Chi tiết

CTCK gọi tên 5 cổ phiếu tiềm năng cho tháng 10, 1 nhóm ngành kỳ vọng bứt phá

Tại báo cáo danh mục khuyến nghị tháng 10/2024, Chứng khoán Agriseco (AGR) đánh giá có 3 yếu tố tác động đến thị trường trong giai đoạn tới, bao gồm:

(1) Các chính sách tiền tệ, hỗ trợ các doanh nghiệp đang được triển khai và thẩm thấu vào nền kinh tế;

(2) Kết quả kinh doanh (KQKD) quý III/2024 của các doanh nghiệp dần được hé lộ;

(3) Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC, là bước tiến gần hơn để TTCK Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell.

Từ đó, AGR ưu tiên lựa chọn những cổ phiếu tiềm năng trong tháng 10 tập trung vào KQKD tăng trưởng tốt, ưu tiên những doanh nghiệp đầu ngành.

CTCK gọi tên 5 cổ phiếu tiềm năng cho tháng 10, 1 nhóm ngành kỳ vọng bứt phá
Nguồn: AGR

BID: Giá mục tiêu 55.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 11%

Tăng trưởng tín dụng kỳ vọng được đẩy mạnh: BID được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt room tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 14%.

Tính đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng của BID đạt 5,9% so với đầu năm 2023. Như vậy, dư địa tín dụng của BID cuối năm nay là còn rất lớn (ước tính 8%), AGR kỳ vọng BID sẽ tăng cường giải ngân trong các tháng cuối năm và sử dụng được hết hạn mức tăng trưởng, trong đó tập trung tăng tỷ trọng phân khúc bán lẻ (chiếm 45%).

Ngân hàng cũng hưởng lợi từ việc Nhà nước chú trọng đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng tốc kinh tế phục hồi. Trong trung và dài hạn, chiến lược trọng tâm tập trung phát triển mảng khách hàng cá nhân cũng được kỳ vọng hỗ trợ tỷ lệ NIM cải thiện.

Chất lượng tài sản ổn định với bộ đệm dự phòng lớn. BID vẫn giữ vững được chất lượng tài sản có tỷ trọng cho vay thấp đối với lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

AGR kỳ vọng chất lượng tài sản của BID tiếp tục được cải thiện trong nửa cuối năm nhờ: (i) nền kinh tế ấm dần lên với sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng cuối năm; (ii) tỷ lệ nợ nhóm 2/tổng dư nợ đã giảm trong quý II, sẽ giảm bớt áp lực tăng nợ xấu vào nửa cuối năm.

VPB: Giá mục tiêu 23.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 16%

Lợi nhuận trước thuế quý II ước tính sẽ phục hồi mạnh so với mức nền thấp cùng kỳ năm trước (ước tính tăng 30% svck) nhờ:

(1) VPB tiếp tục đẩy mạnh tín dụng trong các tháng cuối năm trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc;

(2) Thu nhập lãi thuần được kỳ vọng là động lực chính hỗ trợ thu nhập hoạt động tăng trưởng trong 9 tháng năm 2024 trên nền thấp so với cùng kỳ năm 2023.



Tiềm năng mở rộng tỷ lệ NIM trong nửa cuối năm 2024. AGR đánh giá xu hướng tăng lãi suất tiền gửi trong những tháng gần đây không tác động nhiều đến NIM trong khi tỷ lệ CASA cũng cho thấy xu hướng hồi phục lên mức 17,5% (tại ngày 30/6) so với 14% trong quý trước.

Chất lượng tài sản kỳ vọng tiếp tục cải thiện: Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của VPB năm 2024 dự báo giảm so với năm 2023 nhờ: (1) mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp; (2) thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục và kỳ vọng tiếp tục cải thiện trong cuối năm; (3) chính sách tái cơ cấu danh mục cho vay (FE Credit) với chất lượng khách hàng cao hơn sẽ giúp nợ xấu giảm.

DBC: Giá mục tiêu 35.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 19%

Diễn biến giá lợn và giá thức ăn chăn nuôi (TACN) hỗ trợ hoạt động kinh doanh: Giá lợn tăng mạnh và hiện đang ở mức 65.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 15% svck. Nguyên nhân do tình trạng hụt cung bởi làn sóng bán tháo từ đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi khá nghiêm trọng giai đoạn cuối năm 2023, cùng với nhu cầu tăng cao. Về giá TACN, giá các nguyên liệu như lúa mỳ, ngô, ngũ cốc giảm sâu giúp DBC tiết giảm được chi phí đầu vào.

Hưởng lợi từ luật chăn nuôi và chiếm thị phần từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ: Theo quy định, đến ngày 1/1/2025 các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép sẽ phải di dời, điều này khiến nhiều hộ sẽ phải treo chuồng, ảnh hưởng tới nguồn cung và càng thúc đẩy xu hướng thị phần từ nhỏ lẻ chuyển sang các doanh nghiệp lớn hoàn thiện chuỗi giá trị.

Mở rộng công suất đón đầu xu thế trong giai đoạn tới: DBC đã đầu tư tăng công suất với các dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn như dự án chăn nuôi Thanh Hóa (công suất: 5.600 lợn nái, 77.400 lợn thương phẩm); dự án lợn giống Phú Thọ – giai đoạn 3 (công suất: 4.800 lợn nái, hơn 70.000 lợn thương phẩm). Tổng công suất 2 dự án tăng khoảng 25% so với trước đó.

Cập nhật tiến độ dự án vắc xin Dacovac-ASF2 phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF): DBC đã triển khai xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin với công suất 200 triệu liều/năm và đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Doanh nghiệp dự kiến sẽ hoàn tất kiểm nghiệm và đánh giá GMP để hướng đến mục tiêu thương mại hóa giai đoạn tới. Đây kỳ vọng sẽ là mảng đem lại biên lợi nhuận cao cho DBC.

NKG: Giá mục tiêu 25.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 13%

AGR kỳ vọng KQKD của NKG sẽ tăng trưởng ổn định trong các tháng cuối năm nhờ: (1) thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Nam Kim (chiếm 70% tỷ trọng doanh thu xuất khẩu) tiếp tục tăng trưởng nhờ xu hướng giảm lãi suất kích thích nhu cầu từ ngành xây dựng và sản xuất ô tô; (2) thị trường xây dựng trong nước sôi động hơn nhờ các bộ Luật Bất động sản có hiệu lực từ tháng 8/2024 và nhu cầu kiến thiết cơ sở hạ tầng sau bão Yagi giúp nhu cầu tôn mạ nội địa gia tăng.

Hưởng lợi từ biện pháp chống bán phá giá nếu vụ việc AD19 được áp dụng: Ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương ban hành quyết định điều tra chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. AGR kỳ vọng biện pháp chống bán phá giá tạm thời được áp dụng vào khoảng cuối năm 2024 giúp sản lượng nội địa của NKG cải thiện.

Hưởng lợi từ biện pháp hỗ trợ thị trường Bất động sản tại Trung Quốc: Giá thép HRC là nguyên vật liệu đầu vào của tôn mạ đã tăng khoảng 7% sau khi Trung Quốc tung ra loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nới lỏng lệnh hạn chế mua nhà giúp gia tăng triển vọng nhu cầu sử dụng thép tại quốc gia này.

AGR kỳ vọng giá thép Trung Quốc có thể hồi phục vào cuối năm trong bối cảnh các nhà máy cắt giảm sản lượng. NKG được hưởng lợi nhờ hàng tồn kho giá rẻ trong quý III đồng thời thép Trung Quốc tăng giá làm giảm áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung.

PLX: Giá mục tiêu 50.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 12%

Hưởng lợi từ nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu gia tăng nhờ xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Với nhiều tín hiệu khả quan từ số liệu kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm, AGR cho rằng PLX sẽ được hưởng lợi khi: (1) hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước phục hồi giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ xăng dầu khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao; (2) tầng lớp trung lưu được dự báo tăng nhanh, qua đó đẩy mạnh xu hướng chuyển dịch từ xe máy sang ô tô, kích thích nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu mạnh hơn.

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ. Tại dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công thương đề xuất để các đơn vị kinh doanh xăng dầu tự quyết định giá bán lẻ cũng như điều chỉnh chi phí kinh doanh cố định và lợi nhuận định mức. Với lợi thế thương hiệu và quy mô của tập đoàn phân phối xăng dầu đầu ngành, PLX có thể được hưởng lợi nhờ lợi thế đàm phán với các đối tác để có giá vốn tốt nhất, từ đó xây dựng được hệ thống giá bán xăng dầu cạnh tranh so với mức giá trung bình, hỗ trợ gia tăng thị phần trong nước và cải thiện doanh thu.

Đóng góp doanh thu từ mảng hóa dầu dự kiến gia tăng nhờ thúc đẩy giải ngân đầu tư công vào cơ sở hạ tầng. Với quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ trong quý IV để hoàn thành kế hoạch đề ra, các dự án hạ tầng lớn đang được tăng tốc triển khai để kịp tiến độ. Việc thực hiện các dự án đường cao tốc, hệ thống sân bay đòi hỏi nhu cầu nhựa đường lớn, kỳ vọng giúp tăng sản lượng bán nhựa đường và hỗ trợ cải thiện doanh thu của PLX.

>> Đèo Cả: Hạng mục quan trọng thuộc dự án 20.400 tỷ đồng lớn nhất cao tốc Bắc – Nam sắp hoàn thành



Source link