Sản xuất, tiêu thụ thiếu tính bền vững
Theo UBND tỉnh Bình Định, hiện, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh này gồm: lúa, ớt, lạc, sắn, dừa, bưởi, xoài. Trong đó, một số sản phẩm có tiềm năng phát triển thành hàng hóa tập trung hướng tới xuất khẩu như ớt, bưởi, dừa, xoài.
Trong 9 tháng năm 2024, diện tích trồng rau các loại (chủ yếu là ớt) đạt hơn 10.745ha, năng suất 208.718,2 tấn; diện tích trồng bưởi hơn 725 ha, năng suất 882,3 tấn; diện tích trồng dừa hơn 9.258 ha, năng suất 91.452,6 tấn; diện tích trồng xoài đạt 992,6 ha, năng suất 4.785,2 tấn…
Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh này vẫn thiếu tính bền vững, còn tình trạng được mùa mất giá, chi phí đầu vào sản xuất có lúc còn cao, chưa hình thành nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối.
Tại Hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định diễn ra vào ngày 8/10, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinanutrifood Bình Định nhìn nhận, Bình Định chưa xác định được cây chủ đạo của địa phương.
Theo bà Hằng, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, 63 tỉnh, thành đều làm nông nghiệp. Vì vậy, nếu Bình Định không có sự khác biệt sẽ không thu hút được nhà đầu tư, không thu hút được đối tác thu mua.
“Đối với Bình Định, dừa là loại nông sản mà địa phương nên tập trung. Trung Quốc đang thiếu 21 triệu tỷ quả dừa. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ trồng dừa duy nhất ở đảo Hải Nam nhưng sản lượng rất nhỏ, còn dừa Bình Định rất ngon. Nhiều chuyên gia đánh giá, dừa xiêm Tam Quan Bình Định là ngon nhất Việt Nam”, bà Hằng chia sẻ.
Còn bà Trần Thị Thủy, đại diện Công ty TNHH Khoáng sản Hữu Bích cho hay, sản phẩm nông nghiệp ở Bình Định khó khăn nhất là ở đầu ra và chất lượng sản phẩm; đồng thời, vùng nguyên liệu của địa phương này vẫn còn nhỏ lẻ.
“Doanh nghiệp muốn sản xuất bền vững phải có vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu cũng phải đảm bảo về chất lượng, tiêu chuẩn thì sản phẩm mới có thể xuất khẩu”, bà Thủy thông tin.
Mời gọi doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến
Hiện, Công ty CP Vinanutrifood Bình Định đã đầu tư dự án Khu sản xuất, chế biến nông, lâm sản tập trung (tại huyện Tây Sơn) với diện tích 10ha, tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng.
“Các nhà máy của chúng tôi tại Hà Nội chỉ bao tiêu 1-2 nguồn nguyên liệu thôi. Nhưng nhà máy tại Bình Định là nơi chúng tôi bao tiêu rất đa dạng từ trái cây đến các sản phẩm như rau, củ”, bà Hằng bật mí.
Cũng theo Tổng Giám đốc Công ty CP Vinanutrifood Bình Định, khi đầu tư dự án vào Bình Định, doanh nghiệp xác định đây là khoản “đầu tư mạo hiểm”, bởi, đây là dự án rất lớn nhưng sản lượng thu mua rất nhỏ.
Dự kiến khi đi vào hoạt động, dự án nhà máy của Công ty CP Vinanutrifood Bình Định có thể chế biến 5 tấn ớt/ngày để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Chế biến quả xào với tổng sản lượng 5.553 tấn/năm, khoảng 200 tấn xào chín/ngày. Đối với dừa tươi cắt kim cương có công suất 20.000 trái/ngày, dừa sọ là 30.000 trái/ngày và dừa cùi là 20.000 trái/ngày.
“Đối với sản phẩm muối của Bình Định, chúng tôi sẽ tập trung vào làm muối thảo dược. Vừa rồi chúng tôi làm việc với đối tác Hàn Quốc và có các đơn hàng như: kem đánh răng bằng muối thảo dược, nước súc miệng bằng muối thảo dược…”, bà Hằng nói thêm.
Còn bà Thủy thông tin, tại Bình Định, doanh nghiệp đã đầu tư có nhà máy chế biến nông sản, trong giai đoạn 1, nhà máy này chủ yếu làm ớt muối.
“Qua khảo sát về chất lượng, cây ớt của Bình Định có chất lượng rất tốt, khách hàng mong muốn tiêu thụ sản phẩm ớt của tỉnh. Doanh nghiệp đặt mục tiêu tiêu thụ mỗi năm từ 6.000-10.000 ớt từ nay đến năm 2027. Riêng năm nay, chúng tôi có nhu cầu 6.000 tấn ớt”, bà Thủy chia sẻ thêm.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cam kết, sẽ hỗ trợ thương nhân, doanh nghiệp và nông dân trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu chính quyền các địa phương cần xác định rõ các sản phẩm chủ lực dựa trên điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của từng vùng và tập trung tổ chức sản xuất theo vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo đủ tiêu chuẩn và quy mô sản lượng để cung cấp cho các nhà máy chế biến.
Đồng thời, Chủ tịch Bình Định cũng lưu ý người dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất phải thay đổi căn bản cách làm, tuân thủ các quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Chúng tôi sẽ tập trung mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các nhà máy chế biến. Khi có nhà máy chế biến sẽ giúp bà con nhìn thấy lợi ích, yên tâm tiêu thụ sản phẩm”, ông Tuấn nói.