Chi tiết

Cổ phiếu vẫn hạn chế giao dịch, Ô tô Giải Phóng lại “trắng” doanh thu

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính quý III/2024 mới công bố, GGG ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm, với doanh thu 0 đồng, nhưng giá vốn vẫn ghi nhận hơn 1 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ngành kinh doanh ô tô này âm hơn 1 tỷ đồng.

otogiaiphong.jpg
Mặc dù sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp cả ở Hà Nội và TP HCM, nhưng GGG vẫn kinh doanh thua lỗ triền miên – Ảnh: GGG.

Không những vậy, doanh nghiệp này còn phải gánh nhiều khoản chi phí khác như chi phí tài chính, trong đó, chiếm phần lớn là chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 3,9 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 3,6 tỷ đồng.

Theo giải trình từ lãnh đạo doanh nghiệp, trong quý III/2024, công ty không phát sinh doanh thu do các nguyên nhân sâu: Thứ nhất, Công ty nâng cấp thiết bị kiểm tra xuất xưởng nên việc xuất xưởng sản phẩm tạm dừng, do đó từ tháng 9/2024 Công ty không có sản phẩm mới để giao cho khách hàng. Thứ hai, trong quý II/2024, do tình hình thị trường ô tô vẫn tiếp tục ảm đạm, nhu cầu mua xe ô tô tải thấp. Thứ ba, đầu tháng 9/2024, do ảnh hưởng của bão Yagi, việc vận chuyển sản phẩm từ nhà máy (tại Hà Giang) gặp khó khăn nên Công ty không giao được xe cho khách hàng.

“Trong khi không phát sinh doanh thu, các chi phí vẫn phát sinh cao, bao gồm các chi phí sản xuất trong kỳ, chi phí khấu hao tài sản cố định, đặc biệt là chi phí tài chính cao, khiến kết quả kinh doanh quý III/2024 bị âm 3,9 tỷ đồng”, lãnh đạo GGG giải trình.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2024, GGG ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 5,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 14 tỷ đồng, qua đó, nâng lỗ lũy kế lên hơn 340 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý III/2024, tổng tài sản của GGG ở mức 54,4 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho gần 31 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn 60,4 triệu đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp này là hơn 100 tỷ đồng, gấp đôi tổng tài sản, trong đó, nợ ngắn hạn chiếm hơn 67 tỷ đồng, cũng cao hơn gấp đôi so với tài sản ngắn hạn (hơn 33 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu đang âm hơn 45,8 tỷ đồng, điều này mang đến nhiều lo ngại về vấn đề tài chính của doanh nghiệp này.

Tiền thân của GGG là Công ty CP Cơ điện Hà Giang, được thành lập vào từ năm 2001, chuyên sản xuất lắp ráp và kinh doanh ô tô. Cuối năm 2008, chuyển đổi thành Công ty CP Ô tô Giải Phóng.

cpggg.jpg
Cổ phiếu GGG hiện chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần do đang trong diện cổ phiếu bị hạn chế giao dịch.

Năm 2009, cổ phiếu GGG được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tuy nhiên, do kinh doanh thua lỗ triền miên nên đã bị hủy niêm yết và chuyển xuống giao dịch trên sàn UpCOM.

Kết quả kinh doanh ảm đạm kéo dài của GGG trái ngược với diễn biến chung của thị trường ô tô Việt Nam.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 124.983 ô tô nguyên chiếc, với trị giá gần 2,57 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng xe nhập khẩu đã tăng 32,7% và trị giá tăng 16%. Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã nhập khẩu 18.405 xe ô tô, đánh dấu mức tăng 22,2% về số lượng và 26,4% về giá trị so với tháng trước.

Về thị trường nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu nhập ô tô từ ba quốc gia lớn là Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Theo thống kê, Indonesia dẫn đầu về lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam với gần 50.900 xe, tổng kim ngạch đạt khoảng 746 triệu USD. Xếp thứ hai là Thái Lan với 47.580 xe, nhưng giá trị kim ngạch cao hơn, với gần 923 triệu USD. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ ba với 21.948 xe, tổng giá trị khoảng 653,4 triệu USD.

Đáng chú ý, ba thị trường này đã chiếm tới hơn 96% tổng lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng qua, cho thấy sự phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung từ các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố ngày 10/10/2024 cũng cho thấy, doanh số tháng 09/2024 tăng đáng kể nhờ có chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 109/2024/NĐ-CP ngày 29/8/2024.

Cụ thể, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 36.585 xe, bao gồm xe 28.973 du lịch; 7.367 xe thương mại và 245 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch tăng 51%, xe thương mại tăng 25%, xe chuyên dụng tăng 48% so với tháng trước.

Trong khi đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 19.500 xe, tăng 62% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 17.085 xe, tăng 30% so với tháng trước.

Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 09/2024 tăng 2% so với 2023. Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 2%; xe thương mại tăng 4% và xe chuyên dụng tăng 1% so với năm 2023.

Tính đến hết tháng 09/2024, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 11% trong khi xe nhập khẩu tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy sự dịch chuyển trong xu hướng tiêu dùng của người Việt, khi có xu hướng chọn xe nhập khẩu nhiều hơn, có thể vì sự đa dạng về mẫu mã, tính năng và giá cả cạnh tranh.


Source link