TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, theo thông tin từ Viện Thị trường carbon thế giới cho thấy hiện có khoảng 73 cơ chế carbon, tính cả ở thị trường tự nguyện và bắt buộc đang được vận hành ở cấp quốc gia và cấp địa phương.
Hiện các cơ chế này đang phủ khoảng 23% trong tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG) toàn cầu. Vận hành của các cơ chế này đã huy động được khoảng 100 tỷ USD trong năm 2022. Các cơ chế trong thị trường carbon bắt buộc chiếm vai trò chủ đạo, với khoảng 98% tổng nguồn thu được tạo ra từ các cơ chế này (2% còn lại là từ các cơ chế của thị trường tự nguyện).
Đối với thị trường carbon tự nguyện, con số thống kê từ Chương trình Ecosystem Marketplace của Forest Trends cho thấy, giai đoạn 2021-2023 có 1.530 dự án carbon tại 98 quốc gia khác nhau. Lượng carbon giao dịch khoảng 254 triệu tấn với kim ngạch khoảng gần 1,9 tỷ USD.
Lượng tín chỉ carbon giao dịch trong khuôn khổ chương trình carbon tự nguyện năm 2022 giảm 51% so với lượng giao dịch năm 2021. Tuy nhiên, giá mua bán tín chỉ carbon tăng mạnh (82%) từ mức 4,04 USD/tấn lên 7,37 USD/tấn năm 2022. Giá tín chỉ carbon năm 2023 giảm so với 2022, ở mức 6,97 USD/tấn.
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, việc tham gia thị trường tín chỉ carbon mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích môi trường và xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững.
“Thông qua thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp ở đô thị, miền xuôi chia sẻ lợi ích với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, những người đang có năng lực hấp thụ khí thải carbon mà các doanh nghiệp sản xuất tạo ra”, TS Nguyễn Tú Anh cho hay.
Đồng quan điểm, PGS TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế cho biết biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, kinh tế và xã hội, đặt ra thách thức lớn trong việc chung tay giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, phát triển thị trường carbon được xem là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giúp các quốc gia và doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Thị trường carbon cung cấp cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp và tổ chức mua bán tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính, từ đó thúc đẩy việc giảm phát thải và nghiên cứu, sản xuất năng lượng xanh, sạch
Nhận thức sâu sắc điều này, từ góc độ doanh nghiệp, TS Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec, chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho biết, thị trường tín chỉ carbon quan trọng. Tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) với đặc thù tập hợp đa dạng ngành nghề, phát thải liên tục trong suốt quá trình hoạt động của mình nhiều năm.
Đặc điểm quy mô lớn nhỏ, mức phát thải khác nhau của doanh nghiệp, để quản lý hiệu quả khu công nghiệp nhiều yếu tố cần quản trị bằng ESG. Sử dụng nguyên vật liệu giảm phát thải, tiết kiệm điện, tối ưu giảm và tuần hoàn nước. Trong đó, có cơ sở hạ tầng sử dụng nguyên vật liệu giảm phát thải, tiết kiệm điện, tối ưu giảm và tuần hoàn nước, hạ tầng sinh thái.
Theo dự thảo “Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam”, trong giai đoạn năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc. Từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc; bổ sung các loại tín chỉ carbon được xác nhận để giao dịch trên thị trường; mở rộng chủ thể được tham gia giao dịch tín chỉ carbon trên sàn… Việc phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp. Điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Lợi ích là vậy, tuy nhiên, việc hình thành và vận hành thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Trước tiên là sự nhận thức về thị trường này của doanh nghiệp, tổ chức và xã hội vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, việc tham gia thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam còn những vấn đề như: Quy định của pháp luật Việt Nam về tín chỉ carbon (cơ sở pháp lý để được công nhận tín chỉ carbon hiện nay tại Việt Nam…); Những mặt tích cực, những thiếu sót, bất cập, vướng mắc liên quan tới tín chỉ carbon hiện nay tại Việt Nam; Doanh nghiệp (cả doanh nghiệp phát thải lẫn doanh nghiệp cung cấp, kinh doanh tín chỉ carbon), người dân sẽ được lợi gì khi tham gia thị trường tín chỉ carbon…
TS Nguyễn Tú Anh cho biết thêm, trong cuộc khảo sát gần đây của Công ty cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường, có hơn 30% doanh nghiệp trên tổng số 537 doanh nghiệp chỉ biết sơ qua về hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường carbon.
Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, chỉ 1,27% doanh nghiệp biết về ETS và thị trường tín chỉ carbon. “Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa có đủ hiểu biết và quan tâm đến thị trường có nhiều ưu thế này”, TS Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.
Một thách thức khác, PGS TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Việt Nam đang gặp thách thức lớn vừa phải “nâu hơn” vừa phải “xanh hơn”, tức vừa phải phát triển công nghiệp, hiện đại hóa nhưng vừa phải giảm phát thải, xanh hóa nền kinh tế. Do đó, ông Thọ nhận định, trong xu thế chung của thế giới là xanh và bao trùm, phát triển thị trường tín chỉ carbon là một trong những giải pháp. Việt Nam hiện có nhiều cơ hội đan xen thách thức khi phát triển thị trường carbon.
PGS TS Đào Văn Thanh thì nhận định cho rằng, sự thiếu hụt về khung pháp lý, hệ thống đo đạc, thông tin, dữ liệu, báo cáo, thẩm định, trang thiết bị, hạn chế về nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng vẫn là những rào cản chính. Để biến thách thức thành cơ hội, Việt Nam cần sớm thiết lập một hệ thống chính sách đồng bộ và xây dựng, hoàn thiện cơ chế vận hành thị trường carbon, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào các dự án giảm phát thải và tăng cường hợp tác quốc tế.
Do đó, để thị trường tín chỉ carbon hình thành và phát triển, chuyên gia cho rằng cần có một hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ xác định rõ quyền và nghĩa vụ các bên tham gia, nguyên tắc xác định sản phẩm, nguyên tắc xác định quyền sở hữu, quyền định đoạt cũng như nguyên tắc xác định giá cả giao dịch và các chuẩn mực phải tuân thủ.
“Để tạo lập thị trường tín chỉ carbon, trước tiên phải có nhu cầu về tín chỉ này. Các doanh nghiệp phải biết mình đang phát thải bao nhiêu và được phép phát thải bao nhiêu. Nếu doanh nghiệp đang phát thải vượt quá hạn mức cho phép thì doanh nghiệp phải chịu hậu quả gì? Cùng đó, muốn bảo đảm trong hạn mức thì doanh nghiệp có thể mua tín chỉ phát thải carbon ở đâu? Ai bảo đảm tín chỉ này được công nhận trên thế giới”, ông Nguyễn Tú Anh nhận định.
Theo ấn bản năm 2023 của chỉ số tương lai xanh, Việt Nam xếp thứ 53/76 nền kinh tế và thứ 9/16 nền kinh tế ở châu Á, đạt 4,13. Việt Nam xếp ở giữa trong các hạng mục chuyển đổi năng lượng nhưng lại xếp hạng thấp trong các hạng mục về phát thải carbon và ch sách khí hậu.
Xếp hạng, đánh giá kinh tế xanh của Việt Nam trong 160 nước ở 18 chỉ số về môi trường, biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và đầu tư xanh đáp ứng yêu câu ESG từ 2005-2020, Việt Nam xếp hạng 79/160 toàn cầu, đứng thứ ba ở ASEAN năm 2022; xếp hạng 29/160 về mức độ cải thiện các chỉ số và xếp hạng thứ 94/160 về khoảng cách tới mục tiêu toàn cầu.
Từ thực trạng đó, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng thị trường tín chỉ carbon là một dạng thị trường đặc biệt mua bán quyền phát thải và năng lực hấp thụ khí nhà kính. Do đó, cần có một hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ xác định rõ quyền và nghĩa vụ các bên tham gia, nguyên tắc xác định sản phẩm, xác định quyền sở hữu, quyền định đoạt, xác định giá cả giao dịch và các chuẩn mực phải tuân thủ.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xây dựng khung pháp lý toàn diện cho thị trường tín chỉ và hạn ngạch carbon, tài chính xanh. Đồng thời, phát triển công cụ tài chính như trái phiếu xanh, tín dụng xanh, và quỹ tài chính xanh. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia dự án bền vững qua ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính.