Chi tiết

Hàng không đón gió thuận chiều

 

Hàng không đón gió thuận chiều

Cổ phiếu hàng không trở nên nóng sốt và thu hút ánh nhìn của giới đầu tư trong thời gian gần đây. Đằng sau đó là một nền tảng đang dần hồi phục trước triển vọng có vẻ tươi sáng dành cho ngành hàng không, với điểm nhấn ở thị trường quốc tế.

Sau chuỗi ngày dài  chịu hậu quả của đại dịch COVID-19 cùng với giá nhiên liệu leo thang, ngành hàng không cuối cùng cũng thấy “ánh sáng” phía cuối đường hầm.

Theo số liệu từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV), sản lượng hành khách quý 1 đạt gần 28 triệu lượt, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hành khách quốc tế đạt gần 10.5 triệu lượt khác, tăng 47.2% so với cùng kỳ.

Điểm đáng chú ý nhất là sự trở lại mạnh mẽ của sản lượng hành khách quốc tế về mức trước dịch trong tháng 4/2024. Trong bối cảnh này, nhiều hãng hàng không cũng cắt giảm tần suất bay nội địa để chuyển sang tuyến quốc tế, mà người trong ngành cho biết mang lại biên lợi nhuận cao hơn nhiều.

Với các hãng hàng không, họ còn hưởng lợi từ việc giá vé tăng mạnh từ đầu năm 2024.

Hãng bay đua nhau báo lãi, bất ngờ nằm ở Vietnam Airlines

Bất ngờ lớn nhất thuộc về Vietnam Airlines. Sau 16 quý lỗ liên tiếp, hãng hàng không quốc gia trở lại mạnh mẽ với khoản lãi kỷ lục 4,300 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự cải thiện về hoạt động kinh doanh và được xóa nợ ở công ty con Pacific Airlines theo thỏa thuận trả máy bay.

Vietnam Airlines ghi nhận bước nhảy vọt trong hoạt động kinh doanh giữa lúc thị trường hàng không thiếu máy bay, nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết lớn đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao, trong khi Bamboo Airways lại thu hẹp đội bay. Tính tới đầu tháng 5/2024, giá vé trung bình của các tuyến bay nội địa phần lớn đều tăng hơn 10%.

Sự trở lại của các tuyến bay quốc tế cũng góp công vào bức tranh kinh doanh tích cực của Vietnam Airlines. Trong quý 1/2024, các chuyến bay quốc tế đóng góp 65% vào tổng doanh thu vận tải hàng không.

Tương tự, hãng hàng không Vietjet cũng chứng kiến hoạt động kinh doanh hồi phục đáng kể và ghi nhận lãi ròng hơn 500 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Hãng hàng không với màu đỏ biểu tượng đang cấp tập mở rộng mạng lưới bay quốc tế của mình.

Trong khi đó, Vietravel Airlines – hãng bay trẻ nhất ngành hàng không Việt – tăng 40% doanh thu trong quý đầu năm nay, trên 490 tỷ đồng. Hãng này có 3 tàu bay khai thác trên các chặng nội địa, 2 đường bay quốc tế thường lệ và một số chuyến charter nước ngoài. Nguồn thu tăng mạnh giúp công ty lần đầu có lợi nhuận ròng trong ba tháng liền (khoảng 10 tỷ đồng) kể từ 2021 – thời điểm bắt đầu hoạt động.

Chỉ riêng Bamboo Airways vẫn còn đang bận rộn giải quyết các vấn đề về tình hình tài chính của mình.

Kết quả kinh doanh quý 1/2024 của các công ty hàng không

Đvt: Tỷ đồng

Sự sôi động ở các sân bay cũng mang lại lợi ích cực lớn cho các công ty cung cấp dịch vụ hàng không.

Hưởng lợi nhiều nhất rõ ràng là ông trùm vận hành sân bay Việt Nam, ACV. Trong quý 1, ACV báo lãi ỷ lục hơn 2,900 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ. Ngành hàng không hồi phục, mức biên lợi nhuận cao ngất ngưỡng, cùng với khoản lãi từ hoạt động tài chính là những lý do chính góp phần vào bức tranh kinh doanh tích cực của ông trùm sân bay Việt.

Công ty Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE: SCS) lãi tăng 30% lên 147 tỷ đồng, Công ty Suất ăn hàng không Nội Bài (UPCoM: NCS) tăng 44%, Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (HNX: MAS) gấp 9.5 lần…

Với bức tranh kinh doanh khởi sắc cùng với triển vọng tích cực, cổ phiếu ngành hàng không nổi bật với các mức tăng giá ấn tượng. Nhà đầu tư có thể lãi lớn nếu nắm giữ cổ phiếu hàng không từ những tháng đầu năm.

Từ đầu năm 2024, các cổ phiếu HVN (tăng gần 80%), ACV (tăng gần 50%), SCS (tăng 40%) dẫn đầu cơn sốt cổ phiếu ngành hàng không, ngay lúc những thông tin tích cực về sản lượng khách quốc tế và kết quả kinh doanh tích cực được đưa ra.

 

Diễn biến của các cổ phiếu hàng không

Nguồn: VietstockFinance

 

Thêm 1 quý sáng cửa?

Nhìn về phía trước, các doanh nghiệp hàng không nhiều khả năng vẫn ghi nhận lợi nhuận tích cực trong bối cảnh nhu cầu vẫn tiếp tục tăng và khách quốc tế ngày càng đến Việt Nam nhiều hơn.

Tuy vậy, không phải mọi thứ đều màu hồng. Nhiều ông lớn hàng không Việt vẫn còn “ốm yếu” về tài chính, trong khi tình trạng thiếu hụt tàu bay vẫn ngày càng trầm trọng hơn.

Trong báo cáo gần đây của Cục Hàng không Việt Nam, đến ngày 2/5, tổng số tàu bay của các hãng là 199 chiếc, giảm 32 tàu bay so với năm 2023, trong đó số lượng tàu bay đang khai thác thực tế dao động 165-170 tàu bay, giảm khoảng 40-45 tàu bay so với bình quân tàu bay khai thác trong năm 2023.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm số lượng tàu bay đến từ việc nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) thực hiện triệu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Ước tính có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động trên toàn thế giới).

Kế hoạch nhận tàu bay của các hãng hàng không trong năm nay cũng bị ảnh hưởng. Vietjet Air sẽ không nhận thêm bất kỳ tàu bay nào, Vietnam Airlines chỉ nhận thêm 2 tàu bay Boeing 787 vào tháng 6 đến tháng 7 năm nay. Hiện tại Pacific Airlines không khai thác tàu bay nào. Bamboo Airways chỉ khai thác 5 tàu bay, giảm 25 chiếc so với năm ngoái.

Một số hãng hàng không trong nước thậm chí thông báo không tìm được tàu bay thuê theo kế hoạch.

Nhìn khía cạnh tích cực với các hãng hàng không, tình trạng thiếu hụt tàu bay, trong khi nhu cầu ngày càng tăng đã đẩy giá vé máy bay tăng mạnh.

Trong báo cáo vừa công bố, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam  đều tăng so với cùng kỳ năm 2023 và vẫn chưa chạm tới mức kịch khung. Trong đó, có tuyến thậm chí còn tăng gấp rưỡi.

“Tình trạng chênh lệch cung cầu này sẽ tiếp tục xảy ra trong giai đoạn cao điểm hè 2024. Điều này cũng gây ra áp lực nhất định lên giá vé trên các chặng bay nội địa, đặc biệt là các chặng bay đến các điểm du lịch, nghỉ dưỡng”, Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Vũ Hạo

FILI

Source link