LG Electronics của Hàn Quốc đang phải vật lộn với sự cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt với các nhà sản xuất Trung Quốc. Để tránh cạnh tranh trực tiếp về giá, LG tập trung vào mảng cho thuê đồ dùng điện tử, mở rộng sang Thái Lan và Ấn Độ, tương lai sẽ là các thị trường khác.
Năm ngoái, dịch vụ cho thuê chỉ chiếm 4% doanh thu hằng năm trong mảng kinh doanh thiết bị điện tử tiêu dùng của tập đoàn. Tuy nhiên, LG đang có kế hoạch tăng tỷ lệ này lên.
Công ty đã ra mắt dịch vụ này ở Malaysia và Đài Loan, hiện đang có kế hoạch mở rộng sang Thái Lan, Ấn Độ và các thị trường châu Á khác trong năm nay. Dịch vụ này cũng sẽ có mặt tại Mỹ và Châu Âu trong tương lai không xa.
LG cho phép khách hàng thuê 23 loại thiết bị điện tử khác nhau, bao gồm tivi, máy giặt, máy hút bụi và máy lọc không khí, v.v. trong vòng ba đến sáu năm. Đến hạn, người dùng có thể trả hàng hoặc mua lại để tiếp tục sử dụng sản phẩm.
Máy rửa bát là mặt hàng được khách hàng thuê nhiều nhất. Dịch vụ cho thuê chiếm 70% doanh số bán máy rửa bát của công ty.
Máy rửa bát của LG phù hợp với hộ gia đình sáu người, mức giá cho thuê khoảng 20.000 won (15 đô la) mỗi tháng, với hợp đồng sáu năm. Tổng thanh toán lên tới 1,43 triệu won, nhiều hơn 60% so với việc mua đứt máy rửa bát. Gói thuê thiết bị bao gồm nhiều tiện ích: lắp đặt, thay thế miễn phí và vệ sinh bộ lọc.
“Bắt đầu cuộc sống hôn nhân có rất nhiều thứ cần phải chi, các bạn có muốn tiết kiệm bằng cách thuê thiết bị điện tử của LG không?” nhân viên bán hàng tại một cửa hàng điện tử ở Seoul đang tiếp thị với một cặp đôi sắp kết hôn.
Mặc dù tổng chi phí khá cao, các gói cho thuê vẫn thu hút được người tiêu dùng Hàn Quốc nhờ mức phí hàng tháng hợp lý và bảo trì miễn phí.
“Với các thiết bị mà bạn không chắc có thực sự phù hợp với nhà bạn hay không thì việc bỏ ra một đống tiền để mua về là rất tốn kém ”, một nhân viên văn phòng ở độ tuổi 40 cho biết. “Trường hợp này nếu có gói cho thuê thì tôi nghĩ sẽ hợp lý hơn”.
LG là công ty tiên phong trong dịch vụ cho thuê trong số các nhà sản xuất thiết bị điện tử ở Hàn Quốc. Bắt đầu vào năm 2009 với máy lọc nước, danh mục sản phẩm đã mở rộng đáng kể kể từ năm 2022.
Năm ngoái, doanh thu từ hoạt động cho thuê đã đạt 1,13 nghìn tỷ won, tăng khoảng 30% so với năm 2022. Con số của năm nay dự kiến sẽ đạt 1,8 nghìn tỷ won, tăng 60%.
Động lực thúc đẩy việc chuyển sang dịch vụ cho thuê là biên lợi nhuận trên các thiết bị gia dụng đang thu hẹp. LG Electronics đã ghi nhận mức kỷ lục 22,18 nghìn tỷ won doanh thu hợp nhất trong quý 3. Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động của tập đoàn đã giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 751,1 tỷ won.
Mảng điện tử tiêu dùng phải chịu chi phí hậu cần tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt về giá từ các thương hiệu Trung Quốc. Dự kiến dịch vụ cho thuê sẽ khiến doanh số bán các thiết bị trí tuệ nhân tạo cao cấp có giá cao hơn.
Theo ước tính của một công ty môi giới Hàn Quốc, biên lợi nhuận hoạt động của mảng kinh doanh cho thuê là hơn 10%. Con số này cao hơn mức biên lợi nhuận 7% cho toàn bộ mảng kinh doanh điện tử tiêu dùng trong năm 2023.
Hiện tại, LG cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh trên thị trường cho thuê thiết bị điện tử. Tháng này, phương tiện truyền thông Hàn Quốc đưa tin Samsung Electronics cũng đang cân nhắc tham gia vào mảng này, mặc dù Samsung chưa thông báo chính thức với giới truyền thông.
Trước thực tế này, LG sẽ phải đưa ra các chiến lược kinh doanh tối ưu để có thể đứng vững trên thương trường.
“Thuê bao” vốn là hình thức kinh doanh rất phổ biến trong mảng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật số, tiêu biểu như Netflix. Nhưng trong vài năm trở lại đây, “thuê bao đồ dùng” đang là một xu hướng thử nghiệm của nhiều hãng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Người ta thấy “thuê bao quần áo”, hay ở mức lớn hơn, các hãng ô tô như Volkswagen cũng thử cho thuê ô tô. Tuy nhiên, đa phần các gói thuê bao này đang mới dừng ở mức thử nghiệm. Chiến lược thuê bao nhằm giữ thị phần trước hàng giá rẻ của LG hay Samsung vẫn còn cần thời gian để chứng minh sự hiệu quả của mình.