Chi tiết

Thị trường bất động sản tại Thừa Thiên Huế vẫn ảm đạm

Trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản tại địa phương này xuất hiện một số tín hiệu tích cực, như việc ghi nhận một số dự án bất động sản lớn được khởi công, cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Có thể kể tới như liên danh CTCP Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji – Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Doji Land được Thừa Thiên Huế lựa chọn là nhà đầu tư tại dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở với tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng tại Khu đô thị An Vân Dương.

Hay gần đây nhất, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị phía Nam sông Như Ý – thuộc Khu E – Khu đô thị mới An Vân Dương, với tổng mức đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng.

Thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế dù có chuyển biến nhưng khó khởi sắc trong thời gian tới. Ảnh: Đình Duy

Ông Hoàng Minh Khang, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến hết quý III/2024 lượng giao dịch bất động sản tăng nhẹ so với quý II cùng năm. Tổng giá trị giao dịch bất động sản đến hết quý III/2024 đạt gần 280 tỷ đồng (tăng gần 150 tỷ đồng so với quý trước đó) chủ yếu tập trung vào chung cư và nhà ở riêng lẻ.

Đối với các dự án nhà ở thương mại, hết quý III/2024 toàn tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ có 1 dự án đang được triển khai với quy mô 497 căn chung cư và 106 nhà ở riêng lẻ. Cùng với đó là 1.085 căn nhà ở cho người thu nhập thấp ở thành thị đang được triển khai.

Tuy ghi nhận một vài dự án mới ở phân khúc căn hộ, nhưng 9 tháng đầu năm, thị trường bất động sản của Thừa Thiên Huế lại “sạch bóng” các loại hình khác như dự án liên quan đến đất nền, các dự án về du lịch nghỉ dưỡng.

Theo Sở Xây dựng, thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế vẫn còn trầm lắng và chưa có dấu hiệu “tăng nhiệt”, dù lượng giao dịch tăng nhẹ so với quý II nhưng tâm lý của các nhà đầu tư vẫn còn e ngại, dẫn đến thanh khoản chung trên thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi.

Theo ông Khang, thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có những động thái tháo gỡ pháp lý cho hàng loạt dự án, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, giảm lãi suất huy động để có thể hạ lãi suất cho vay…, tuy nhiên các chính sách này vẫn chưa thực sự thẩm thấu vào thị trường bất động sản.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý III/2024 vẫn chưa thấy có dấu hiệu tốt lên so với quý II/2024. Kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thực sự phục hồi.

Hiện nay, một số dự án bất động sản trên địa bàn vẫn đang tồn tại một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý, đặc biệt các khó khăn về nguồn vốn dẫn đến một số doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.

Khó khởi sắc trong thời gian tới

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Minh Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dù có nhiều chuyển biến nhưng thị trường bất động sản địa phương này vẫn khó khởi sắc trong thời gian tới.

Ông Châu cho rằng, thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế chủ yếu là nhà ở, người mua để ở không nhiều trong khi người mua đầu tư sẽ đầu tư khi thị trường có những chính sách mới hay được bổ sung dòng tiền.

“Trong ngắn hạn thị trường Huế vẫn chưa có gì thay đổi, bởi vì hiện giá bất động sản đang neo cao, cùng với lãi suất cao nên tâm lý nhà đầu tư vẫn lựa chọn kênh ngân hàng, chứng khoán để đầu tư. Tình trạng này khó nói khi nào khởi sắc, đặc biệt là nhà nước ban hành khung giá đất mới theo xu hướng tăng kéo theo nhiều nhiều loại phí, thuế tăng theo”, ông Châu nhận định.

Dù vậy, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thừa Thiên Huế cho biết, trong tương lai Huế có nhấn điểm nhấn để “kéo” thị trường đi lên, đó là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sự xuất hiện của trung tâm thương mại AEON Mall và một số dự án FDI mới cũng sẽ là yếu tố thu hút lượng lao động đến với địa phương này, đây là yếu tố thúc đẩy giá thị trường bất động sản tăng lên.



Nguồn