Chi tiết

‘Bỏ túi’ gần 114.000 tỷ đồng sau 5 tháng, ‘nhà vô địch’ tăng trưởng họ Viettel chắc chân tại vị trí Top 3 vốn hóa toàn thị trường

Hiện tại, vốn hóa của Viettel Global (VGI) chỉ còn kém vốn hóa doanh nghiệp Top 2 toàn thị trường là BIDV 3,7%.

Kết phiên giao dịch ngày 17/5, cổ phiếu VGI của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) tăng 10,83% lên 89.000 đồng/cp. Khối lượng khớp lệnh đạt 1.482.700 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 129 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm 2024 (từ 1/1 – 17/5), cổ phiếu VGI đi lên “không nghỉ”, tăng 245% sau vỏn vẹn 5 tháng. Từ đó, vốn hóa Viettel Global đạt 270.900 tỷ đồng, tăng 113.839 tỷ đồng so với ngày đầu năm, chắc chân tại vị trí Top 3 vốn hóa trên thị trường chứng khoán.

Hiện tại, vị trí Top 1 vốn hóa là Vietcombank (514.197 tỷ đồng), tiếp đến là BIDV (281.317 tỷ đồng). Công ty xếp ngay sau Viettel Global có nhiều tên tuổi lớn như: ACV (215.518 tỷ đồng), Vingroup (179.139 tỷ đồng), Hòa Phát (183.747 tỷ đồng), FPT (170.811 tỷ đồng)…

'Bỏ túi' 114.000 tỷ đồng sau 5 tháng, 'nhà vô địch' tăng trưởng họ Viettel chắc chân tại vị trí Top 3 vốn hóa
Diễn biến cổ phiếu VGI trong năm 2024

Mục tiêu lợi nhuận kỷ lục

Năm 2023, Viettel Global ghi nhận doanh thu hợp nhất 28.182 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.879 tỷ đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay. Số thuê bao viễn thông đạt 4,5 triệu và thuê bao số đạt 11 triệu (gồm Ví điện tử và thuê bao Super App). Công ty dẫn đầu thị phần viễn thông tại 6 nước gồm: Myanmar, Campuchia, Lào, Đông Timor, Burundi, Haiti.

Năm 2024, Viettel Global đặt mục tiêu tổng doanh thu 31.700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 5.400 tỷ đồng, tăng 39% so với thực hiện năm 2023. Thuê bao viễn thông tăng tối thiểu 2 triệu lên 6,5 triệu thuê bao và thuê bao số tăng tối thiểu 6 triệu lên 17 triệu thuê bao.

Sau 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận 7.907 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.479 lợi nhuận trước thuế, lần lượt hoàn thành 25% và 46% kế hoạch năm.

'Bỏ túi' 114.000 tỷ đồng sau 5 tháng, 'nhà vô địch' tăng trưởng họ Viettel chắc chân tại vị trí Top 3 vốn hóa
Tổng hợp từ báo cáo tài chính của VGI

Cần lưu ý, trên báo cáo tài chính nhiều năm trở lại đây, VGI luôn phải trích lập dự phòng lượng tiền lớn liên quan đến khoản phải thu tại Viettel Cameroon S.A.R.L (VCR) và Telecom International Myanmar (Mytel). Tại thời điểm ngày 31/3, số nợ xấu trích lập đã lên đến 14.703 tỷ đồng, tăng 799 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Đây cũng là lý do mà cổ phiếu này luôn trong diện cảnh báo.

Theo lý giải từ doanh nghiệp, VCR đang xảy ra bất đồng giữa VGI và cổ đông sở tại về việc tổ chức điều hành và hoạt động sản xuất kinh doanh nên chưa có số liệu tài chính từ năm 2018 đến nay.

Còn về Mytel, hiện tại Myanmar đang có bất ổn chính trị ảnh hưởng khó lường đến hoạt động sản xuất kinh doanh. VGI thận trọng nên đã trích lập dự phòng khoản đầu tư trên. Tại thời điểm ngày 31/12/2023, VGI trích lập dự phòng khoản tổn thất đầu tư vào công ty này là 3.878 tỷ đồng, tương ứng toàn bộ vốn góp của VGI vào Công ty Mytel.

>> ‘Ẩn số’ của Viettel Global (VGI) – ‘Hắc mã’ tăng gần x3 trong 5 tháng đưa vốn hóa vượt xa Vingroup, Vinamilk, Hòa Phát, FPT

Source link