Theo công bố sơ bộ từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quý III/2024, Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post – HoSE: VTP) ghi nhận 2.600 tỷ đồng doanh thu dịch vụ và lợi nhuận trước thuế 133 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 3,3% so với cùng kỳ.
Công ty chuyển phát hàng đầu này đã đạt công suất gần 2 triệu bưu kiện/ngày nhờ việc bổ sung thêm cơ sở phân loại Quang Minh vào cuối năm 2023 và rút ngắn thời gian giao hàng thêm tối đa 8 – 10 giờ so với những năm trước.
Viettel Post đạt công suất xử lý 2 triệu đơn hàng/ngày |
Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới mở ra cơ hội lớn cho Viettel Post
Trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, Viettel Post cho biết sẽ dựa trên hoạt động kinh doanh hiện tại để đầu tư thêm vào mảng logistics, đồng thời hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối, nhằm giúp hoàn thiện mạng lưới và giảm chi phí logistics của Việt Nam. Vào đầu tháng 12/2024, công viên logistics tại Lạng Sơn sẽ được doanh nghiệp đưa vào hoạt động để thúc đẩy phát triển logistics TMĐT xuyên biên giới và cửa khẩu thông minh.
Gần đây, trên ứng dụng Viettel Post xuất hiện một mục mới có tên Vipo Mall. Giao diện của công cụ này giống như một sàn TMĐT, với dòng giới thiệu rằng đây là giải pháp mua hàng xuyên biên giới. Tuy nhiên, hiện nó chỉ hỗ trợ việc giao dịch trên các nền tảng nội địa Trung Quốc nổi tiếng như Taobao, 1688, Pinduoduo, hay JD.com.
Công cụ của Viettel Post xuất hiện cùng thời điểm website TMĐT 1688.com của Alibaba mở đường vận chuyển trực tiếp đến Việt Nam, cho phép thanh toán bằng các thẻ quốc tế. Trước đó, Shopee và Lazada cũng đã có gian hàng dán nhãn “quốc tế,” bán xuyên biên giới. Đặc biệt, Temu – nền tảng TMĐT xuyên biên giới thuộc công ty PDD Holdings, chủ sở hữu Pinduoduo (nền tảng mua sắm trực tuyến lớn thứ 2 tại Trung Quốc) cũng đã bắt đầu đổ bộ vào thị trường Việt Nam vào tháng 10.
Ảnh minh họa |
Là doanh nghiệp chuyển phát nhanh đầu ngành, Viettel Post dường như đang đứng trước cơ hội lớn trước “cơn bão” thúc đẩy mua sắm hàng hóa.
Về dung lượng thị trường, giá trị thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc khá đáng kể. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu 110 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc (chiếm 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu) và xuất khẩu 61 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Tại cửa khẩu Hữu Nghị – Lạng Sơn (cửa khẩu biên giới lớn nhất giữa 2 nước), mỗi ngày có 1.300 xe container qua lại, tương đương khoảng 500.000 TEU hàng hóa. Mỗi container có thể yêu cầu các dịch vụ khác nhau như thông quan, lưu kho và depot, xử lý và xếp dỡ hàng hóa,… Quy mô thị trường TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc (xuất khẩu sang tất cả các quốc gia) đạt 250 tỷ USD vào năm 2021, tăng 31% so với cùng kỳ.
Tại sao cổ phiếu Viettel Post bị SSI Research “chê đắt”?
Diễn biến cổ phiếu VTP |
Phiên ngày 25/10, VTP đang có thị giá gần 90.000 đồng/cp, tăng 61% kể từ đầu năm 2024. Trong năm 2023, cổ phiếu này cũng đã có mức tăng 135%. Sự tăng nóng đang đẩy định giá VTP lên cao.
SSI Research cho rằng, với mức giá hiện tại, chỉ số P/E Forward (dự kiến) năm 2024 và 2025 lần lượt là 30 và 25 lần, cao hơn nhiều so với mức trung bình 20 lần của các công ty cùng ngành trong khu vực. Trong khi đó, đối với tiềm năng từ TMĐT xuyên biên giới, chưa đủ thông tin, dữ liệu để đánh giá tiềm năng.
Do đó, SSI Research duy trì ước tính lợi nhuận trước thuế cho năm 2024 – 2025 của doanh nghiệp lần lượt là 513 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và 619 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Từ đó, định giá cổ phiếu VTP ở mức 70.000 đồng/cp, thấp hơn giá thị trường hiện tại.
>> Viettel sắp ‘bỏ túi’ thêm khoản tiền khủng nhờ Viettel Post (VTP)