Theo báo cáo gần đây nhất của Google & Bain Co., nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Quy mô và số lượng giao dịch tăng vọt của nền kinh tế số tạo ra số lượng dữ liệu khổng lồ, điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có một nền tảng linh hoạt để lưu trữ, xử lý dữ liệu, một công cụ mạnh mẽ để khai thác dữ liệu.
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những lời giải hàng đầu để giải quyết bài toán này. Dẫn chứng từ báo cáo IBM năm nay, AI giúp 35% doanh nghiệp tăng tối thiểu 5% doanh thu, có những đơn vị chạm mốc 20%. Doanh nghiệp Việt có thể thoát khỏi vùng an toàn, khai phá những lĩnh vực kinh doanh mới nhờ ứng dụng AI.
Theo đó, AI giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, rút ngắn tốc độ ra quyết định và cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt có thể đạt được những bước nhảy vọt về năng suất lao động để thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình.
Các mô hình tính toán hiệu năng lớn trong phát triển thuật toán AI cần tới những siêu máy tính và hạ tầng dữ liệu tiên tiến. Để phát triển AI, việc đầu tư nghiên cứu và tự chủ về chip bán dẫn là một “vấn đề nóng” giữa các quốc gia. Thị trường bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 2 con số trong những năm tới để đạt 1000 tỷ USD vào năm 2030.
Việt Nam đã và đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.
Trong bối cảnh đó, Tập đoàn FPT xác định chiến lược trọng tâm đầu tư vào phát triển trí tuệ nhân tạo và công nghiệp bán dẫn. Ở cả hai hướng đi này, FPT có nền tảng tích lũy qua nhiều năm. FPT có đội ngũ chuyên gia AI đông đảo, xây dựng trung tâm Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn và tham gia vào liên minh AI thế giới do IBM và Meta khởi tạo. Đầu năm 2024, FPT có thêm hơn 170 chứng chỉ AI do NIVIDIA cấp và sẽ phấn đấu đạt con số hàng vạn chứng chỉ trong tương lai.
Ở lĩnh vực chip bán dẫn, FPT Semiconductor là công ty Việt Nam đầu tiên thiết kế chip thương mại hóa, có đơn đặt hàng 70 triệu chip cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… và hợp tác với nhiều tổ chức, công ty tại Nhật Bản, Mỹ.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội chưa từng có để bước vào kỷ nguyên công nghệ, phát triển mạnh mẽ các sản phẩm công nghệ “made-in-Vietnam” và tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Đây là con đường rộng mở giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và phát triển bền vững, nâng cao vị thế quốc gia trên bản đồ quốc tế.
Sự trỗi dậy của Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI)
Với sự bùng nổ của công nghệ thời gian gần đây, McKinsey nhận định AI tạo sinh (GenAI) đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu 4,4 tỷ USD mỗi năm. Đặc biệt, công nghệ này hứa hẹn sẽ đem đến cuộc cách mạng về hiệu suất lao động trong mỗi doanh nghiệp. Các lãnh đạo doanh nghiệp đều có chung nhận định rằng GenAI sẽ là yếu tố dẫn dắt thị trường, là năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp trong thời đại số. Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) nhận định các doanh nghiệp đầu tư hơn 19,4 tỷ USD trên toàn thế giới vào các giải pháp AI tạo sinh trong năm 2023.
Tập đoàn FPT tập trung phát triển hệ sinh thái các giải pháp ứng dụng AI tạo sinh dành cho doanh nghiệp, giúp đột phá hiệu suất làm việc và năng lực của nhân viên, tối ưu vận hành và tăng sức cạnh tranh của tổ chức. Với 40 sản phẩm ứng dụng AI trong hệ sinh thái FPT cùng thế mạnh Generative AI, các giải pháp AI hiện đang song hành kiến tạo năng suất vượt trội cho hàng trăm doanh nghiệp; mang đến trải nghiệm xuất sắc cho 20 triệu người dùng cuối với 600 triệu lượt sử dụng mỗi năm.
Năng lực AI của FPT đã thu hút nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước, trong đó có Home Credit Vietnam. Tổ chức này hợp tác với FPT Smart Cloud – công ty thành viên tập đoàn FPT cung cấp nền tảng AI và Cloud hàng đầu – triển khai FPT AI Engage từ 2019, khi AI vẫn còn là khái niệm tương đối mới. Sau năm đầu hoạt động, giải pháp của FPT hỗ trợ Home Credit thực hiện hơn 5 triệu cuộc gọi mỗi tháng. Hệ thống có thể mở rộng lên 12 triệu cuộc gọi vào giờ cao điểm, tiết kiệm 50% chi phí vận hành và đạt tỷ lệ cuộc gọi thành công 98%. “Trợ lý ảo” của Home Credit Vietnam có tỷ lệ hài lòng từ khách hàng trung bình là 4,5/5.
Đến nay, Home Credit Vietnam đã đưa hơn 100 nghiệp vụ vào phạm vi xử lý của giải pháp, như yêu cầu thông tin, tự phục vụ để khóa hoặc kích hoạt thẻ, khảo sát khách hàng tự động và thu hồi nợ. Nhờ đó, những tác vụ lặp đi lặp lại được chuyển giao cho AI, nhân viên có nhiều thời gian hơn để xử lý các vấn đề quan trọng của khách hàng.
Nhằm ứng dụng AI vào bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, FPT Smart Cloud cũng cho phát triển giải pháp FPT AI Mentor. Được xây dựng dựa trên công nghệ AI tạo sinh và ứng dụng phương pháp Học vi mô thích ứng (Adaptive Micro-learning), FPT AI Mentor giúp tự động hóa và cá nhân hóa quy trình đào tạo nhân sự bởi AI, giúp nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên, cải thiện kiến thức và năng lực của nhân viên.
Hiện, giải pháp có hơn 20 nghìn người học thường xuyên mỗi tháng, với kho tri thức lên tới hàng trăm nghìn câu hỏi trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, thời trang và điện máy, giúp cải thiện trung bình 36% năng lực tư vấn, bán hàng của đội ngũ. Năm 2024, FPT AI Mentor vinh dự đạt được nhiều giải thưởng công nghệ danh giá, trong đó bao gồm giải thưởng “Giải pháp AI xuất sắc” – AI Awards 2024; giải thưởng “Thương hiệu Đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và người dùng” – Better Choice Award 2024.
Tập đoàn FPT cũng phát triển pháp ứng dụng GenAI dành cho lập trình viên có tên CodeVista, mang lại nhiều sự quan tâm của giới công nghệ. Công cụ này không chỉ đơn giản hóa quy trình viết code mà còn tăng 48% hiệu suất của lập trình viên, giúp họ tập trung vào các khía cạnh sáng tạo cũng như cải thiện trải nghiệm lập trình của người dùng.
Bloomberg dự báo rằng trong 10 năm tới, thị trường GenAI (AI tạo sinh) sẽ tăng từ 40 tỷ USD năm 2022 lên 1.300 tỷ USD vào 2032, tăng 32,5 lần. Điều này mở ra một thị trường mới lớn cho AI tạo sinh. Rất có thể, AI tạo sinh là mùa xuân mới trong lịch sử phát triển AI.
Các lĩnh vực công nghệ chủ chốt như AI và bán dẫn sẽ nhanh chóng tiến tới quy mô nghìn tỷ đô vào năm 2030. Việt Nam tuy đi sau nhưng có những lợi thế về chính trị – địa lý, chiến lược và chính sách hỗ trợ Chính phủ cùng với sự đồng hành, quyết tâm cao của những tập đoàn công nghệ hàng đầu như FPT. Đây là cơ hội cho Việt Nam – quốc gia “dùng đũa” tiếp theo vươn lên đón đầu làn sóng sau cường quốc bán dẫn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Trong thời gian tới, tập đoàn FPT sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan chính phủ trong các hoạt động phát triển công nghệ cao với chiến lược chip bán dẫn và các giải pháp AI, góp phần đưa Việt Nam ngày càng phát triển về công nghệ cao, trở thành điểm đến đổi mới sáng tạo hàng đầu của thế giới.
(*) Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud
Ngày 18/10, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) , Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo: “Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì?” nhằm phân tích, đánh giá cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong bối cảnh mới, qua đó đề xuất các giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, hoá giải các thách thức.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, công nghệ, cùng với đại diện của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thông tin về Hội thảo sẽ được tường thuật trực tiếp, đưa tin trên Tạp chí điện tử Nhadautu.vn, chuyên trang tiếng Anh Theinvestor.vn và các cơ quan báo, đài, truyền hình Trung ương và Hà Nội.