Chi tiết

Biệt thự, nhà phố hơn 30 tỷ đồng ở TP.HCM vẫn ‘ế’

Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý III của Savills Việt Nam cho thấy, phân khúc nhà phố/biệt thự tại TP.HCM sau nhiều quý ghi nhận tình hình hoạt động trầm lắng thì đến nay đã có sự cải thiện nhất định.

Cụ thể, nguồn cung mới tăng với các sản phẩm giá phải chăng được mở bán ở khu vực ngoại thành, nhưng vẫn còn rất hạn chế. Trong quý, thị trường ghi nhận 145 căn mới, tăng so với mức 10 căn ở quý II và mức 0 căn mới của cùng kỳ năm 2023. Các sản phẩm này đến từ dự án mới The Meadow tại Bình Chánh và giai đoạn tiếp theo của The Sholi Bình Tân.

Tổng nguồn cung sơ cấp lên mức 766 căn, tăng 15% theo quý và không đổi theo năm. Mặc dù các sản phẩm có giá trên 30 tỷ đồng tiếp tục chiếm ưu thế với 63%, nhưng phân khúc dưới 10 tỷ đồng đã tăng 14 điểm % thị phần lên 29%, nhờ dự án mới ở khu vực ngoại thành.

Nhà phố, biệt thự dưới 10 tỷ đồng có lượng giao dịch tốt trong quý III. Ảnh: VP

TP. Thủ Đức dẫn đầu nguồn cung sơ cấp với 67%, tiếp sau là huyện Bình Chánh với 19%.

Lượng giao dịch trong quý đạt 173 căn, tăng 140% theo quý và 170% theo năm, với tỷ lệ hấp thụ là 23%, tăng 12 điểm % theo quý và 14 điểm % theo năm.

Bà Giang Huỳnh, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và S22M, cho biết, mặc dù nguồn cung có sự cải thiện theo quý và so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn rất khiêm tốn so với quy mô dân số hơn 10 triệu dân của TP.HCM. Nhìn chung, điểm nghẽn về nguồn cung của phân khúc nhà ở bao gồm cả căn hộ và các sản phẩm thấp tầng tại thị trường này vẫn chưa được tháo gỡ

Hàng tồn kho giá trị cao khó hấp thụ

Các dự án mới có giá phù hợp ghi nhận tình hình hoạt động tốt, chiếm 70% tổng lượng giao dịch trong quý và đạt tỷ lệ hấp thụ đến 90%. Kết quả này chủ yếu nhờ uy tín của các chủ đầu tư, sản phẩm có tình trạng pháp lý rõ ràng, chất lượng phát triển tốt và giá bán cạnh tranh. Từ đó, đưa mức giá sơ cấp trung bình giảm 14% theo quý và 28% theo năm xuống 275 triệu đồng/m2 đất.

Điểm sáng trong quý của phân khúc này là các sản phẩm có giá dưới 10 tỷ đồng hoạt động tốt trong bối cảnh hàng tồn kho đắt đỏ và nguồn cung sơ cấp hạn chế. Trong quý, nhóm sản phẩm dưới 10 tỷ đồng ghi nhận 126 giao dịch, chiếm 73% lượng giao dịch toàn thành phố, với tỷ lệ hấp thụ đạt 57%, tăng 33 điểm % theo quý và 37 điểm % theo năm, chủ yếu nhờ dự án mới.

“Điều này cũng cho thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm phải chăng, ngay cả khi chúng nằm ở khu vực ngoại thành và xa trung tâm thành phố”, bà nói.

Trong khi đó, với các bất động sản cao cấp có giá trên 30 tỷ đồng, bà Giang Huỳnh cho rằng, phân khúc này vẫn tiếp tục ảm đảm với tỷ lệ hấp thụ thấp với chỉ 7%.

Thời gian tới, dự kiến, thị trường TP.HCM có gần 140 căn từ giai đoạn tiếp của 3 dự án theo dự kiến sẽ được mở bán. Một số dự án khác đã dời lịch mở bán sang năm 2025 để chờ điều kiện thị trường thuận lợi hơn.

Vị chuyên gia chia sẻ thêm, đến năm 2027, nguồn cung tương lai dự kiến đạt 5.182 căn. Khu vực ngoại thành (Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ) sẽ chiếm 59%, TP. Thủ Đức chiếm 28%, quận Bình Tân chiếm 12%, và còn lại là quận 8.

“Nguồn cung hạn chế ở TP.HCM sẽ tiếp tục thúc đẩy các khách hàng của phân khúc giá phải chăng sẽ tìm đến những khu vực ngoại thành của TP.HCM có hạ tầng tốt hay các thị trường lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai với giá cả phù hợp, nguồn cung dồi dào và các sản phẩm đa dạng”, bà cho hay.

Trong quý II, số liệu của DKRA Group cho thấy, về giá bán sơ cấp phân khúc biệt thự, nhà phố ở TP.HCM có mức giá cao nhất lên tới 750 tỷ đồng/căn, thấp nhất là 5,5 tỷ đồng/căn; Đồng Nai cao nhất lên tới 228,5 tỷ đồng/căn, thấp nhất chỉ 1,6 tỷ đồng/căn; Bình Dương cao nhất là 45,5 tỷ đồng/căn, thấp nhất 2,8 tỷ đồng/căn; Long An cao nhất là 39,4 tỷ đồng/căn, thấp nhất là 2,6 tỷ đồng/căn; Bà Rịa – Vũng Tàu cao nhất là 21,8 tỷ đồng/căn, thấp nhất là 5,2 tỷ đồng/căn, Tây Ninh cao nhất là 8,5 tỷ đồng/căn, thấp nhất là 2,8 tỷ đồng/căn.



Nguồn