Ngày 4/10, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Hương Giang đã thực hiện giao dịch thỏa thuận 4 triệu cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS), mua từ Công ty Inter-Pacific Securities Sdn Bhd (Malaysia), qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 40,22% lên 53,55% vốn.
Chủ tịch HĐQT SBBS Nguyễn Thị Hương Giang |
Cùng ngày, SBBS thông báo hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, song chỉ có 5 triệu đơn vị được chào bán thành công. Đáng nói, chính Chủ tịch SBBS đã mua vào số lượng cổ phiếu này, qua đó tăng sở hữu lên gần 21,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 60,19% vốn).
Theo kế hoạch ban đầu, SBBS dự định chào bán 20 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm tăng vốn từ 300 tỷ lên 500 tỷ đồng. Số tiền thu về sẽ được sử dụng để bổ sung cho vay giao dịch ký quỹ, bổ sung vốn lưu động cho các nghiệp vụ môi giới và tự doanh.
Trước đó, vào tháng 7/2023, bà Giang đã mua gần 12,1 triệu cổ phiếu SBBS từ Inter-Pacific và một cổ đông cá nhân khác. Bà Giang có nhiều năm kinh nghiệm, từng giữ các vị trí tại VinaCapital và SSI, hiện là nhà sáng lập ứng dụng đầu tư Tititada.
>> Người cũ SSI thâu tóm xong một CTCK, nhân sự 8x của VNDirect tiếp quản hai công ty cùng ngành
Về SBBS, công ty chứng khoán này được thành lập năm 2008. Bên cạnh bà Giang nắm 60,19%, một số cổ đông lớn khác bao gồm: Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa nắm 11,43%, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) nắm 9,43%, và bà Đinh Thị Thu Trang nắm 5,84%.
Theo báo cáo, SBBS đã vượt qua giai đoạn khó khăn với lãi sau thuế gần 3,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, thay vì lỗ 3,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Con số này tạm thời giúp công ty vượt kế hoạch cả năm.
Tuy nhiên, tổng thể bức tranh tài chính của Chứng khoán Saigonbank Berjaya vẫn còn nhiều vấn đề. Tại thời điểm cuối tháng 6/2024 (trước khi tăng vốn), vốn điều lệ của SBBS là 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc lỗ lũy kế tới 266,3 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn chưa đến 46 tỷ. Đáng nói, phần lỗ lũy kế được cấu thành bởi gần 192 tỷ đồng lỗ chưa thực hiện, phát sinh từ danh mục tài sản tài chính ngắn hạn khi công ty đang trích lập dự phòng nợ xấu với số tiền đúng bằng số lỗ chưa ghi nhận.
Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2024 |
Được biết, đây chính là khoản phải thu từ vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, song đã giảm gần 8,8 tỷ đồng so với đầu năm, giúp SBBS chuyển từ lỗ sang lãi trong quý II/2024. Việc đưa khoản phải thu này vào danh mục lỗ chưa ghi nhận cũng đồng nghĩa với nguy cơ SBBS mất trắng số tiền lớn này.
>> ‘Vua môi giới’ VPS mất dần thị phần, biên lợi nhuận siêu mỏng bị SSI, VND, HSC bỏ xa