Phát biểu khai mạc Chương trình B2B matching giữa doanh nghiệp Ả Rập và Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, Việt Nam và các quốc gia Ả-rập Trung Đông, Châu Phi có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, có nhiều tiềm năng có thể bổ trợ cho nhau trong hợp tác kinh tế, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên trong những năm qua không ngừng được củng cố và phát triển.
Trải dài trên vùng lãnh thổ từ Tây Á đến Bắc Phi, khu vực Trung Đông bao gồm 15 quốc gia với diện tích trên 6 triệu km2, dân số gần 350 triệu người, GDP theo sức mua đạt khoảng hơn 6.000 tỷ USD. Đây là khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới, có tiềm năng to lớn về tài chính và nguồn vốn, sở hữu nhiều Quỹ đầu tư công lớn hàng đầu thế giới với tổng số vốn khổng lồ, trong đó đáng chú ý là các Quỹ đầu tư của Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Oman…
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định, trong những năm gần đây, các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực đang chuyển mình mạnh mẽ với nhiều kế hoạch phát triển đất nước tham vọng, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đa dạng hoá nguồn thu thông qua việc tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Trong chiến lược đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, nhiều quốc gia Trung Đông tích cực triển khai chính sách hướng Đông, tăng cường hợp tác với các thị trường châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng…
Trong khi đó, sau hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt, đặc biệt về kinh tế. Từ một quốc gia gặp nhiều khó khăn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về kinh tế. Từ mức GDP bình quân đầu người năm 1991 chỉ đạt 188 USD, năm 2023 con số này đã lên đến 4.285 USD, quy mô GDP tăng gần 23 lần với quy mô GDP (PPP) đạt 1.438 tỷ USD xếp thứ 25/192 trên thế giới và thứ 3 khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiện nay, Việt Nam đã có 18 nước là đối tác chiến lược, trong đó 8 nước là đối tác chiến lược toàn diện gồm Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023) và Australia (2024).
Đặc biệt, ông Trần Thanh Hải chia sẻ, trong quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam coi trọng việc thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chính phủ Việt Nam có nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Những nỗ lực trên cùng các biện pháp thu hút FDI hiệu quả đã giúp cho nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh qua các năm, đạt 438,7 tỷ USD tính đến hết năm 2023, lọt top 20 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới. Tiềm năng thị trường to lớn, cơ chế chính sách thuận lợi, cùng những thành tựu ấn tượng về kinh tế – xã hội đã đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác hợp tác quan trọng tại châu Á của các quốc gia Trung Đông.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng thẳng thắn nhận định, hiện vốn đầu tư từ khu vực Ả rập chỉ chiếm chưa đầy 1% trong tổng các dự án FDI tại Việt Nam, với số vốn chỉ chiếm 0,21% tổng số vốn FDI, những kết quả này còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông, châu Phi.
Trong khi đó, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các nước Ả-rập Trung Đông, Châu Phi thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu có tính chất bổ sung lẫn nhau. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông, châu Phi đã tăng hơn 10 lần kể từ năm 2005 đạt 2 tỷ USD năm 2005 lên 20,8 tỷ USD năm 2023.
Những biến động về chính trị, xã hội trong khu vực Trung Đông, châu Phi đã có những ảnh hưởng nhất định đến các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đến thị trường này, tuy nhiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước khu vực này đang tăng nhanh (tăng 27,3%), đứng thứ hai so với thị trường châu Mỹ (tăng 28,3%). Đây là dấu hiệu đáng khích lệ cho triển vọng xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia Trung Đông, châu Phi trong các năm tiếp theo.
“Hợp tác trong thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước Ả Rập Trung Đông, Châu Phi có tiềm năng lớn nhờ vào sự bổ sung về lợi thế và nhu cầu giữa các bên. Với tiềm năng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng, bất động sản, du lịch cũng như lĩnh vực công nghiệp và chế biến”, ông Trần Thanh Hải nhận định.
Theo đó, ông Hải cho biết hiện xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Đông và Châu Phi tập trung các mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy sản. Các sản phẩm may mặc, giày dép, đồ điện tử và hàng gia dụng của Việt Nam có tiềm năng lớn tại thị trường này, đặc biệt tại các nước có dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng.
Ngược lại, Việt Nam có thể nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, và các sản phẩm hóa dầu từ Trung Đông để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trong nước. Các nước Châu Phi cũng cung cấp khối lượng lớn nguyên liệu như bông, gỗ, khoáng sản, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Cùng với đó, các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi có nhu cầu cao về thực phẩm Halal nhập khẩu do hạn chế trong sản xuất nông sản, với dân số Hồi giáo chiếm hơn 40%, tiêu thụ các sản phẩm Halal, đặc biệt là thực phẩm chế biến, mỹ phẩm và dược phẩm ngày càng tăng cao.
“Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và đang nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu Halal. Bên cạnh đó, Việt Nam có chủ trương phát triển quan hệ với các quốc gia Trung Đông và châu Phi. Trong đó, có thúc đẩy hợp tác sản xuất, nhập khẩu, chứng nhận Halal. Đây cũng là điều kiện tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Halal”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực logistics và vận tải biển, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, với vị trí chiến lược, Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa Châu Á và Trung Đông. Hợp tác với các công ty logistics hàng đầu tại Trung Đông sẽ giúp cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng trong khu vực, cũng như giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, Bắc Phi. Hiện nay, một số dự án lớn của các Tập đoàn hàng đầu khu vực này đã hiện diện tại Việt Nam trong các dự án cảng biển và hệ thống kho bãi sẽ tăng cường năng lực vận chuyển, phục vụ hoạt động thương mại giữa các khu vực.
“Trong khuôn khổ tầm nhìn 2030 của Ả-rập Xê-út, đã ra đời Saudi Arabian Logistics (SAL) với chiến lược thúc đẩy chuyển đổi kinh tế của đất nước bằng cách trở thành trung tâm hậu cần vận tải toàn cầu, quản lý hàng hóa đẳng cấp thế giới cả đường không, đường bộ, đường biển thông suốt nối liền 3 châu lục: Châu Á – Châu Âu – Châu Phi… Cùng với Hiệp định FTA CEPA (Việt Nam – UAE) đã kết thúc đàm phán và đang chờ phê chuẩn, là những cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cộng đồng doanh nghiệp Ả-rập Trung Đông, Châu Phi tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và logistics thời gian tới”, ông Trần Thanh Hải nhận định.
Cũng chia sẻ về tầm nhìn hợp tác, ông Bassam Tabajah, Chủ tịch Diễn đàn doanh nhân Ả Rập đồng tình cho rằng, trong những năm qua các quốc gia Ả Rập đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt, trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và các doanh nghiệp Ả Rập muốn kéo dài thành công này hơn nữa tại Việt Nam.
“Ngành Halal có nhiều cơ hội, tiềm năng và chúng tôi mong muốn hợp tác hơn nữa với các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ sở hạ tầng, xuất nhập khẩu,…”, ông Bassam Tabajah kỳ vọng.
Tham dự chương trình, Đại sứ Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Iraq, UAE và một số nước Trung Đông nhấn mạnh, buổi B2B Matching này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia Ả Rập. Tôi đặc biệt cảm ơn sự hiện diện của lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Diễn đàn Doanh nhân Ả Rập và sự hỗ trợ tổ chức từ Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Xúc tiến Thương mại Việt Nam – Ả Rập.
Ông Nguyễn Quang Khai nhận định, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Cụ thể, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm kinh tế năng động tại khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng GDP trung bình 6-7% mỗi năm trong thập kỷ qua. Với dân số trẻ, có trình độ và thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 350 tỷ USD, trong đó khu vực Trung Đông và các nước Ả Rập chiếm hơn 10 tỷ USD, tăng trưởng đáng kể so với các năm trước.
Bên cạnh đó, với sự ổn định chính trị và môi trường kinh doanh thuận lợi, ông Nguyễn Quang Khai cho rằng Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy và tiềm năng đối với các doanh nghiệp Ả Rập. Các sản phẩm chủ lực như nông sản, dệt may, và điện tử của Việt Nam đã tìm được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Ả Rập. Trong khi đó, các doanh nghiệp Ả Rập lại có thể mang đến cho Việt Nam những sản phẩm năng lượng, hóa chất, và công nghệ, tạo điều kiện để cân bằng thương mại và phát triển bền vững.
Cũng tại chương trình, các doanh nghiệp hai khu vực, các doanh nghiệp tham dự đã giới thiệu, chia sẻ thông tin và cơ hội hợp tác thông qua phiên kết nối B2B Matching giữa doanh nghiệp 2 nước, cũng như lễ ký kết các biên bản ghi nhớ (MOU) giữa các đối tác.