Chiều 10/10, tại TP. Quy Nhơn, UBND TP. HCM phối hợp với UBND các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ”.
Hội nghị này là một trong chuỗi các hoạt động đánh dấu sơ kết 1 năm triển khai thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP. HCM với các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ.
Chính quyền cam kết mạnh mẽ
Vùng Duyên hải Trung Bộ có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế biển, cảng biển.
Trong đó, một trong những lợi thế lớn nhất của các địa phương trong vùng là vị trí địa lý gần đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước TP. HCM. Đồng thời, hiện, các địa phương trong vùng còn nhiều khu, cụm công nghiệp với quỹ đất sạch lớn, chính sách thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện, đồng bộ…
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khi đầu tư tại Bình Định nói riêng và các địa phương của vùng nói chung, nhà đầu tư sẽ luôn được tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án thành công, phát triển bền vững.

“Riêng đối với Bình Định, chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ nhà đầu tư từ việc hình thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đến xây dựng dự án và triển khai hoạt động nhanh chóng, hiệu quả”, ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cam kết, khi đầu tư dù ở địa phương nào trong vùng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án thành công, phát triển.
“Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến với vùng Duyên hải Trung Bộ, trong đó có Quảng Ngãi để khảo sát thực tế, tìm hiểu sâu hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh”, ông Hiền chia sẻ.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhìn nhận, bài toán của khu vực miền Trung là có nhiều tiềm năng, nhưng không biết phát triển tập trung vào lĩnh vực nào; địa phương nào cũng giống nhau nên không biết liên kết kiểu gì.
Ông Lịch nhấn mạnh, miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung trong 10-15 năm tới, tiềm năng phát triển công nghiệp vẫn là đứng đầu, chỉ có công nghiệp mới thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Vấn đề chuyển đổi công nghiệp gồm hai nội dung gồm: chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Trong đó, chuyển đổi số phải đầu tư cho hạ tầng số gồm: Big Data, Al…; còn chuyển đổi xanh là năng lượng tái tạo.

“Hai vấn đề cốt lõi này đang và sẽ đặt ra bài toán cho miền Trung. Bởi, chính quyền cùng các nhà đầu tư trong phát triển công nghiệp phải đi vào hướng chuyển đổi để xem xét nhà đầu tư cần gì, chính quyền có thể làm gì…”, ông Lịch nói thêm.
Đối với TP. HCM, ông Lịch đề xuất, trong phát triển công nghiệp, thành phố nên tập trung vào giai đoạn có trị gia tăng cao nhất, còn các công đoạn khác nên chuyển giao, hỗ trợ cho các tỉnh.
Đón dòng vốn đầu tư nghìn tỷ
Tại Bình Thuận – địa phương cách TP. HCM khoảng 200km, từ tháng 3/2023 đến nay, tỉnh này đã chấp thuận đầu tư cho 4 dự án của các nhà đầu tư TP. HCM với tổng vốn đăng ký khoảng 1.161 tỷ đồng, tổng diện tích thực hiện khoảng 252ha.
Lũy kế đến nay, Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư cho 179 dự án của các nhà đầu tư TP. HCM với tổng vốn đăng ký khoảng 30.300 tỷ đồng, tổng diện tích thực hiện khoảng 7.603 ha.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đánh giá, những năm qua, nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; đặc biệt là sự hợp tác, liên kết, gắn kết chặt chẽ với TP. HCM và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ, địa phương đã từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng và khai thác tiềm năng thế mạnh.
Tại “Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ”, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 dự án, tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng

Gồm: quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân thực hiện dự án Nhà máy sản xuất viên nén sinh học và chế biến vật liệu gỗ nội thất (tại huyện Vân Canh), tổng vốn đầu tư hơn 823 tỷ đồng; Công ty CP Lâm Nghiệp Kim Thành Lập thực hiện dự án Nhà máy chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Hoài Châu (tại thị xã Hoài Nhơn), tổng vốn đầu tư 550 tỷ đồng; Công ty CP Giấy Hoàng Hà Bình Định làm dự án Nhà máy sản xuất giấy bao bì (tại thị xã An Nhơn), tổng vốn đầu tư 260 tỷ đồng…
Đồng thời, ông Tuấn còn trao biên bản ghi nhớ hợp tác cho đại diện Công ty CP Tư vấn và Đầu tư C+ và đại diện Công ty CP Cơ Khí Eurorack.
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. HCM đề nghị các doanh nghiệp, các Hội ngành nghề TP. HCM quan tâm tìm hiểu để kết nối các cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển, mở rộng thị trường tại các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ.
Ngoài ra, ông Hải còn đề nghị Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. HCM tiếp tục làm đầu mối phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan của các tỉnh tại vùng này để cùng hỗ trợ, kết nối cho doanh nghiệp TP. HCM; để các doanh nghiệp các tỉnh nắm bắt thông tin, nhu cầu hợp tác, đầu tư vào các lĩnh vực, dự án đang thu hút đầu tư tại các địa phương khác.
“Mỗi một cơ hội được mở ra, một biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư được ký kết điều góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương nói riêng và cả vùng nói chung”, ông Hải nhấn mạnh.