Đây là nhận định của TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam tại Tọa đàm “Nhận diện thị trường bất động sản cuối năm 2024 và đầu năm 2025” do Báo Người Lao động vừa tổ chức.
Ông Khương cho biết, nhóm bất động sản nhà ở tạo ra dòng tiền mới với suất sinh lợi của các dự án khoảng 15%. Thời gian lý tưởng cho các dự án, bao gồm quá trình hoàn thiện pháp lý và thủ tục trong 2 năm, cùng với 3 năm xây dựng, sẽ đạt mức hoàn thiện tốt nhất trong khoảng 5-6 năm.
Các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy, các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM là những đại đô thị với tiềm năng đầu tư rất hấp dẫn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư gặp khó khăn do vướng mắc về pháp lý và việc tiếp cận quỹ đất.
“Thị trường dành cho các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn nhưng cũng rất khó tiếp cận, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM, ngoại trừ những dự án đã có từ lâu và đã hoàn thiện pháp lý 5-7 năm trước hoặc hợp tác với các doanh nghiệp trong nước”, ông nói.
Đối với nhóm bất động sản tạo ra dòng tiền như văn phòng, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng và đặc biệt là khu công nghiệp, suất sinh lợi thường dao động từ 6-8%. Đây là những phân khúc mà các nhà đầu tư nước ngoài trước đây ưu tiên để tiếp cận nhanh vào thị trường Việt Nam. Nhưng, tình hình hiện tại cũng đã trở nên khó khăn hơn.
Ông Khương cho rằng, “khẩu vị” của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam vẫn hướng vào lĩnh vực bất động sản nhà ở nhưng số lượng giao dịch rất hạn chế. Điển hình chỉ có một số ít nhà đầu tư như từ Malaysia sở hữu một vài dự án.
“Từ nay đến cuối năm, khó có thể kỳ vọng vào các thương vụ M&A mới”, ông đánh giá.
Một điểm sáng của thị trường là khu kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là các khu công nghiệp và hạ tầng cảng biển. Đây là khu vực rất thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, gần đây, sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài còn tập trung vào việc phát triển trung tâm dữ liệu, một phân khúc mà nhiều quốc gia đang nhắm đến khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.
“Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản nhà ở đang chuyển dần sang phân khúc bất động sản hạ tầng và các tòa nhà văn phòng cho thuê”, ông cho hay.
Liên quan chính sách, vị chuyên gia nhận định, các bộ luật luôn theo hướng tích cực, có lợi cho thị trường nhưng không phải là “cây đũa thần”. Các luật cần thời gian để dần đi vào cuộc sống và các nhà đầu tư nước ngoài mà cũng đã hiểu rõ điều này. Vì vậy, khoảng giữa năm 2025 trở đi, thị trường bất động sản mới có sự bứt phá.
Trong khi đó, về hoạt động M&A, do việc phát triển các dự án mới còn gặp nhiều khó khăn vì quỹ đất hạn chế và thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý kéo dài nên các nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng đầu tư vào các tài sản tạo ra dòng tiền như tòa nhà văn phòng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, căn hộ dịch vụ…