Chi tiết

Doanh thu môi giới của các CTCK giảm mạnh dù thị trường có thêm 1 triệu tài khoản mở mới, điều gì đang diễn ra?

Doanh thu môi giới của 9/10 công ty chứng khoán có thị phần top đầu thị trường đồng loạt giảm mạnh. Tuy nhiên, một hoạt động khác đang chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc, dự kiến sẽ là trụ cột kinh doanh trong giai đoạn tới.

Thống kê từ Top 10 công ty chứng khoán đang chiếm 67,18% thị phần môi giới trên HoSE cho thấy có tới 9 công ty báo cáo doanh thu sụt giảm từ mảng môi giới – 1 trong 3 trụ cột chính bên cạnh cho vay margin và tự doanh.

Cụ thể, doanh thu môi giới của “vua thị phần” VPS giảm từ 953 tỷ đồng xuống còn 714 tỷ đồng (-25%); tiếp đến là SSI giảm từ 535 tỷ đồng xuống còn 340 tỷ đồng (-36%). Công ty ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất là VND, từ 301 tỷ đồng xuống còn 168 tỷ đồng (-44%).

Duy nhất VCI có sự tăng trưởng doanh thu môi giới thêm 14% – đây là doanh nghiệp có sự bứt phá trong nhiều quý trở lại đây, lên Top 4 với 6,78% thị phần, vượt qua HSC, VND, và MBS.

Doanh thu môi giới của các CTCK giảm mạnh dù thị trường có thêm 1 triệu tài khoản mở mới, điều gì đang diễn ra?
Nguồn: Tổng hợp

Tổng 10 công ty chứng khoán này mang về 2.147 tỷ đồng doanh thu môi giới trong quý III/2024, giảm 28% so với cùng kỳ quý III/2023 (đạt 2.693 tỷ đồng).

Đáng chú ý, từ ngày 30/9/2023 đến 30/9/2024, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới vẫn tiếp tục tăng mạnh từ 7,8 triệu lên 8,8 triệu (thêm 1 triệu tài khoản).

Xoay trục kinh doanh

Mảng môi giới từng là “gà đẻ trứng vàng” cho các công ty chứng khoán đang ngày càng thu hẹp khi cạnh tranh trở nên khốc liệt. Nhiều công ty sẵn sàng đánh đổi phí môi giới để thu hút khách hàng bằng các chính sách miễn phí giao dịch. Bù lại, lượng khách hàng lớn tăng cường vay margin, giúp đem lại nguồn lợi không nhỏ.

Doanh thu môi giới của các CTCK giảm mạnh dù thị trường có thêm 1 triệu tài khoản mở mới, điều gì đang diễn ra?
Nguồn: Tổng hợp

Top 10 công ty chứng khoán có thị phần dẫn đầu HoSE ghi nhận lãi cho vay margin đạt 3.691 tỷ đồng trong quý III/2024, tăng 35% so với cùng kỳ quý III/2023 (đạt 2.927 tỷ đồng). Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất đến từ TCBS (+67%), HSC (+64%), và MBS (+44%).

Duy nhất VND có mức tăng trưởng âm 13%. Trong quý III/2024, doanh nghiệp sụt giảm doanh thu trên cả 3 hoạt động: môi giới, tự doanh, và cho vay trong bối cảnh thị phần đang mất dần vào tay đối thủ.

Xu hướng tập trung vào “miếng bánh” margin đang tỏ ra hợp thời. Tại thời điểm 30/9, margin toàn thị trường tiếp tục đạt đỉnh mới với 228.000 tỷ đồng (tổng hợp từ 68 công ty chứng khoán, đại diện 99% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành), tăng 4% so với quý trước và là quý tăng thứ 8 liên tiếp. Tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu là 0,87 lần, cách xa ngưỡng trần 2 lần theo quy định.

Tuy nhiên, quy mô dư nợ margin bất ngờ tăng mạnh trong quý III/2024 ở một số công ty chứng khoán nhỏ, bao gồm DNSE (+17%), KAFI (+19%) và LPBS (+497%). Đây cũng là nhóm đang có động thái mạnh mẽ trong cuộc đua cạnh tranh về lãi suất, bên cạnh việc giảm phí giao dịch xuống rất thấp, thậm chí miễn phí.

Ví dụ, DNSE đang đưa ra nhiều gói vay margin với lãi suất chỉ 5,99% hoặc 9,99%, với nhiều gói sản phẩm đa dạng, phù hợp với khẩu vị rủi ro của đại đa số nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đáng chú ý, DNSE đang áp dụng gói Rocket miễn lãi 3 ngày, đồng thời nhà đầu tư còn được miễn phí giao dịch. Kết quả, trong tháng 9, doanh nghiệp này chiếm 20,21% thị phần tài khoản mở mới toàn thị trường.

Doanh thu môi giới của các CTCK giảm mạnh dù thị trường có thêm 1 triệu tài khoản mở mới, điều gì đang diễn ra?
Nguồn: DNSE

Đặc biệt, trong mảng chứng khoán phái sinh, DNSE liên tục vươn lên chiếm lĩnh thị phần. Từ vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng thị phần môi giới chứng khoán phái sinh vào quý II/2024, đến quý III/2024, DNSE đã vươn lên xếp thứ 3 với 5,3% thị phần. Đây cũng là một trong những mảng kinh doanh được DNSE đẩy mạnh trong năm 2024. Phái sinh là “mảnh đất màu mỡ” với thanh khoản thậm chí còn lớn hơn thị trường cơ sở, lên đến vài chục nghìn tỷ đồng mỗi phiên.



Nguồn tin