Chi tiết

Người Việt bất ngờ vì hàng trên Temu ‘không rẻ và nhanh’

Mới đến Việt Nam, thế mạnh giá rẻ của Temu chưa gây ấn tượng, còn giao hàng và thanh toán thiếu cạnh tranh với sàn nội địa.

Minh Giang (Bình Thạnh, TP HCM) tải ứng dụng Temu về sau khi xem quảng cáo thùng đựng gạo có giá rẻ bất ngờ, chỉ hơn 18.000 hay 19.000 đồng bộ 6 ly thủy tinh. Tuy nhiên, chị không tìm thêm được nhiều món ưng ý trên sàn này.

Theo Giang, sản phẩm niêm yết giá cao rồi giảm 50-70% là mức bình thường. “Bán 100.000 đồng chiếc ốp lưng iPhone thì không hấp dẫn trong khi tôi mua trên Shopee chỉ 1.000 đồng mỗi chiếc, còn freeship (miễn phí vận chuyển)”, chị nói.

Tương tự, sau 2 tuần trải nghiệm, một số người dùng khác cũng cho rằng ngoài một số sản phẩm gây chú ý “chào sân”, thì mặt bằng chung hàng bán trên Temu không khác biệt đáng kể so với các sàn như Shopee, TikTok Shop hay Lazada.

Lướt trên ứng dụng mới tải, Trọng Tiến (quận 3, TP HCM) thích thú với sản phẩm máy tạo ẩm hình đám mây giá 655.000 đồng. Tuy nhiên, đối chiếu trên Shopee, anh phát hiện hàng cùng loại rẻ hơn, 500.000 đồng. Nhiều mẫu khác tương tự chỉ 300.000 đồng.

“Nhìn chung muốn mua hàng rẻ trên này cũng có nhưng số món giá thấp hơn một số sàn khác không nhiều như kỳ vọng”, Tiến cho hay.

Các yếu tố như giao hàng, thanh toán và đóng gói của Temu được người mua đánh giá chưa thuyết phục. Sàn này giao hàng qua hai đối tác tại Việt Nam là Ninja Van và Best, cùng chính sách đền bù 25.000 đồng nếu giao trễ hẹn. Chị Bích Phương (quận 8, TP HCM) chốt 2 đơn lần lượt vào 16 và 17/10 và nhận vào 22 và 24/10. “Họ giao đúng ngày nhưng mất 6-7 hôm. Ưu điểm là giao một kiện cho sản phẩm khác shop, nhưng đóng gói rất lỏng lẻo”, chị kể.

Anh Lê Duy (quận 4, TP HCM) đặt mua dụng cụ đục khắc thủ công hôm 18 nhưng đến 24/10, ứng dụng báo hàng đến kho ở Từ Sơn (Bắc Ninh). “Quá chậm so với sàn nội”, anh nói. Theo anh, nếu món nào cũng tương tự thì sẽ xóa app.

Quảng cáo chị Minh Giang nhận được và gói hàng chị Bích Phương nhận được ngày 24/10. Ảnh nhân vật cung cấp, đồ họa Viễn Thông

Quảng cáo chị Minh Giang nhận được và gói hàng chị Bích Phương nhận được ngày 24/10. Đồ họa: Viễn Thông

Theo SocialHeat – nền tảng lắng nghe mạng xã hội thuộc công ty dịch vụ dữ liệu chuyên về thương mại mại điện tử YouNet Media, Temu thành đề tài “nóng” khi sàn thâm nhập Việt Nam gần đây. Một tháng qua, chủ đề này thu hút hơn 410.000 lượt tương tác từ 7.100 bài đăng và 36.850 thảo luận.

Riêng từ 22/10, khi Temu tung chương trình tiếp thị liên kết (affiliate) cho người dùng Việt Nam, lượng thảo luận tăng vọt hơn 400% trong 3 ngày. Nhưng trải nghiệm mua hàng trên sàn online này lại chưa thực sự làm hài lòng người tiêu dùng Việt. Hơn 11,3% nói giá trên Temu không rẻ. Chất lượng sản phẩm cũng vướng nghi ngờ, chiếm 5% thảo luận. Người dùng cũng phản ánh thời gian giao hàng chậm, quy trình đổi trả phức tạp.

Chính sách không hỗ trợ thanh toán khi nhận hàng cũng là điểm trừ lớn, khi gần 5% lo ngại về rủi ro bảo mật. Hiện Temu chỉ nhận thanh toán thẻ tín dụng hoặc Apple Pay, trong khi Shein và các sàn nội địa chấp nhận tiền mặt (COD). Theo ghi nhận của VnExpress, một số khách hàng từ bỏ chốt đơn khi phát hiện không có COD.

YouNet Media cho rằng Temu đang đối mặt với nhiều thách thức để giành được lòng tin của người Việt, vì phần đông phản hồi vẫn đặt câu hỏi về tính minh bạch và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, theo một số người mua và nhà bán nội địa, nền tảng online này có hạn chế về cơ cấu ngành hàng. Bước đầu, sàn này không có thế mạnh về thời trang như TikTok Shop hay Shopee. Đây là nhóm sản phẩm doanh số (GMV) hàng đầu và đang phát triển khá mạnh ở các gian hàng và thương hiệu nội địa Việt Nam trên nền tảng trong nước. Đồng thời, sàn này cũng không kinh doanh thực phẩm chế biến, vốn là thế mạnh của Shopee hay Sendo với rau củ quả tươi.

Báo cáo quý III của hãng dữ liệu thương mại điện tử Metric cho hay, thời trang nữ và bách hóa – thực phẩm là hai nhóm hàng được người Việt chi tiền mua nhiều thứ 3 và 4 trên các sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop, lần lượt đạt hơn 8.900 tỷ và 3.590 tỷ đồng. Đó là chưa kể thời trang nam, giày dép các loại, quần áo trẻ em, phụ kiện… ghi nhận doanh số hơn 12.800 tỷ đồng.

Nguyễn Minh, một nhà buôn đồ ăn vặt Trung Quốc trên các sàn thương mại điện tử nội địa nói “không lo trong thời gian ngắn khi Temu hiện diện”, bởi ngành hàng này chưa được chú ý. Theo anh, không chỉ Temu, các nhà sản xuất, nhà buôn lớn của Trung Quốc đã dịch chuyển về Việt Nam trong khoảng hai năm gần đây. Tuy nhiên, những ngành hàng như đồ gia dụng, phụ kiện, thường được chú ý hơn bởi sự đa dạng mẫu mã, giá vốn thấp, sức cạnh tranh tốt hơn.

Temu cũng không có “shop mall”, tức gian hàng chính hãng mà Shopee, Lazada, TikTok Shop đã có hay Tiki với chính sách bán hàng có nguồn gốc rõ ràng. Trong khi, người tiêu dùng Việt ngày càng ưu tiên các sản phẩm thương hiệu, chất lượng, đặc biệt là hàng có giá thành cao, theo Metric. Trong quý III, nhóm “shop mall” trên các sàn nội địa chiếm 5% tổng số shop phát sinh đơn hàng, nhưng lại đóng góp gần một phần ba doanh số toàn thị trường, tăng hơn 53% so với cùng kỳ 2023.

Thực tế, Temu hầu như không bán hàng từ các sản phẩm có thương hiệu mà phần lớn là hàng xưởng không thương hiệu giá rẻ. Vì thế, chất lượng sản phẩm trên sàn online này và nền tảng như Shein, cũng cần kiểm chứng.

Hàng bán trên các nền tảng này từng vấp phải phàn nàn ở các nước khác. Ví dụ, tháng 4, AFP cho hay đợt kiểm tra của cơ quan chức năng Seoul (Hàn Quốc) phát hiện mẫu dép từ Temu chứa lượng chì trong đế cao hơn giới hạn cho phép 11 lần. Trên Shein, họ phát hiện mẫu giày chứa phthalate – hóa chất được sử dụng để làm cho nhựa dẻo hơn – cao hơn giới hạn 229 lần.

Hôm 15/10, Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng CHOICE (Australia) công bố kết quả kiểm tra 15 món đồ chơi mua ngẫu nhiên trên Temu, với hầu hết tiềm ẩn nguy hiểm từ pin. “Kết quả này rất đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh nền tảng này ngày càng phổ biến”, CEO CHOICE Ashley de Silva cho biết. Sau đó, các sản phẩm lập tức bị Temu gỡ bỏ khỏi sàn.

Để tìm chỗ đứng ở Việt Nam, ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Phân tích thị trường YouNet ECI cho rằng Temu cần hợp tác với chính phủ và tuân thủ quy định pháp lý liên quan đến thuế, chống hàng giả. Nền tảng này cũng cần hỗ trợ các nhà bán hàng, nhà sản xuất và thương hiệu nội địa lên sàn.

Trải nghiệm sau mua hàng cũng không thể xem nhẹ. Theo khảo sát năm 2023 của YouNet ECI và Buzzmetrics thì dịch vụ vận chuyển, trải nghiệm khi mua sắm và chăm sóc khách hàng đều thuộc top 5 yếu tố tác động quyết định mua sắm. Ông Lâm dẫn chứng TikTok Shop phải mất một thời gian để thích ứng và tạo lòng tin cho người tiêu dùng Việt trong các khía cạnh này. Do đó, Temu cần bắt tay các đối tác giao vận, thanh toán nội địa đáng tin cậy.

Theo một số nhà bán hàng, Temu chưa chiếm ủng hộ lớn những ngày đầu thâm nhập, nhưng cần tiếp tục nghiêm túc quan sát. Nguyễn Minh cho rằng shop ngoại tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua nền tảng này hướng tới những ngành hàng dễ tiếp cận. Nhưng khi đạt đến độ phủ nhất định, những ngành còn bỏ ngỏ cũng sẽ thành mục tiêu, như đồ ăn sẵn mà anh đang kinh doanh.

Đó là chưa kể chi phí lớn nhất với những nhà buôn nhỏ tại Việt Nam hiện tại là quảng cáo (chiếm khoảng 35-50% giá bán), trong khi giá vốn thường chỉ chiếm khoảng 15-20%.

“Những nhà buôn nhỏ thường nói vui rằng chỉ khi bán x3, x4 giá nhập mới mong có lời. Nếu Temu mang tới những nhà sản xuất với chiến lược đưa giá bán về sát giá vốn, những nhà buôn nhỏ lẻ chắc chắn sẽ chịu áp lực lớn, thậm chí rời khỏi thị trường”, Minh nói.

Viễn Thông


Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-viet-bat-ngo-vi-hang-tren-temu-khong-re-va-nhanh-4808505.html