Chi tiết

Đón dòng vốn đầu tư nước ngoài

fdi 2
FED cắt giảm lãi suất có thể sẽ đẩy dòng vốn đầu tư quốc tế vào các thị trường mới nổi. (Biểu đồ: Top những đối tác đầu tư FDI vào Việt Nam lớn nhất 8 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Hạ An tổng hợp từ TCTK)

Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn còn quan ngại về rủi ro địa chính trị và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Lịch sử ủng hộ Đông Nam Á

Trong quá khứ, một số thị trường mới nổi ở châu Á đã được tiếp thêm động lực tài chính mạnh mẽ sau các đợt hạ lãi suất ở Mỹ năm 2001 và 2008. Trong đó, năm 2010, Ấn Độ chứng kiến khoảng 18 tỷ USD rót vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu, bất chấp cả thế giới vừa lao đao sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Với ngành công nghệ và tài chính được ưu ái, quốc gia Nam Á đã vươn mình trở thành một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới.

“Lãi suất thấp hơn ở thị trường tài chính phát triển như Mỹ thường khuyến khích các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở các thị trường rủi ro hơn,” ông Gabriela Santos, chiến lược gia thị trường toàn cầu của JP Morgan cho biết.

Indonesia cũng đặc biệt thành công trong việc thu hút vốn nước ngoài vào trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2016–2018. Trùng hợp thay, đây cũng là giai đoạn khi FED bắt đầu giảm lãi suất sau khủng hoảng. Dòng vốn đầu tư trái phiếu chính phủ cao kỷ lục giúp quốc gia này có thêm tiền đầu tư cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, sân bay, và các dự án năng lượng.

Về mặt lý thuyết, lãi suất thấp hơn sẽ khiến các doanh nghiệp ở Mỹ có xu hướng đầu tư ra bên ngoài nhiều hơn, đặc biệt là các thị trường mới nổi có nhiều cơ hội như châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.
Nghiên cứu của JP Morgan chỉ ra, kể từ năm 1988 cổ phiếu của các thị trường mới nổi đã mang lại hiệu suất sinh lời tích cực sau 2 năm. Mức sinh lời trung bình ổn định ở mức 29%, vượt trội hơn các thị trường phát triển trung bình ở mức 17%.

Ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành Hội đồng doanh nghiệp EU – ASEAN, cho rằng: “Cần lưu ý dòng vốn FDI từ châu Âu vào ASEAN đạt gần 30 tỷ USD trong năm 2023 và đã duy trì ở mức độ tương tự trong vài năm qua. Không có lý do nào cho rằng mức này sẽ giảm trong ngắn hạn.”

Việt Nam có quyền kỳ vọng?

Trong bối cảnh nói trên, ông Andreas Vogelsanger, CEO Asia Frontier Capital (Vietnam), cho rằng dòng vốn quốc tế sẽ chọn lọc các thị trường có nhiều tiềm năng tăng trưởng, như Việt Nam… “Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức cao hơn (mức 6,1% do World Bank dự báo), với động lực sẽ tới từ hoạt động thu thuế hiệu quả hơn, đầu tư công và chi tiêu đang hồi phục,” ông Andreas Vogelsanger cho biết.

Chu kỳ nới lỏng tiền tệ của Mỹ trong lịch sử thường thúc đẩy việc phát hành Eurobond – một công cụ nợ quốc tế do các quốc gia phát hành bằng ngoại tệ – và hồi sinh dòng vốn vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Một tín hiệu rất tích cực khác cũng đang dần xuất hiện. Việt Nam có nhiều triển vọng được FTSE nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, hứa hẹn sẽ thu hút được dòng vốn khổng lồ từ bên ngoài.

chng-khoan.jpeg
MSCI và FTSE Russell ước tính việc nâng hạng thị trường có thể giúp Việt Nam thu hút thêm 25 tỷ USD vốn đầu tư tới năm 2030.

“Bộ Tài chính Việt Nam vừa ban hành thông tư cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần ký quỹ 100% khi giao dịch mua cổ phiếu. Điều này có thể giúp FTSE nâng cấp Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Dù điều này không xảy ra trong năm nay, nhưng có vẻ như nó sẽ xảy ra vào năm tới”, ông Andreas Vogelsanger nhận định.

MSCI và FTSE Russell ước tính việc nâng hạng thị trường có thể giúp Việt Nam thu hút thêm 25 tỷ USD vốn đầu tư tới năm 2030. Con số này vẫn chỉ là phần nhỏ so với tổng cộng hơn 1,3 nghìn tỷ USD tài sản đang được quản lý dựa trên chỉ số MSCI Emerging Markets.

Chưa thể sớm vui mừng

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, quy mô dòng vốn trong thời kỳ nới lỏng tiền tệ duy trì ở mức độ nào còn phụ thuộc vào sự hấp dẫn của từng thị trường.

“Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên cạnh tranh ở ASEAN. Những quốc gia có hệ thống minh bạch và dễ tiếp cận thị trường, với mức độ quan liêu thấp, sẽ có nhiều khả năng thành công hơn. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ quan trọng,” ông Chris Humphrey chia sẻ.

Hiệu suất đầu tư của khu vực ASEAN phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế toàn cầu, niềm tin của nhà đầu tư và sự ổn định chính trị tại các quốc gia. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nguy cơ từ căng thẳng địa chính trị hay chủ nghĩa bảo hộ gia tăng vẫn đang rình rập.

“Vẫn có nhiều vấn đề vào lúc này nếu nhìn vào rủi ro địa chính trị rất cao trên toàn cầu. Và tất nhiên, điều này khiến nhiều nhà đầu tư trên thế giới lo lắng”, ông Andreas Vogelsanger nhấn mạnh, nhưng ông vẫn lạc quan về cơ hội của Việt Nam.

Ngoài ra, không thể bỏ qua kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra, nơi sẽ quyết định phần lớn chính sách thương mại và đầu tư của đối tác xuất khẩu lớn nhất của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

“Cổ phiếu ở các nền kinh tế đang phát triển đang đối mặt với rủi ro nghiêm trọng trước cuộc bầu cử Mỹ. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với các chính sách thương mại của Mỹ trong tương lai khi cả hai đảng dự kiến sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc,” bà Vivie Wei, Giám đốc quốc gia Việt Nam của Dezan Shira & Associates nhận định.

Nguồn