Các nhà đầu tư toàn cầu đang đặt cược vào Trung Quốc một lần nữa khi Trung Quốc tung ra nhiều giải pháp kích thích kinh tế nhằm đảo ngược tình trạng suy thoái kinh tế và khôi phục lại sự quan tâm đối với thị trường chứng khoán của nước này.
Hiện tại còn khá sớm và ít nhà quản lý quỹ kỳ vọng vào một sự bùng nổ tăng trưởng của Trung Quốc trong tương lai gần. Tuy nhiên, các động thái của chính phủ Trung Quốc nhằm thu hút thêm dòng tiền vào thị trường cổ phiếu và thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng đã làm tăng sức hấp dẫn của các công ty Trung Quốc với mức định giá vẫn còn thấp.
Theo Gabriel Sacks, Giám đốc danh mục đầu tư thị trường mới nổi tại Abrdn, quỹ đầu tư đang quản lý 506 tỷ bảng Anh (870 tỷ đô la Singapore) tài sản, cho biết: “Chúng tôi sẽ rất thận trọng nhưng nhìn chung, đang có nhiều tín hiệu tích cực hơn là tiêu cực đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc”.
Ông Gabriel Sacks cho biết quỹ của mình đã “chọn lọc” mua cổ phiếu Trung Quốc vào tuần trước và sẽ chờ đợi các kế hoạch chính sách chi tiết hơn từ Bắc Kinh, sau một số cam kết hỗ trợ kinh tế hiếm hoi đã tạo ra đợt tăng mạnh trên thị trường chứng khoán trong những ngày gần đây.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm tháng thứ năm liên tiếp, trong khi lĩnh vực dịch vụ chững lại rõ rệt trong tháng 9. Điều này cho thấy Bắc Kinh có thể cần hành động khẩn cấp để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2024.
Theo dữ liệu do chiến lược gia Scott Rubner của Goldman Sachs gửi cho khách hàng, các nhà đầu tư tổ chức dài hạn phần lớn đã đứng ngoài cuộc vào tuần trước, trong khi các quỹ đầu cơ đẩy giá cổ phiếu Trung Quốc tăng mạnh để hưởng ứng đợt kích thích kinh tế lớn.
Chuyên gia này cho biết thêm, lượng cổ phiếu Trung Quốc mà các quỹ tương hỗ nắm giữ đã giảm xuống còn 5,1% danh mục đầu tư vào cuối tháng 8, mức thấp nhất trong một thập kỷ.
Niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn biến bất thường.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn cho rằng tình hình đang thay đổi sau khi Bắc Kinh cam kết sẽ đẩy mạnh kích thích kinh tế khi cần thiết để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%. Họ cũng nới lỏng một số hạn chế mua nhà, cắt giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu.
Natasha Ebtehadj chuyên gia tại Artemis Fund Managers cho biết: “Nhiều cổ phiếu ở thị trường chứng khoán Trung Quốc đang khá rẻ. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng tin vào triển vọng của thị trường Trung Quốc. Bởi thị trường bất động sản nước này vẫn chịu áp lực, niềm tin của người tiêu dùng vẫn yếu và căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp diễn”.
Cổ phiếu Trung Quốc đã có mức tăng hàng ngày tốt nhất kể từ năm 2008 vào thứ Hai tuần này, nhưng các nhà đầu tư cảnh báo không nên kỳ vọng nhiều hơn vào những động thái ngắn hạn mạnh mẽ như vậy.
Trong khi đó, George Efstathopoulos, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Fidelity International có trụ sở tại Singapore đánh giá: “Đây là một đợt tăng giá kỹ thuật do thanh khoản thúc đẩy. Có lẽ có rất nhiều quỹ đầu cơ nhảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn”.
Theo Mark Tinker, Giám đốc đầu tư tại Toscafund Hong Kong, các biện pháp mới nhất của Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc có thể sẽ tập trung vào thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng bền vững từ các hộ gia đình thay vì chạy theo tăng trưởng nhanh chóng bằng một đợt bùng nổ bất động sản hoặc hạ tầng khác.
“Tăng trưởng kinh tế 5% sẽ không có ý nghĩa nếu tất cả những gì bạn làm là thúc đẩy việc sử dụng các đòn bẩy không ổn định,” ông nói.