Chi tiết

Khung pháp lý cho tài chính công nghệ chưa theo kịp thực tế

Tại tọa đàm “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam”, ông Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thông tin, trong sự phát triển mạnh mẽ của tài chính số những năm gần đây, các giải pháp tài chính công nghệ – fintech là bước đột phá, góp phần gia tăng cơ hội mở rộng tiếp cận tài chính cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.

toan canh
Toạ đàm do Báo Nhân dân và Viện Chiến lược phát triển kinh tế số thực hiện

Được phát triển trên nền tảng công nghệ thông tin và viễn thông, không cần mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch, các công ty fintech được PGS, TS Đặng Ngọc Đức – Trưởng khoa tài chính ngân hàng (trường Đại học Đại Nam) đánh giá là “cánh tay nối dài” của các tổ chức tài chính tín dụng truyền thống.

Fintech có thể tiếp cận tệp khách hàng tiềm năng chưa từng mở tài khoản hay quan hệ tín dụng; rút ngắn thời gian, chi phí với các khoản vay quy mô nhỏ, số lượng nhiều. Đồng thời, có thể dự báo, dự đoán tình hình hoạt động kinh doanh và năng lực tài chính của khách hàng trên cơ sở rủi ro bằng cách dữ liệu tin cậy.

Ở khía cạnh doanh nghiệp, báo cáo đánh giá tác động thực trạng các kênh cung ứng dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại 9 quốc gia trong khu vực do Viện Chiến lược phát triển kinh tế số thực hiện cho thấy, từ năm 2013 đến nay, nhìn chung khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp SME đã cải thiện rõ rệt, trừ Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Tỷ lệ doanh nghiệp SME gặp khó khăn tiếp cận tài chính từ 10-15%. Trong đó, tỷ lệ sở hữu tài khoản của Việt Nam thấp nhất trong mẫu nghiên cứu 10 năm, khoảng 50%; trong khi con số này ở các quốc gia khác từ 80-90%. Con số trên cho thấy, chưa có nhiều chuyển biến tích cực trong việc gỡ bỏ rào cản tài chính với doanh nghiệp SME tại Việt Nam trong thời gian qua.

Mr Duc
PGS, TS Đặng Ngọc Đức – Trưởng khoa tài chính ngân hàng (trường Đại học Đại Nam)

Đây có thể là hệ quả của thực trạng ưa thích sử dụng tiền mặt của doanh nghiệp SME, các quy định về sở hữu tài khoản thanh toán hoặc thiếu các dịch vụ mang lại giá trị gia tăng để khuyến khích các doanh nghiệp SME.

Báo cáo cũng chỉ ra, để khắc phục các hạn chê về cung ứng và tiếp cận dịch vụ tài chính với doanh nghiệp SME, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ… nhiều quốc gia đã xác định ứng dụng công nghệ tài chính là giải pháp hiệu quả tạo các nền tảng kết nối, xây dựng hệ sinh thái toàn diện, đáp ứng nhu cầu tài chính của các bên liên quan. Trong đó, một trong hai mô hình hiệu quả là fintech.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, dù được chứng minh “sức sống” nhưng theo các chuyên gia, giải pháp tài chính công nghệ này “sống” ngoài vòng pháp luật. Đây là rào cản lớn nhất.

Theo ông Phạm Minh Tú, khuôn khổ pháp lý hiện hành còn bất cập, chưa bắt kịp đòi hỏi của thực tiễn. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính mới xuất hiện thêm dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro và sự tham gia của các công ty fintech vào lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhất là góc độ thanh tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đi cùng với đó là những hạn chế khác như hạ tầng số, nền tảng số còn chưa được đầu tư tương xứng; doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh thiếu kiến thức cũng như kỹ năng quản lý tài chính…

Mr Kien
TS Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng

Từ thực tế trên, đề xuất những hàm ý chính sách, TS Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng cần thực hiện một số giải pháp. Đó là, Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư hạ tầng đi trước; đào tạo nguồn nhân lực; kết hợp giữa các tổ chức tín dụng với tổ chức khoa học công nghệ trong chuyển đổi số, các trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp SME.

Liên quan đến các rủi ro của fintech, TS Nguyễn Đức Kiên nhìn nhận, có thể hoá giải được nhờ sự hợp tác giữa các tổ chức tài chính tín dụng truyền thống và các đối tác fintech (không cạnh tranh, hợp tác lấp đầy khoảng trống thị trường…). Để sự hợp tác này thành công cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy sự phát triển của hoạt động ứng dụng công nghệ nói chung và fintech nói riêng. Sự phối hợp này, theo các chuyên gia sẽ góp phần giảm chi phí giao dịch, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng sức ép đổi mới sáng tạo cho các tổ chức tài chính ngân hàng truyền thống.

Một số quốc gia như Malaysia, Indonesia đã khuyến khích các tổ chức tài chính, ngân hàng sử dụng hạ tầng mở của các fintech hoặc tạo khung pháp lý thử nghiệm với nhiều giải pháp tài chính khác nhau cho các doanh nghiệp siêu nhỏ.


Source link