Cảng cá có nhiều cái “không”
Dự án cầu cảng cá sông Trà Bồng do Ban Quản lý Khu kinh tế Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, được phê duyệt từ tháng 9/2008 và điều chỉnh, bổ sung tháng 7/2009. Dự án khởi công năm 2010, hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2013 với tổng mức đầu tư khoảng 185 tỷ đồng.
Dự án với mục tiêu phục vụ các hộ ngư nghiệp tái định cư và người dân trong vùng dự án, bảo đảm hoạt động nghề cá ổn định, lâu dài và làm nơi neo đậu tàu thuyền tránh thiên tai…
Công trình có các hạng mục như: khu tái định cư; bến dài 128m, bến 90m; kè bảo vệ bờ dài 1,4km; san lấp mặt bằng với diện tích gần 18.000m2; nạo vét vũng bốc xếp trước bến và quay trở tàu đảm bảo cho tàu có chiều dài 15m cập cảng; công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cảng cá…
Thế nhưng, sau hơn 12 năm đưa vào hoạt động, cảng cá này tồn tại nhiều cái “không”, như: Không có diện tích vùng nước cảng; không đảm bảo diện tích vùng đất cảng; không đảm bảo độ sâu luồng và vùng nước trước cầu cảng để tàu cá có chiều dài 15m trở lên ra vào; không có nhà làm việc; không hệ thống phòng cháy chữa cháy… Đặc biệt là không có lượng hàng thủy sản qua cảng (0 tấn/năm so với quy định là 15.000 tấn/năm).
Theo ghi nhận, ở khu vực cầu cảng chỉ neo đậu lác đác một số tàu thuyền công suất nhỏ và một số thuyền thúng của ngư dân; tình trạng vắng vẻ, không có tàu thuyền ra vào. Trong khi đó, dấu hiệu xuống cấp của cầu cảng cũng bắt đầu xuất hiện.
Ngư dân Huỳnh Vương (trú xã Bình Thạnh) cho biết, muốn hưởng chính sách và truy xuất nguồn gốc thủy sản, tàu cá ngư dân hoạt động ngoài khơi ở đây phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí đi lại. Đặc biệt, đến mùa mưa bão bà con phải neo đậu tạm bợ dọc sông Trà Bồng rất nguy hiểm.
“Nếu cảng hoạt động hiệu quả bà con không phải khổ sở vậy. Hiện tại chỉ có vài tàu nhỏ neo đậu, cầu cảng cũng đã xuống cấp”, ông Vương nói.
Muốn hoạt động phải đầu tư thêm 100 tỷ đồng
Theo tìm hiểu, sau nhiều năm xây dựng và đưa vào vận hành nhưng không hiệu quả, năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi giao bến cảng này cho Công ty TNHH Thiên Phú (đơn vị trúng đấu giá khu hậu cần cảng cá sông Trà Bồng) quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng với tổng diện tích 0,97ha.
Tuy nhiên, qua kiểm ra, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ ra việc giao công trình hạ tầng được đầu tư từ ngân sách cho doanh nghiệp tư nhân là không đúng so với Nghị định 151 về quản lý sử dụng tài sản công.
Do đó, tháng 8/2020, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi ra quyết định thu hồi lại các hạng mục công trình xây dựng đã tạm bàn giao cho Công ty TNHH Thiên Phú.
Mới đây, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao cầu cảng cá sông Trà Bồng cho Sở NN&PTNT và trực tiếp là Ban quản lý cảng cá tỉnh vận hành, khai thác.
Đồng thời, đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp Quảng Ngãi khẩn trương bàn giao dự án cầu cảng cá sông Trà Bồng cho Sở NN&PTNT quản lý trước ngày 1/11/2024.
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, lập các thủ tục đầu tư nâng cấp công trình cầu cảng cá sông Trà Bồng đạt các tiêu chí cảng cá loại III theo quy định của Luật Thủy sản. Nghiên cứu phương án biến cảng cá sông Trà Bồng thành cảng vệ tinh của cảng cá Sa Cần để phục vụ ngư dân trước mắt và lâu dài.
Đặc biệt, rà soát các nội dung có liên quan để đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét đầu tư xây dựng cảng cá Sa Cần nhằm phát huy lợi thế của sông Trà Bồng, hình thành cảng cá phục vụ ngư dân trong vùng gắn với khu neo trú tàu thuyền, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn KKT Dung Quất.
“Trên cơ sở đề xuất của Sở NN&PTNT, giao Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2026-2030 và ưu tiên triển khai trong năm 2026, làm cơ sở để triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định”, ông Hiền yêu cầu.
Lãnh đạo Ban quản lý cảng cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết, UBND tỉnh giao nhiệm vụ nhưng không biết khai thác thế nào. Bởi thực tế chỉ có cầu cảng, còn lại không có diện tích mặt nước, kho bãi, nhà phân loại cá…
Trước mắt muốn vận hành phải nạo vét, phá đá ngầm thông luồng để tàu cập cầu cảng được. Tiếp theo đó là hàng loạt hạng mục cần phải đầu tư để đáp ứng tiêu chí cảng loại 3 như Luật Thủy sản 2017 quy định. Qua rà soát cần hơn 100 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện cầu cảng.