Chi tiết

Lãnh đạo, người lao động lợi hàng nghìn tỉ từ mua cổ phiếu

* FPT (HoSE): Công ty CP FPT vừa công bố nghị quyết về việc phát hành thêm 7,302 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động có thành tích đóng góp năm 2023 (hạn chế chuyển nhượng 3 năm). Đồng thời, phát hành thêm 3,31 triệu cổ phiếu cho người lao động là những cán bộ lãnh đạo cấp cao năm 2024 (hạn chế chuyển nhượng 10 năm).

Như vậy, tổng số cổ phiếu mà FPT phát hành thêm đợt này cho người lao động là 10,61 triệu. Mệnh giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng chỉ hơn 106 tỉ đồng nhưng với giá thị trường đang là 134.500 đồng/cổ phiếu thì người lao động được hưởng lợi chênh lệch giá đến hơn 124.000 đồng/cổ phiếu.

Chứng khoán trước giờ giao dịch 1-10: Một công ty bất động sản “chơi lớn”, giảm giá bán nhà cho cổ đông- Ảnh 1.

Trụ sở công ty FPT

* MCP (HoSE): Ông Vũ Trọng Tuấn, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty CP In và Bao bì Mỹ Châu, đăng ký mua 640.270 cổ phiếu của công ty, chiếm 4,25% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Thời gian dự kiến giao dịch từ ngày 3-10 đến 31-10 bằng hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Mục đích giao dịch là để đầu tư. Được biết, ông Vũ Trọng Tuấn vừa bổ nhiệm chức tổng giám đốc từ ngày 23-8 vừa qua và hiện ông chưa có cổ phiếu nào của MCP.

* IMP (HoSE): Nhằm giảm bớt các khoản đầu tư không còn mang lại hiệu quả, tập trung nguồn lực vào các hoạt động kinh doanh chính, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc thanh lý tài sản là cổ phiếu và bất động sản. Theo đó, cổ phiếu thanh lý gồm: Công ty CP Dược phẩm TW Vidipha (VDP), Công ty CP Dược phẩm TW25 (UPH),Công ty CP Dược phẩm Mephydica (đơn vị liên kết). Phương thức bán: VDP, UPH theo phương thức khớp lệnh trực tiếp trên thị trường chứng khoán. Còn Mephydica sẽ chào giá công khai theo giá thị trường.

Ngoài ra, Imexpharm cũng thanh lý bất động sản với tổng diện tích của các tài sản cần thanh lý là 1.772 m². Gồm các tài sản: căn hộ, nhà nghỉ chuyển gia (Bình Dương), quyền sử dụng đất (Bình Thuận), 3 chi nhánh tại Tây Ninh, TP HCM, Đồng Tháp… Phương thức chào bán công khai theo giá thị trường từ 2024 đến 2025. Mục đích là thu hồi vốn để đầu tư vào các dự án mới, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

* PDR (HoSE): Công ty CP Bất động sản Phát Đạt vừa công bố chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, những cổ đông sở hữu từ 50.000 cổ phiếu PDR ít nhất 6 tháng trở lên sẽ được giảm 8% (đã bao gồm GTGT) khi mua sản phẩm của các dự án bất động sản do công ty làm chủ đầu tư, gồm các dự án: Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh, tỉnh Bình Định; Khu nhà ở Phức hợp cao tầng Thuận An 1 và Thuận An 2, tỉnh Bình Dương. Thời gian áp dụng sẽ được quy định cụ thể tại thời điểm mỗi dự án chính thức được triển khai. Số lượng sản phẩm được hưởng ưu đãi không quá 10% tổng số lượng sản phẩm của mỗi dự án.

* DAG (HoSE): Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG) giải trình nguyên nhân bị đưa vào diện cảnh báo. Theo đó, DAG bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đưa vào diện cảnh báo do chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 quá thời hạn quy định. Công ty lý giải do bộ phận kế toán có sự thay đổi nhân sự, người mới chưa nắm bắt công việc. Đồng thời do chuyển đổi phần mềm kế toán mới gặp một số trục trặc kỹ thuật, ảnh hưởng đến quá trình thu thập, tổng hợp dữ liệu. Công ty đang khẩn trương hoàn thiện Báo cáo tài chính và sẽ nộp báo cáo trong tháng 10/2024.

* NTP (HNX): Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), ông Đặng Quốc Minh, thư ký công ty, người phụ trách quản trị công ty đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu NTP, giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 5,083 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,92%) xuống còn 4,083 cổ phiếu (3,14%). Mục đích thực hiện giao dịch giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ. Hình thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh trong thời gian 1-10 đến 29-10.

* VFS (HNX): Ông Trần Anh Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, người phụ trách quản trị công ty công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS), đã hoàn tất bán 7,613 triệu cổ phiếu VFS, giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 15,613 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 13,01%) xuống còn 8 triệu cổ phiếu (6,67%).

* L18 (HNX): Ông Đặng Văn Giang: Ủy viên HĐQT đăng ký bán 150.000 cổ phiếu L18, giảm tỉ lệ nắm giữ xuống còn 784.580 cổ phiếu (2,05%). Thời gian dự kiến giao dịch trong tháng 10.

* MAC (HNX): Ông Trần Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật hàng hải, đồng thời là Chủ tịch HĐ Thành viên Công ty TNHH Quỹ TM Holding, đang nắm giữ 2,998 triệu cổ phiếu MAC (tỷ lệ 19,81%) đăng ký mua 751.400 cổ phiếu để gia tăng đầu tư. Ngày dự kiến bắt đầu giao dịch từ 3 đến 31-10.

Cũng liên quan đến công ty nay, MAC vừa bị Cục Thuế TP HCM xử phạt vi phạm liên quan khai báo, nộp thuế… Công ty đã bị truy thu số tiền thuế gần 16 triệu đồng.

DLG giải trình chênh lệch báo cáo tài chính sau kiểm toán 6 tháng

* DLG (HoSE): Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) giải trình và đưa ra phương án khắc phục việc bị đưa vào diện cảnh báo do chậm nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán bán niên năm 2024. Theo DLG, việc chậm báo cáo tài chính bán niên soát sét là do công ty gồm có 4 công ty con và 1 công ty liên kết. Trong đó, công ty con là Công ty TNHH Mass Noble có địa chỉ trụ sở tại British Virgin Islands (Anh). Nhưng sau đó, công ty đã quyết định thoái toàn bộ vốn góp của DLG Mass Noble cho Công ty CP đầu tư Alpha Seven trị giá 255 tỉ đồng. DLG đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để hoàn thiện báo cáo tài chính soát xét bán niên vào ngày 28-9.

Ngoài ra, DLG còn giải trình về cơ sở đưa ra kết luận ngoại trừ trên báo cáo soát xét tại báo cáo tài chính riêng và hợp nhất. DLG cho rằng tại mục “Phải thu về cho vay ngắn/dài hạn” và “Phải thu ngắn hạn khác” ngày 30-6-2024 với tổng số tiền 166,85 tỉ đồng và 28,48 tỉ đồng. Đây là khoản nợ phải thu mà công ty chưa đánh giá được khả năng thu hồi theo thực tế của các khoản cho vay ngắn hạn và phải thu ngắn hạn khác. Vì các tài liệu hiện có không thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để trích lập dự phòng nợ phải thu.

Tại 30-6, tổng tài sản của DLG là 2.617 tỉ đồng. Công nợ, bao gồm cả các khoản phải thu ngắn hạn của công ty mẹ, là 518,94 tỉ đồng đồng. Các khoản nợ dài hạn của tập đoàn là 770,51 tỉ đồng. Điều này cho thấy tập đoàn đang có những khoản nợ tương đối lớn.

Theo kế hoạch năm 2024, doanh thu DLG đạt 594,7 tỉ đồng đạt 42,4% so với kế hoạch 1.400 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 61,1 tỉ đồng đạt 50,8% so với kế hoạch 120 tỉ đồng. “Công ty sẽ tiến hành đánh giá khả năng nợ và phải thu khác ngắn hạn số tiền là 28,484 tỉ đồng, đồng thời làm việc với các đối tác khách hàng để bổ sung tài sản đảm bảo và tăng cường thu hồi các khoản công nợ trong năm 2024 trong thời gian sớm nhất… Công ty khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh vẫn đang hoạt động ổn định, khắc phục các khó khăn trước mắt và thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã đề ra” – lãnh đạo DLG cho biết.

Source link