Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã tăng 2.714 USD/oz lên mức 2.758 USD/oz, sau đó giảm xuống tới 2.708 USD/oz, rồi lại phục hồi lên 2.747 USD/oz và đóng cửa tuần ở mức 2.746 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC theo niêm yết của Công ty Bảo Tín Minh Châu ở mức 89 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn ở mức 88,7 triệu đồng/lượng.
Ngoài các yếu tố cơ bản, như các ngân hàng trung ương mua vàng, BRICS tìm cách phi đô la hoá,… thì xung đột địa chính trị ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên,… là nguyên nhân chính đẩy giá vàng tăng cao trong thời gian qua.
Đến nay, dù căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa hết, nhưng theo nhiều chuyên gia khó xảy ra chiến tranh trên bán đảo này. Bởi vì, các cường quốc, các tổ chức quốc tế đã và đang tìm cách ngăn chặn, không để xảy ra chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên.
Còn xung đột ở Trung Đông, Israel vừa tiến hành tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Iran. Theo Israel, đây là phản ứng của nước này đối với việc Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Iran đã tấn công Israel kể từ ngày 1/10/2024. Cuộc tấn công của Israel bắt đầu vào rạng sáng 26/10, nhưng đã kết thúc sau 3 đợt không kích. Israel cảnh báo Iran rằng nếu Iran trả đũa đòn tấn công này của Israel, thì các cuộc tấn công tiếp theo sẽ mạnh mẽ hơn.
Theo nhiều chuyên gia, rất có thể Israel sẽ chỉ tiến hành 3 đợt không kích nhằm vào Iran để trả đũa cho đòn tấn công trước đây của Iran, chứ không mở rộng thêm các cuộc tấn công khác. Còn phía Iran có thể cũng sẽ không đáp trả vì điều đó có thể làm xung đột lan rộng.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập cho rằng giá vàng tuần tới có thể sẽ tiếp tục tăng do tâm lý nhà đầu tư lo ngại cuộc tấn công của Israel đối với Iran vào rạng sáng ngày 26/10. Tuy nhiên, nếu Iran không trả đũa Israel, thì giá vàng tuần tới sẽ điều chỉnh giảm trở lại. Giá vàng giảm sâu sẽ là cơ hội mua vào vì giá vàng trung và dài hạn được dự báo vẫn còn tăng mạnh.
Ông Ole Hansen, Trưởng phòng Chiến lược Hàng hóa tại Saxo Bank, cũng cho rằng giá vàng ngắn hạn cũng đang tiềm ẩn rủi ro sụt giảm nếu xung đột địa chính trị ở Trung Đông và Bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt. “Bốn đợt điều chỉnh trước đó của giá vàng kể từ mức thấp nhất vào tháng 6/2024 trung bình là 95 USD, với đợt điều chỉnh mới nhất vào tháng 10 là 80 USD. Nếu giá vàng ngắn hạn tiếp tục điều chỉnh, thì có thể giảm xuống mức 2.666 – 2.685 USD/oz”, ông Ole Hansen nhận định.
Trong khi giá vàng tuần tới đang tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục điều chỉnh, sẽ có khá nhiều số liệu kinh tế quan trọng được công bố vào tuần tới. Trong đó, đáng chú ý là báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) được công bố vào thứ Sáu tuần tới.
Ông Jonas Goltermann, Phó Giám đốc Capital Economics cho rằng dữ liệu thị trường lao động Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi 2 cơn bão lớn vào đầu mùa thu. Do đó, số liệu NFP tháng 10 có thể chỉ đạt 100.000 việc làm – mức thấp nhất kể từ năm 2020. Tuy nhiên, ông Jonas Goltermann vẫn cho rằng xu hướng cơ bản là các điều kiện của thị trường lao động được nới lỏng, phù hợp với một cuộc hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ.
Nhiệm vụ kép của FED sẽ trở thành tâm điểm chú ý vào tuần tới khi thị trường đón nhận thông tin về Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cơ bản (PCE) của Mỹ, dự kiến vẫn còn ở mức cao. Với thị trường lao động suy giảm và lạm phát cao tồn tại dai dẳng, thì nhiều khả năng FED có thể chỉ cắt giảm 25 điểm lãi suất cơ bản trong kỳ họp tháng tới. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư vàng, khiến giá vàng tuần tới chịu thêm áp lực chốt lời.