Mặc dù vậy, thực sự khó tìm kiếm cổ phiếu để đầu tư giai đoạn này. Do đó, nhiều nhà đầu tư (NĐT) có thể sẽ thực hiện chiến lược “lướt sóng” mạnh mẽ và luôn tìm kiếm thông tin để làm căn cứ.
Khó lan tỏa tác động từ Trung Quốc
Tâm điểm TTCK tuần qua có lẽ đều hướng về Trung Quốc khi mà hàng loạt các chỉ số chứng khoán của thị trường này tăng vọt chưa từng có trong lịch sử. Diễn biến này xuất phát từ chính sách kích cầu mới của Trung Quốc sau nhiều năm siết chặt và NĐT tin rằng một chính sách nới lỏng mới với quy mô lớn đã được định hình.
Điều này dường như tác động tích cực tới tâm lý của các NĐT Việt Nam, chỉ số VN-Index cũng tăng mạnh ngày phiên đầu tiên tháng 10, thậm chí có thời điểm vượt qua 1.300 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đã đẩy chỉ số này giảm trở lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là tâm điểm và tạo ra giá trị giao dịch khá lớn.
NĐT thực sự hào hứng với các chính sách mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vừa công bố, và họ có niềm tin rằng Việt Nam sẽ sớm đi theo. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy vì điều kiện của Việt Nam và Trung Quốc là khác nhau.
Thứ nhất, Trung Quốc đã siết lại thị trường bất động sản (BĐS) từ rất lâu, đẩy nhiều mảng kinh doanh khác vào suy thoái. Thứ hai, bản thân nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào vùng nguy hiểm khi tăng trưởng thấp khoảng 4% nên điều này có lẽ là nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc ban hành chính sách nới lỏng tiền tệ.
Ngược lại, Việt Nam lại đang hướng nhiều hơn đến việc quản lý chặt thị trường BĐS sau khi Luật kinh doanh BĐS, Luật nhà ở và Luật Đất đai được ban hành năm 2023. Thậm chí, đã có ý kiến cần xem xét về tăng thuế với căn nhà thứ 2 trở đi. Hơn nữa, Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng trên 6% mặc dù tác động tiêu cực từ cơn bão Yagi vừa qua. Do đó, kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ hay có gói kích thích kinh tế mới là điều rất khó xảy ra.
Kinh tế thế giới ảm đạm
Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm mạnh của kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế khu vực châu Âu có dấu hiệu giảm sút khi mà chỉ số PMI tháng 9 chỉ đạt 48,9 điểm từ mức 51 điểm tháng 8, đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 2 trượt xuống dưới mốc 50 điểm. Kinh tế Đức đang gặp nhiều vấn đề, khi mà hoạt động trong nền kinh tế Đức tháng 9 giảm mạnh nhất 7 tháng, đặt ra nguy cơ tăng trưởng GDP của nước này sẽ giảm quý thứ hai liên tiếp, đồng nghĩa một cuộc suy thoái kỹ thuật.
Ngược lại, ngay sau khi FED giảm lãi suất, nhiều mặt hàng tăng mạnh do NĐT kỳ vọng giá hàng hóa này sẽ tăng. Điều này lại tiếp tục được kích thích thêm nữa với chính sách mạnh mẽ của Trung Quốc vào ngày 28/9 vừa qua. Các mặt hàng sắt thép, đồng … đều đồng loạt tăng lên mức cao, giá thép tăng đến gần 10% trong vài phiên. Tất cả các yếu tố hiện nay đều là bất thường, kinh tế yếu kém khiến dòng tiền chuyển hướng sang đầu cơ.
Một thông tin quan trọng khác nữa mà NĐT cần lưu ý chính là cuộc biểu tình đòi tăng lương của hơn 75.000 công nhân các cảng của nước Mỹ từ 1/10 đang khiến hoạt động xuất nhập khẩu của Mỹ tê liệt. Những yêu cầu của họ đang đặt giới chủ vào thách thức mới và có thể sẽ còn kéo dài. Nếu điều này xảy ra, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, và các đơn hàng có thể bị tác động. Cần lưu ý rằng, do ảnh hưởng của bão Yagi, chỉ số PMI tháng 9 vừa qua đã giảm mạnh xuống 47,5 điểm.
Trong khi đó, xung đột Trung Đông sẽ tăng nhiệt hơn nữa khi Iran chính thức phóng nhiều tên lửa vào Israel sau khi nước này tấn công Liban đêm 1/10. Chắc chắn khi xung đột nổ ra rộng lớn hơn thì giá nhiều nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng, trong đó giá dầu có thể sẽ tăng mạnh, càng tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
Tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi
Quay trở lại TTCK Việt Nam, VN-Index đã quay lại mốc 1.300 điểm, thậm chí có thời điểm vượt qua mức này. Động lực tăng lần này không thể không nhắc đến cổ phiếu nhóm ngân hàng với mức tăng khoảng 10-15% như ACB, STB… Khá nhiều NĐT đặt niềm tin vào nhịp tăng lần này sẽ giúp VN-Index lên 1.350 điểm, xa rời hẳn mốc 1.300 điểm.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, NĐT cần lưu ý rằng trong 3 – 4 phiên gần nhất, giá cổ phiếu ngân hàng đã chững lại và câu hỏi đặt ra liệu KQKD quý 3 có là động lực để nhóm này tăng tiếp hay không? Hơn nữa, dư địa để nhóm này tăng là không còn nhiều, có nghĩa giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã sát với định giá mà nhiều công ty chứng khoán đã khuyến nghị.
Vì thế, để VN-Index bứt phá được có lẽ rất cần 1 yếu tố có tính tác động lớn tới thị trường, giải tỏa dòng tiền như các biện pháp kích của Trung Quốc thực hiện nhưng điều này là rất khó xảy ra. Trong khi đó, nhiều yếu tố bất lợi vẫn tiếp tục diễn ra, thậm chí TTCK Trung Quốc cũng có thể sớm điều chỉnh sau nhịp tăng quá nóng hiên nay. Áp lực bán này sẽ khiến VN-Index một lần nữa không thể chinh phục được mốc 1.300 lần thứ 5.
Dù TTCK năm 2024 gặp áp lực điều chỉnh cũng như sức ép bán từ khối ngoại, nhưng VN-Index vẫn duy trì khá vững trong vùng 1.200 – 1.300 điểm. Tháng 10 là mùa báo cáo KQKD quý 3 nên VN-Index có thể tiếp tục đi ngang vùng 1.250-1.300 điểm. Điểm nhấn đầu tư sẽ tùy thuộc vào biến động của giá hàng hóa trên thế giới, bởi nó có tác động tích cực đến KQKD của các doanh nghiệp niêm yết.
Source link