Chi tiết

WB đánh giá ra sao về môi trường kinh doanh ở Việt Nam?

Bready 2024 WB
Việt Nam nằm trong số các quốc gia được World Bank đánh giá trong báo cáo lần này (Ảnh: B – READY 2024)

Báo cáo “Business Ready 2024” (B-READY) của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá môi trường kinh doanh và đầu tư trên toàn cầu, thay thế cho dự án Doing Business trước đây. Việt Nam nằm trong số 50 nền kinh tế được đánh giá trong ấn bản đầu tiên này, dựa trên 3 trụ cột chính, bao gồm: Khung pháp lý, Dịch vụ công, và Hiệu quả hoạt động.

Báo cáo Business Ready 2024 chia các nền kinh tế thành 5 nhóm, mỗi nhóm chiếm 20%, dựa trên hiệu suất của ba trụ cột: khung pháp lý, dịch vụ công, và hiệu quả hoạt động. Các nền kinh tế được phân loại theo mức thu nhập (cao, trên trung bình, dưới trung bình, thấp) để đánh giá môi trường kinh doanh. Nhóm hàng đầu có hiệu suất cao nhất, trong khi nhóm cuối cùng gặp nhiều thách thức về dịch vụ công và hiệu quả hoạt động.

Môi trường tốt dù vẫn còn rào cản

Về khung pháp lý, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đạt 66.81 điểm, xếp vào nhóm thứ ba. Điểm số này cho thấy Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong việc áp dụng các quy định hỗ trợ môi trường kinh doanh lành mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện, đặc biệt so với các nền kinh tế thu nhập cao như Hungary (78.23), dẫn đầu trong hạng mục này.

Trong lĩnh vực dịch vụ công, Việt Nam chỉ đạt 53,41 điểm, xếp vào nhóm thứ ba. Điều này phản ánh những khoảng cách đáng kể trong chất lượng các dịch vụ công mà doanh nghiệp có thể tiếp cận, đặc biệt trong các lĩnh vực như số hóa dịch vụ chính phủ và cơ sở hạ tầng hỗ trợ các hoạt động kinh doanh. Các thách thức về cung cấp dịch vụ công là những lĩnh vực Việt Nam cần chú trọng để nâng cao môi trường kinh doanh.

Việt Nam thể hiện tốt nhất trong trụ cột hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp, với 72,78 điểm, và được WB xếp vào nhóm hàng đầu. Điểm số này phản ánh việc các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuân thủ các quy định và sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trong hoạt động kinh doanh. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực logistics và thương mại, góp phần vào điểm số cao hơn của Việt Nam trong trụ cột này.

Đặc biệt, trong các bảng xếp hạng, B-READY đánh giá hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên 10 tiêu chí chính. Trong đó, Việt Nam có điểm cao nhất ở 2 khía cạnh là dịch vụ tiện ích và lao động, xếp vào nhóm 1. Ba yếu tố khác cũng được xếp hạng tương đối tốt là thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp và cạnh tranh thị trường – xếp thứ 2. Lĩnh vực mà Việt Nam thể hiện kém nhất là dịch vụ tài chính.

wb-businessr-22-4-2024.jpg
Chỉ số môi trường kinh doanh của WB có thể cung cấp những góc nhìn để cải thiện môi trường đầu tư cho Việt Nam (Ảnh: World Bank)

Tương quan của chỉ số với GDP và FDI

Mức độ sẵn sàng kinh doanh cũng được xem xét trong mối liên quan tới các chỉ số kinh tế quan trọng của các quốc gia có thu nhập trung bình như Việt Nam, gồm GDP bình quân đầu người hay đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Dù dữ liệu về chỉ số kinh doanh và GDP không có liên hệ trực tiếp, nhưng WB cho rằng các nền kinh tế có mức thu nhập cao hơn có nhiều khả năng có các quy định kinh doanh, dịch vụ công và hiệu quả hoạt động tốt hơn.

Các nền kinh tế cũng không cần giàu có để phát triển một môi trường kinh doanh mạnh mẽ. Dữ liệu mới cho thấy một số nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình cũng đạt được điểm số tương đối cao. Ví dụ, Colombia, Georgia, Rwanda và Togo có mặt trong hai nhóm cao nhất của trụ cột khung pháp lý. Rwanda nằm trong nhóm cao nhất về dịch vụ công và điểm tốt về hiệu quả hoạt động, cùng với Georgia, Cộng hòa Kyrgyz và Nepal.

Trong khi đó, thước đo này cũng có liên hệ tới triển vọng thu hút FDI. Theo WB, các nền kinh tế có quy định kinh doanh và dịch vụ công hiệu quả hơn có xu hướng thu hút nhiều FDI hơn.

Với hiệu quả hoạt động, báo cáo của WB lý giải một môi trường pháp lý thuận lợi không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nước mà còn gửi tín hiệu đến các nhà đầu tư nước ngoài rằng nền kinh tế là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Nghiên cứu cho thấy rằng các rào cản pháp lý, cụ thể là rào cản về tín dụng, quyết định việc một doanh nghiệp chọn xuất khẩu hay nhập khẩu. Trong một số khu vực, sự hiện diện của các mối quan hệ thương mại không chỉ phụ thuộc vào điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi mà còn vào sự so sánh với các đối thủ nước ngoài.

Nguồn