(ĐTCK) Bên cạnh nhóm cổ phiếu dẫn dắt ngân hàng, chứng khoán đang chịu áp lực chốt lời ngắn hạn, các chuyên gia phân tích sẽ điểm tên các nhóm cổ phiếu có triển vọng trong giai đoạn hiện tại và dự báo xu hướng thị trường thời gian tới.
VN-Index ghi nhận diễn biến rung lắc và điều chỉnh mạnh trong tuần qua khi chỉ số VN-Index “bay hơi” giảm gần 33 điểm, giảm về 1252,72 điểm. Cùng với đó, thanh khoản cũng ghi nhận sụt giảm so với tuần trước đó và tiếp tục ở dưới mức bình quân 20 tuần, nhưng điều này lại cho thấy áp lực bán không quá lớn. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch trong tuần tới?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Trong ngắn hạn mốc 1.250 – 1.255 điểm đang là khu vực hỗ trợ “cứng” của thị trường trên biểu đồ tuần và ngày thì đang chỉ ra mốc hỗ trợ từ khu vực 1.240 + đến 1.250 trở lên vẫn sẽ là vùng đáy của đợt giảm này. Chúng ta có thể nên đợi chờ các phiên hồi phục trước khi đi đến các quyết định giao dịch mạnh bạo hơn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Tính chung từ đầu tháng, chỉ số VN-Index đã giảm khoảng 50 điểm kể từ vùng đỉnh 1.300. Thị trường hiện tại đang thiếu động lực tăng trưởng do không có dòng cổ phiếu nào dẫn dắt chính. Tuy nhiên, điểm kỳ vọng là dù suy giảm nhưng thị trường không bị áp lực bán quá lớn và lực cầu vẫn tập trung ở một số nhóm ngành.
Xu hướng thị trường năm nay cũng khá tương đồng với các năm trước khi chu kỳ tháng 10 thị trường thường kém khả quan và có thể kéo dài qua đến trung tuần tháng 11. Tuần tới, thị trường nhiều khả năng tiếp tục trạng thái tích lũy với vùng đệm hỗ trợ mạnh bên dưới từ 1.230-1.240. Vùng giá này thường tập trung nhiều điểm mua mạnh vì vậy khả năng Vnindex tạo đáy không còn xa.
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi
Nhìn rộng ra trong cả năm 2024 thì thị trường vẫn duy trì đi ngang và tích lũy trong vùng từ 1.180 đến 1.300 điểm và biên độ tích lũy ngắn hạn là từ 1.250 đến 1.300 điểm. Nhìn chung, khi thị trường không vượt qua được ngưỡng 1.300 điểm, thì vùng tích lũy đi ngang trong cả năm 2024 vẫn được áp dụng.
Trong giai đoạn hiện tại, tuy tình hình bối cảnh vĩ mô chung của đất nước vẫn duy trì tích cực; giới đầu tư vẫn đang quan tâm đến kết quả kinh doanh quý 3 và một số rủi ro chung như vấn đề tỷ giá hay tác động của cuộc bầu cử Mỹ đến nhiều mặt của chính sách đối ngoại, giao thương. Do đó, nhiều khả năng với tâm lý cẩn trọng của thị trường chung, cùng với chưa có luồng tiền mới tham gia thị trường, VN-Index vẫn lùi về hỗ trợ tại 1.240-1.250 điểm và đi ngang trong biên hẹp như diễn biến giao dịch suốt năm 2024.
Ông Lương Duy Phước |
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
Dựa trên diễn biến hiện tại có lẽ tuần tới vẫn là xu hướng đi ngang theo chiều hướng đi xuống. Có hai vùng hỗ trợ cần được quan sát là mốc 1.240 điểm và mốc 1.180 điểm. Việc thị trường xuất hiện lực bán mạnh hàng ngày vào lúc 2h20 khiến tâm lý nhà đầu tư đang dần chuyển sang bi quan và nhiều nhà đầu tư sẽ hạn chế mở mua mới lúc này trừ khi xuất hiện giảm mạnh.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng chỉ số VN-Index đang giảm về vùng hỗ trợ 1.240 – 1.250 điểm và nhiều cổ phiếu đã rơi về trạng thái quá bán ngắn hạn cho nên thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi trong các phiên giao dịch đầu tuần, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho nên đà giảm cũng có thể sớm trở lại và tìm vùng cân bằng.
Hiện nay, vùng 1.240 – 1.250 điểm được xem là vùng hỗ trợ mạnh cho chỉ số VN-Index khi nhiều cổ phiếu cũng đang có dấu hiệu chững lại đà giảm, nhưng nếu chỉ số VN-Index xuyên thủng vùng 1.240 điểm thì vùng hỗ trợ kế tiếp của chỉ số VN-Index 1.225 điểm.
Có nhiều yếu tố đang tác động đến thị trường nhưng lo ngại trước vận động của tỷ giá tăng trong nước trong thời gian gần đây cũng ít nhiều tác động đến tâm lý thị trường, dù các thông tin vĩ mô vẫn đang khá tích cực. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng vận động của tỷ giá cũng như điều này có tác động nhiều đến TTCK?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Áp lực tỷ giá luôn là hiện tượng thường thấy ở giai đoạn cuối năm. Hoạt động hút tiền về hệ thống trên qua kênh tín phiếu của NHNN cũng là động thái ngắn hạn để kiềm chế tỷ giá và có thể là câu chuyện ngắn hạn.
Có thể những giai đoạn trước thị trường biến động trùng với động thái tỷ giá biến động mạnh khiến các nhà đầu tư lo lắng và thận trọng hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhìn nhận đây không phải là nguyên nhân quá lớn có thể dựa vào đó để “mất niềm tin” vào thị trường.
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến TTCK kể cả yếu tố tâm lý, triển vọng nền kinh tế, chính sách tiền tệ nới lỏng hay thắt chặt – Khối ngoại, triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Tỷ giá sẽ ổn định và giảm trong tháng 11.
Chúng ta đừng quên là FED vẫn đang cân nhắc hạ lãi suất 2 đợt đầu tháng 11 và giữa tháng 12 – những biện pháp thúc đẩy kinh tế, triển vọng kinh tế cũng sớm hỗ trợ cho đà hồi phục của TTCK. Biến động tỷ giá ngắn hạn, diễn biến điều chỉnh hiện nay trên TTCK chỉ là hiện tượng tạm thời và sẽ sớm kết thúc bởi kịch bản tích cực hơn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Tỷ giá trong thời gian có sự biến động mạnh trở lại và điều này ít nhiều gây lo ngại và tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đợt biến động tỷ giá giai đoạn cuối năm không áp lực nhiều lên nhà điều hành như giai đoạn đầu năm mà mang tính mùa vụ nhiều hơn do nhu cầu USD gia tăng vào giai đoạn cuối năm phục vụ cho nhu cầu thương mại và nghĩa vụ thanh toán nợ. Vì vậy, có thể trong vài tuần tới tình hình căng thẳng tỷ giá sẽ hạ nhiệt và ổn định trở lại vì vậy chưa có gì đáng lo ngại hiện tại.
Ông Nguyễn Hồng Khanh |
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi
Tỷ giá nhìn chung chịu tác động lớn hơn bởi yếu tố bên ngoài hơn là nội tại trong nước. Với việc FED cắt giảm lãi suất 0,5% trong tháng 09 là cú hích cho nền kinh tế Mỹ vốn đang vẫn tích cực, thị trường kỳ vọng về khả năng FED sẽ bớt “bồ câu” trong các đợt giảm lãi suất sau của 2024 và do đó dẫn đến đánh giá lại về tiến trình cắt giảm lãi suất của của FED theo hướng chậm lại, kéo dài thời gian đưa lãi suất về lãi suất trung tính.
Mặt khác, ứng cử viên Trump đang được dự đoán có lợi thế hơn trong cuộc bầu cử, đưa đến phản ứng của thị trường tác động đến USD khi các chính sách của ứng viên này phần nhiều khiến USD tăng giá. Trong ngắn hạn với việc USD còn neo cao được dự đoán cho đến hết đợt bầu cử Mỹ và cuộc họp FOMC của FED, thì tâm lý thị trường chung còn tương đối cẩn trọng, ảnh hưởng đến sự tham gia tích cực vào TTCK Việt Nam. Trong các giai đoạn tỷ giá bị ảnh hưởng mạnh, vận động của TTCK thường mang chiều hướng tương đối ảm đạm hơn.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
Mối tương quan giữa tỷ giá và chứng khoán không quá rõ ràng. Thông thường khi tỷ giá biến động tăng trên 1%, chúng ta mới thấy những phản ứng rõ hơn của thị trường do nhà đầu tư bắt đầu nghĩ tới việc sẽ có dòng tiền đi ra khỏi hệ thống, như việc NHNN phải bán USD bình ổn hoặc thay đổi chính sách lãi suất. Tất nhiên, khi thị trường bi quan thì tin tức gì tiêu cực cũng sẽ tác động xấu về mặt tâm lý.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Áp lực tỷ giá có dấu hiệu gia tăng trở lại khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ gia tăng trở lại trong thời gian qua, cùng với đó là nhu cầu USD vào thời điểm cuối năm. Tôi cho rằng, tỷ giá sẽ còn ảnh hưởng đến tâm lý tiêu cực trong ngắn hạn khi NHNN có thể sẽ tiếp tục phát hành tín phiếu cũng như bán USD để giảm áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng áp lực tỷ giá có thể sớm hạ nhiệt trong vài tuần tới khi dư địa tăng ngắn hạn của chỉ số USD còn thấp và lợi suất trái phiếu Mỹ có thể hạ nhiệt khi gần đến cuộc họp của Fed.
Ngoài ra, động thái của khối ngoại đã quay lại bán ròng trong thời gian gần đây cũng khiến cho các nhà đầu tư trong nước thận trọng hơn. Tuy nhiên, dư địa bán của khối ngoại đã không còn nhiều khi tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đã không còn nhiều với tỷ lệ sở hữu của khối ngoại đã giảm xuống còn gần 17%.
Thị trường biến động giảm cũng một phần đến từ chịu áp lực chốt lời ngắn hạn, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu Ngân hàng, Chứng khoán. Đây vốn dĩ là 2 nhóm dẫn dắt và thu hút dòng tiền trong nhịp hồi phục trước đó. Vậy ở giai đoạn hiện tại, sau ngân hàng và chứng khoán, cơ hội đang nghiêng về nhóm cổ phiếu nào, theo ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Hiện nay, một số nhóm cổ phiếu công nghệ viễn thông – cổ phiếu tiện ích điện nước, cảng biển, dược phẩm sẽ được ưu tiên lựa chọn – pha tích lũy sẽ tạo điều kiện cho thị trường chọn lựa các cổ phiếu có kết quả kinh doanh nổi trội, xuất sắc có câu chuyện cơ bản nội tại hơn là các cổ phiếu có kết quả kinh doanh ổn định và ít tiềm năng.
Ông Lê Đức Khánh |
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Một số nhóm cổ phiếu đã giảm sâu đang có dấu hiệu tích cực hơn như nhóm bất động sản, thép là những nhóm ngành dự báo có thể thu hút dòng tiền mạnh hơn so với các nhóm ngành còn lại trong thời gian tới.
Hai nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán đang chốt lời ngắn hạn có thể ảnh hưởng trong vài tuần tuy nhiên về trung hạn đây vẫn là hai nhóm ngành ưu tiên quan tâm nhất và khi các nhịp điều chỉnh vừa đủ thì hai nhóm ngành này sẽ thu hút dòng tiền mạnh trở lại.
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi
Hiện tại, dòng tiền trên thị trường có phần suy giảm so với giai đoạn đỉnh của thị trường. Do đó, trên quan điểm của tôi, có khả năng dòng tiền trong giai đoạn tiếp theo sẽ tìm đến các nhóm ngành vốn hóa nhỏ hơn, hoặc các nhóm có triển vọng kinh doanh cuối năm tốt.
Đối với triển vọng kết quả kinh doanh, chúng tôi đang đặt kỳ vọng vào nhóm các doanh nghiệp ngành cảng biển, cũng như ngành thép khi các yếu tố về vĩ mô và kinh doanh đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành. Ngoài ra nhóm này đang có mức định giá tương đối hấp dẫn nên có nhiều tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Ngoài ra, nhóm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng có thể công bố kết quả kinh doanh khả quan trong vài tuần tới và có thể là tâm điểm cho dòng tiền trong ngắn hạn. Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng 2 chữ số có thể được thể hiện ở các doanh nghiệp dệt may cũng như thủy sản.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
Nhìn nhận tuần vừa qua, chúng ta thấy điểm sáng là nhóm bất động sản với việc nhóm này không giảm giá được nữa dù có nhiều tin xấu bao gồm cả kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Đó là cơ sở giúp thị trường có thể trụ vững quanh khu vực hỗ trợ 1.240 điểm.
Nhóm ngân hàng có lẽ sẽ cần 1-2 phiên giảm nữa để tìm điểm cân bằng, trong khi nhóm chứng khoán có mẫu hình khá tiêu cực kết hợp với thông tin kết quả kinh doanh khá thất vọng so với quy mô vốn và mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại.
Việc các nhóm có tính đầu cơ dẫn dắt cao như bất động sản và chứng khoán có diễn biến trái chiều nhau, cho thấy thị trường chưa có sự đồng thuận mạnh mẽ ở chiều lên. Tôi cho rằng, xu hướng quan sát hạn chế giao dịch vẫn là xu hướng chủ đạo trong tuần tới.
Ông Vũ Duy Khánh |
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng nhóm Ngân hàng và chứng khoán vẫn có thể là các nhóm cổ phiếu chủ đạo dẫn dắt đà hồi phục của thị trường. Đồng thời, tôi kỳ vọng ở các nhóm cổ phiếu khác như Vận tải, Công nghệ, Hóa chất, Sản xuất thực phẩm, Thép.
Nhóm bất động sản có dấu hiệu diễn biến ngược với thị trường chung do các nhà đầu tư kỳ vọng vào việc khơi thông các dự án và tăng nguồn cung dự án cho thị trường trong giai đoạn tới, nhưng tôi cho rằng việc lựa chọn cổ phiếu ở nhóm cổ phiếu này tương đối khá hạn chế và ưu tiên vào các nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng cao nhất ngành.
Thị trường vẫn đang duy trì tốt xu hướng hồi phục với đáy sau cao hơn đáy trước. Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng ổn định và bức tranh tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tích cực hỗ trợ cho xu hướng thị trường trong dài hạn.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Triển vọng nền kinh tế và TTCK được đánh giá vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan hơn kể cả giai đoạn cuối năm. Tăng trưởng GDP và nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực cũng sẽ là động lực khiến TTCK sẽ sớm quay trở lại xu hướng tăng điểm đặc biệt trong 2 tháng 11 và 12.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE)
Xu hướng chính trong trung hạn của thị trường vẫn đang là tăng trưởng xen kẽ các nhịp điều chỉnh ngắn. Với các nhà đầu tư dài hạn thì các nhịp điều chỉnh như hiện tại vẫn là cơ hội tốt để tích lũy thêm cổ phiếu giá rẻ. Riêng đối với các nhà đầu tư ngắn hạn thì tại vùng giá hiện tại đã có thể giải ngân từng phần và tập trung vào các nhóm ngành tăng trưởng.
Nhà đầu tư không cần quá quan tâm đến các nhịp sóng ngắn trong vài phiên và hướng đến mục tiêu dài hơn ở từng nhóm ngành mũi nhọn và cổ phiếu tăng trưởng thì giao dịch sẽ chủ động và kiếm lợi nhuận tốt hơn.
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi
Với xu hướng cả năm là đi ngang và tâm lý thị trường còn cẩn trọng, trong ngắn hạn thị trường có thể xuất hiện các nhịp điều chỉnh để củng cố. Do đó, nhà đầu tư cần quan sát thêm vận động của thị trường và dòng tiền tại những vùng hỗ trợ quan trọng như 1.240-1.250 điểm.
Chiến lược an toàn nên được ưu tiên sử dụng trong giai đoạn này. Theo đó, duy trì danh mục tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng tốt, thanh khoản cao, được dòng tiền chú ý là ưu tiên. Đồng thời, cân nhắc hiện thực hóa lợi nhuận tại các vùng kháng cự quan trọng và chỉ mở mua thăm dò tại các nhịp điều chỉnh về các ngưỡng hỗ trợ mạnh.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
Về mặt dài hạn thì đó là những yếu tố ủng hộ xu hướng tăng điểm của thị trường, nhưng trong ngắn hạn chúng ta chưa thấy sự kích hoạt dòng tiền. Có lẽ chừng nào thanh khoản chưa trở lại mức 25.000 tỷ/phiên, chúng ta vẫn khó kỳ vọng sự bứt phá vượt 1.300 điểm. Xác suất lặp lại hình ảnh năm 2013 tương đối cao với việc chỉ số đi ngang 6 tháng cuối năm dù mọi thứ đang tốt dần.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Ông Nguyễn Thế Minh |
Tôi cho rằng, các nhà đầu tư chưa nên vội mua mới trở lại và ưu tiên cho chiến lược quan sát, đặc biệt các nhà đầu tư chưa nên bán hết toàn bộ danh mục và có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp 30-40% danh mục ngắn hạn, chỉ nên tăng tỷ trọng cổ phiếu khi xu hướng ngắn hạn xác nhận tăng trở lại (tức là khi chỉ số VN-Index vượt lên trên vùng 1.270-1.280 điểm).
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/goc-nhin-chuyen-gia-chung-khoan-tuan-moi-khoanh-vung-nhom-co-phieu-trien-vong-post356757.html