Chi tiết

Châu Âu “chật vật” đối phó kinh tế Nga

7441483_fb_image_eng_2024_02_13_00_21_12.jpg
Công nghiệp quốc phòng giúp kinh tế Nga đứng vững (Ảnh: Pravda)

Nguồn năng lượng giá rẻ, dồi dào từ Nga từng giúp châu Âu trở nên thịnh vượng, ngược lại Nga thông qua thị trường châu Âu bổ sung nguyên vật liệu cần thiết cho nền công nghiệp của mình. Thế nhưng, mọi chuyện đã kết thúc.

Nga dường như không còn chính thức hợp tác với đối tác cùng khu vực, nhất là khối EU, phần lớn hoạt động giao thương diễn ra trên “thị trường xám”, hoặc qua các nước Trung Á có mối quan hệ lịch sử truyền thống.

Đến nay, EU và Mỹ đã cấm vận Nga lên tới 4.000 danh mục. Vì vậy, các nhà quản lý kinh tế tại “lục địa già” tin rằng nền kinh tế Nga đang suy yếu trầm trọng. Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Elisabeth Svantesson mới đây nhắc lại “Chúng ta phải tiếp tục gia tăng áp lực lên chính quyền ông Putin”.

Thứ nhất, kinh tế Nga vẫn tăng trưởng nhờ các khoản đầu tư lớn vào công nghiệp quốc phòng. Nhưng khả năng tiếp cận công nghệ rất hạn chế, có thể sẽ cản trở tăng năng suất và dẫn đến tình trạng trì trệ của khu vực tư nhân, lạm phát thậm chí còn gia tăng, gây áp lực lên các hộ gia đình.

Các quan chức EU cho rằng để trang trải các khoản thâm hụt trong tương lai, Tổng thống Putin sẽ phải sử dụng biện pháp tài chính tiền tệ, tiếp thêm “nhiên liệu” cho lạm phát và làm cạn kiệt thêm dự trữ tiền mặt của Nga. Các số liệu từ châu Âu cho thấy, từ năm 2022 đến năm 2023, doanh thu xuất khẩu của Nga đã giảm khoảng 1/3.

Thứ hai, tại tại hội nghị thượng đỉnh G7, các nhà lãnh đạo đã có những bước đi tiếp theo để ngăn chặn Trung Quốc hỗ trợ việc lách lệnh cấm vận. Đồng thời, nhất trí cho Ukraine vay 50 tỷ đô la Mỹ, khoản vay này sẽ được hoàn trả bằng doanh thu dự kiến ​​trong tương lai từ các tài sản của Nga đang bị phong tỏa.

Ít nhất 7 Bộ trưởng Tài chính châu Âu nhất trí tăng cường trừng phạt, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng về mặt chiến lược như năng lượng, tài chính và công nghệ; trong khi việc thực thi các lệnh trừng phạt hiện hành phải được cải thiện.

Các cơ quan hữu quan thừa nhận rằng, dầu thô của Nga vẫn giao dịch vượt quá mức giá trần là 60 đô la Mỹ/thùng. Nguồn hàng hóa thiết yếu vẫn được giao dịch trực tiếp hoặc gián tiếp.

63a9fbc-1680-1000-1-.jpg
Các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Nga tăng trưởng từ 2,9% – 3,2% trong năm nay (Ảnh: Pravda)

Bất chấp bị cấm vận ngặt nghèo, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga lên 2,9% trong năm 2024 và và 1,4% vào năm 2025, đây là triển vọng tăng trưởng cao nhất tại châu Âu.

Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2024. Theo dự báo của tổ chức này, GDP của Nga được dự báo sẽ tăng 3,2%, vượt tốc độ tăng dự kiến ​​của Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp (0,7%).

Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế đều thừa nhận, việc đầu tư mạnh vào công nghiệp quốc phòng là động lực chính của kinh tế Nga. Đây lại là lĩnh vực rất phức tạp, vốn không phải là thành phần quan trọng cấu thành bức tranh kinh tế bình thường.

Bất kỳ nền kinh tế nào, nếu sử dụng phương pháp đẩy mạnh đầu tư vốn, mở rộng biên độ chỉ số ICOR, nhưng thiếu dự trữ ngoại tệ, ít kết nối với thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu, sẽ gây thâm dụng vốn, dẫn đến lạm phát nặng.

Dĩ nhiên, ông Putin không thể lạm dụng đồng ruble để đẩy mạnh đầu tư công – một khi giá trị đồng tiền này không được “neo” bởi các tài sản được thừa nhận rộng rãi trên thế giới – lạm phát và suy thoái tất yếu xảy ra.

Nguồn