Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) gần đây đã có quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu DAG của Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á, sau khi công ty vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ công bố thông tin. Trước đó, DAG đã bị đưa vào diện kiểm soát và đình chỉ giao dịch do những sai phạm tương tự. Đây là một cổ phiếu đã niêm yết lâu năm nhưng hiện có giá chỉ 1.430 đồng/cổ phiếu, thấp hơn một ly trà đá. Sự sụt giảm của DAG bắt đầu từ tháng 4-2022 khi giá cổ phiếu mất mốc 10.000 đồng và liên tục giảm sâu. Kết quả kinh doanh của Nhựa Đông Á những năm gần đây cũng vô cùng ảm đạm, với khoản lỗ sau thuế hơn 600 tỉ đồng trong năm 2023 và tiếp tục lỗ hơn 66 tỉ đồng nửa đầu năm 2024.
Trước đó, HoSE cũng cảnh báo về nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu DLG của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Công ty này đã ghi nhận những khoản lỗ khổng lồ trong 2 năm 2022 và 2023, lần lượt là 1.197 tỉ đồng và 579 tỉ đồng. Dù trong nửa đầu năm 2024, doanh thu tăng trưởng hơn 16% so với cùng kỳ, nhưng Đức Long Gia Lai vẫn gánh khoản lỗ thuần lên đến hơn 2.600 tỉ đồng, làm dấy lên lo ngại về khả năng duy trì hoạt động của công ty.
Ngoài DAG và DLG, HoSE đã hủy niêm yết 347,2 triệu cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và 1,1 tỉ cổ phiếu HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai do thua lỗ 3 năm liên tiếp. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu khác như ITA của Tân Tạo, TKG của Tùng Khánh và KTT của KTT Investment Group cũng bị đình chỉ hoặc đưa vào diện hạn chế giao dịch do vi phạm quy định.
Theo chuyên gia kinh tế -TS Đinh Thế Hiển, việc hủy niêm yết hoặc đình chỉ giao dịch những cổ phiếu kém chất lượng là một bước đi tích cực nhằm thanh lọc thị trường chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư. Ông nhận định rằng đây là biện pháp cần thiết trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt cải tổ thị trường tài chính, với mục tiêu xây dựng một môi trường chứng khoán lành mạnh và minh bạch hơn. Chính quyền và các cơ quan quản lý đang siết chặt các quy định, yêu cầu các doanh nghiệp (DN) niêm yết tuân thủ nghiêm ngặt quy định về công bố thông tin tài chính và kiểm toán, để tạo sự tin cậy cho nhà đầu tư. “Việc nhắc nhở và bắt buộc hủy niêm yết với những DN vi phạm là giải pháp sàng lọc cần thiết. Thị trường chứng khoán cần trở thành động lực phát triển kinh tế với những cổ phiếu thực sự chất lượng” – TS Đinh Thế Hiển khẳng định.
Ông cũng nhấn mạnh động thái mạnh mẽ này không chỉ cảnh báo các DN đang niêm yết, mà còn đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho các DN chuẩn bị lên sàn. Những DN không có năng lực thực sự, “phù phép” hoặc thổi giá cổ phiếu sẽ không còn cơ hội tồn tại, từ đó giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững và phản ánh đúng thực trạng kinh tế.