tin của bản thân cho kẻ gọi điện đòi nợ như giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, nơi làm việc, sinh sống….


Phạm Dự

Vnexpress




Source link