Chi tiết

Thị phần VNDirect rơi xuống đáy 20 quý

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi được 3/4 quãng đường năm 2024. Ảnh Trọng Hiếu.

Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố Bảng xếp hạng thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm quý III/2024.

Theo đó, Chứng khoán VPS tiếp tục giữ ngôi vị đầu bảng với tỷ lệ áp đảo 17,63% (giảm nhẹ 0,5% so với quý trước). Trong nửa đầu năm nay, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán của VPS đạt 1.854 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ.

Đứng thứ 2 về thị phần là SSI với tỷ lệ 8,84%. 6 tháng đầu năm nay công ty này thu về 1.008 tỷ đồng từ mảng nghiệp vụ môi giới, tăng 70% so với cùng kỳ. Theo sau là TCBS với tỷ lệ 7,09%.

Đáng chú ý, quý III/2024 ghi nhận thị phần Chứng khoán VietCap tăng vọt, lên 6,78% so với mức 5,32% quý trước. Đây là thị phần cao nhất kể từ quý I/2021 của Vietcap, nhưng vẫn còn cách xa so với thời kỷ đỉnh cao thị phần trên 10% giai đoạn 2018-2019.

Xếp vị trí thứ 5, 6 lần lượt là HSC và VNDirect. Trong đó, VNDirect bất ngờ thu hẹp thị phần, giảm từ 6,46% xuống 5,7%-mức thấp nhất kể từ quý IV/2019.

Trước đó vào ngày 25/3, thị trường chứng khoán rúng động trước thông tin VNDirect bị hacker tấn công. Sự việc hết sức nghiêm trọng khi phải 1 tuần sau đó công ty mới có thể mở lại hệ thống cho nhà đầu tư giao dịch. Điều này không chỉ làm chậm trễ kế hoạch giao dịch tổn thất cho nhà đầu tư mà VNDirect còn đối diện với khủng hoảng niềm tin, mất khách hàng vào tay các công ty chứng khoán khác.

Xếp vị trí thứ 7, thị phần MBS giảm quý thứ 4 liên tiếp, xuống còn 4,69%. Trong khi đó Mirae Asset ổn định quanh mức 4,5%, đứng vị trí thứ 8.

Tại nhóm cuối bảng xếp hạng, FPTS kỳ này quay lại top 10 thị phần với 2,97% còn Chứng khoán KIS Việt Nam đạt thị phần 2,96%, tăng nhẹ so với mức 2,87% quý liền trước.

Ở thông tin đáng chú khác, theo số liệu mới nhất từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), trong tháng 9, số lượng tài khoản mở mới là 158.504 đơn vị, giảm một nửa so với tháng 8. Như vậy, tổng lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong và ngoài nước tại thời điểm cuối tháng 9 là hơn 8,86 triệu, tương đương 8,9% dân số Việt Nam.

Trong báo cáo mới đây, SSI Research cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi được 3/4 quãng đường năm 2024. Dù có không ít biến động nhưng thị trường vẫn giữ được xu hướng tích cực, thanh khoản cao và chỉ số “chực chờ” vượt đỉnh.

Theo đó, VN-Index kết thúc tháng 9/2024 ở mức 1.287,94 điểm tăng nhẹ 0,32% so với tháng 8/2024.

Dù trải qua 2 nhịp biến động trong tháng 8 và 9 nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sự chuyển động tích cực trong quý III. Chỉ số VN-Index tăng 3,4% trong quý, nhờ động lực mạnh trở lại của nhóm vốn hóa lớn với mức tăng 5,8% trên chỉ số VN30.

Cổ phiếu các nhóm chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ diễn biến tốt nhất trong quý giúp các chỉ số ngành tài chính (+8,4%), tiêu dùng không thiết yếu (+4,6%) tăng tốt hơn mặt bằng chung.

Thanh khoản thị trường trong quý III có phần sụt giảm. Tổng GTGD bình quân trên TTCK đạt 18,5 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 25,2 nghìn tỷ đồng/phiên ở quý II liền trước.

Khối ngoại chậm lại đà bán ròng trong quý III, với giá trị bán ròng ghi nhận 14,2 nghìn tỷ đồng thấp hơn rất nhiều so với mức 41 nghìn tỷ đồng ở quý trước. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trên thị trường tăng lên bình quân 10,9% trong quý và cải thiện đáng kể so với mức chỉ 8,9% trong 2 quý đầu năm.



Nguồn